Phát triển rừng kinh tế ở Bắc Quang

16:50, 25/08/2008

(HGĐT)- Bắc Quang có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển KT-XH, đặc biệt là diện tích rừng tương đối lớn với gần 70.000 ha, trong đó diện tích rừng kinh tế hơn 12.700 ha. Huyện đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh tế rừng và đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận.


 
 Nhân dân xã Hùng An (Bắc Quang) chuyển cây keo giống đến nơi trồng mới.

Là một trong những huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, những năm qua, nhờ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng, diện tích rừng của Bắc Quang không ngừng tăng cả về quy mô và diện tích. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2008, toàn huyện đã trồng mới được trên 4.300 ha rừng, đạt 116% so kế hoạch tỉnh giao, trong đó chủ yếu cây nguyên liệu giấy, như: Keo, mỡ - đây là những loại cây rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Bắc Quang, là loại cây dễ trồng, phát triển nhanh, hiệu quả kinh tế khá cao. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế rừng, nên hầu hết diện tích rừng trồng mới trên địa bàn huyện theo quy mô hộ gia đình, chiếm 60% tổng diện tích trồng mới. Bên cạnh việc hỗ trợ các hộ dân phát triển rừng hàng hoá, huyện cũng đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, đặc biệt là các lâm trường. Ngoài ra, việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay vốn, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giúp đỡ về KHKT và đơn giản hoá các thủ tục cần thiết cho hoạt động chế biến và vận chuyển sản phẩm. Nhờ có những cơ chế ưu đãi, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Vì vậy, đã thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa bàn. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Quang đã có hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trồng và phát triển rừng. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp quốc doanh đã trồng mới được 650 ha rừng. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện quy hoạch chuyển đổi trên 2.200 ha diện tích rừng, trong đó chuyển đổi theo chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang rừng sản xuất 1.500 ha; còn lại là nhân dân tự chuyển đổi từ diện tích trồng cây ăn quả, cây trồng khác bị thoái hoá sang trồng rừng.


Xác định Bắc Quang là địa bàn trọng điểm để phát triển vùng nguyên liệu giấy, chính vì vậy tỉnh đã đầu tư nhiều dự án phát triển khu công nghiệp nhẹ; đặc biệt là công nghiệp sản xuất và chế biến bột giấy, tại khu công nghiệp Nam Quang. Để phát huy tiềm năng thế mạnh về đất đai, toàn tỉnh nói chung và huyện Bắc Quang nói riêng đã có những chính sách và bước đi phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất có hiệu quả. Với chính sách hỗ trợ người dân về giống cây, KHKT, người dân đã thực sự nhận thức được tầm quan trọng và nguồn lợi của việc trồng rừng kinh tế. Huyện cũng đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu phát triển rừng kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển rừng, ngoài công tác vận động, tuyên truyền nhân dân phát triển rừng, huyện Bắc Quang còn triển khai thực hiện tốt kế hoạch quản lý, khai thác lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng. Huyện đã củng cố kiện toàn Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng 23/23 xã, thị trấn; tập huấn nghiệp vụ trồng và bảo vệ rừng cho cán bộ lâm nghiệp xã, thôn bản; tuyên truyền trong nhân dân về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng quy ước bảo vệ rừng. Thường xuyên có cán bộ khuyến nông xuống giúp dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, huyện còn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vụ vận chuyển lâm sản trái phép trong địa bàn và vận chuyển ra ngoài địa bàn.


Qua việc phát triển rừng kinh tế đã có nhiều hộ gia đình của huyện Bắc Quang thoát nghèo và từng bước làm giàu, góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường sống cho nhân dân. Với việc đẩy mạnh công tác phát triển rừng nhất là chuyển đổi rừng nghèo kiệt lâm sản sang phát triển rừng kinh tế đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trong nhân dân, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình, đồng thời góp phần chống xói mòn, lở đất, lũ lụt, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.


Với kết quả mà huyện Bắc Quang đã và đang làm, chắc chắn trong những năm tới, lĩnh vực phát triển và sản xuất lâm nghiệp của huyện sẽ đạt được những kết quả to lớn, góp phần đẩy mạnh công cuộc XĐGN, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân các dân tộc trong huyện.


Tứ Cường

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản Bạ, tích cực chăm sóc lúa mùa
(HGĐT)- Ngay sau khi phát hiện tình trạng gần 100% diện tích lúa mùa của huyện bị sâu bệnh cuốn lá nặng, Trạm Khuyến nông huyện Quản Bạ đã chỉ đạo cán bộ cơ sở hướng dẫn bà con cách khắc phục, phòng trừ sâu bệnh hại lúa bằng nhiều biện pháp.
25/08/2008
Nông dân huyện Vị Xuyên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
(HGĐT)- Anh Ấu Xuân Hon, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Giang giới thiệu với tôi: Muốn tìm hiểu về mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, anh hãy về Vị Xuyên, nông dân ở đó làm việc này tốt đấy!
25/08/2008
Xín Mần đẩy mạnh XĐGN, phát triển bền vững
(HGĐT)- Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về XĐGN và việc làm, Đảng bộ huyện Xín Mần đã ra Nghị quyết chuyên đề XĐGN giai đoạn 2006-2010.
22/08/2008
Công ty Xổ số kiến thiết: Vì mục tiêu “ích nước, lợi nhà”
(HGĐT)- Được thành lập tháng 1.2005 với số vốn ban đầu 2,15 tỷ đồng và 16 cán bộ, CCVC, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các ban, ngành trong tỉnh và một số Công ty Xổ số tỉnh bạn, đặc biệt kể từ sau khi có Chỉ thị của UBND tỉnh hồi đầu năm 2006 về việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh xổ số, đã tạo điều kiện cho Công ty XSKT
22/08/2008