Nông dân huyện Vị Xuyên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

16:46, 25/08/2008

(HGĐT)- Anh Ấu Xuân Hon, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Giang giới thiệu với tôi: Muốn tìm hiểu về mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, anh hãy về Vị Xuyên, nông dân ở đó làm việc này tốt đấy!


Tôi về Vị Xuyên vào ngày nghỉ cuối tuần. Tuy có điện thoại hẹn trước nhưng vẫn phải nói với kỹ sư Nguyễn Hữu Bằng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, câu cáo lỗi về việc “quấy rầy” anh đúng ngày Chủ nhật. Anh Bằng cười: “Nông dân làm gì có ngày nghỉ Chủ nhật mà anh lo!” Là “thủ lĩnh” của một Hội có 234 chi hội cơ sở, với 12.079 hội viên, nhưng kỹ sư Bằng lại có vóc dáng khá “thư sinh”, nói năng nhỏ nhẹ và hay cười mỉm. Sau khoảng một giờ trao đổi công việc, anh Bằng cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin về hoạt động của Hội Nông dân Vị Xuyên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến công tác vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là về cây trồng. Theo anh Bằng, mấy năm gần đây tình hình thời tiết có xu hướng xấu đi, khiến việc trồng trọt gặp nhiều khó khăn, nhiều chân ruộng cấy lúa trước đây nay bị thiếu nước; không ít diện tích đất trồng ngô bị bạc màu và khô cằn, dẫn đến năng suất giảm, trong khi nguồn đầu tư thâm canh của nông dân có hạn... Trước thực trạng đó, cấp uỷ, chính quyền huyện đã có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực đưa những loại giống cây conphù hợp, có năng suất cao và giá trị kinh tế lớn vào canh tác. Và việc này được giao cho Hội Nông dân làm nòng cốt. Huyện Hội đã lập kế hoạch và triển khai cụ thể xuống các chi hội cơ sở, tạo thành một phong trào sâu rộng trong nông dân; cùng đó là việc tích cực hỗ trợ vốn cho nông dân thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (3 năm qua Huyện Hội đã đứng ra nhận ủy thác cho 2.240 hội viên vay 16 tỷ đồng để đầu tư cho sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng). Đối với trồng trọt, cây lạc được chọn là cây mũi nhọn trong việc chuyển đổi, đưa vào canh tác ở những chân ruộng lúa một vụ hoặc những thửa ruộng thường xuyên thiếu nước tưới, vào diện tích đất soi bãi trồng ngô năng suất thấp vì bạc màu và khô cằn... bằng giống lạc trắng L14. Đây là giống lạc lai có nhiều ưu điểm so với giống lạc cũ, năng suất cao và dễ bán. Các thương lái từ miền xuôi cứ đến mùa thu hoạch lạc là đánh xe tải lên thu mua để xuất khẩu. Vụ Xuân này toàn huyện Vị Xuyên có trên 1.000 ha lạc chuyển đổi, trong đó có tới 80% diện tích trồng bằng giống mới L14. Các xã trồng nhiều lạc là Trung Thành (260 ha), Việt Lâm (120 ha), Đạo Đức (44 ha)...


Anh Bằng dẫn tôi xuống thăm một số mô hình chăn nuôi và trồng trọt có hiệu quả ở xã Đạo Đức. Anh bảo: Muốn cho người nông dân tin tưởng thì không có cách gì tốt hơn là làm các mô hình trình diễn, sau đó là tổng kết đánh giá và so sánh hiệu quả của các mô hình. Khi dân tin rồi thì nhân diện rộng. Bây giờ người nông dân rất thích cây lạc, vì nó có nhiều ưu điểm: Dễ trồng, chịu hạn tốt, cải tạo được đất, ít phải đầu tư chăm sóc, năng suất cao, dễ bán và bán được giá. Giống lạc L14 cho năng suất khá cao, khoảng 18 đến 20 tạ/ha (trong khi giống cũ chỉ đạt từ 12 đến 15 tạ); giá bán hiện tại từ 10 đến 12 triệu đồng/tấn, tính ra vụ lạc Xuân này toàn huyện thu được chừng 25 tỷ đồng, cao gấp hơn hai lần so với trồng lúa và trồng ngô trên cùng một diện tích, lại chắc ăn hơn và đặc biệt là cải tạo được đất, ít phải dùng tới phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật...

Chia tay “đất lạc” Vị Xuyên, tôi hiểu rõ hơn một điều: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nay không còn xa lạ với người nông dân, bởi họ ngày càng năng động và khôn ngoan hơn; vai trò các cấp Hội Nông dân ngày càng thêm rộng lớn và thiết thực; vấn đề sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp và nông thôn đã bắt đầu hình thành và đang trên đà phát triển, mà Vị Xuyên là một ví dụ.


Khánh An

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần đẩy mạnh XĐGN, phát triển bền vững
(HGĐT)- Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về XĐGN và việc làm, Đảng bộ huyện Xín Mần đã ra Nghị quyết chuyên đề XĐGN giai đoạn 2006-2010.
22/08/2008
Công ty Xổ số kiến thiết: Vì mục tiêu “ích nước, lợi nhà”
(HGĐT)- Được thành lập tháng 1.2005 với số vốn ban đầu 2,15 tỷ đồng và 16 cán bộ, CCVC, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các ban, ngành trong tỉnh và một số Công ty Xổ số tỉnh bạn, đặc biệt kể từ sau khi có Chỉ thị của UBND tỉnh hồi đầu năm 2006 về việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh xổ số, đã tạo điều kiện cho Công ty XSKT
22/08/2008
Huyện Quang Bình: Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp
(HGĐT)- Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Quang Bình gặp rất nhiều khó khăn vì thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, như mưa đá, gió lốc xảy ra ở nhiều nơi; sâu hại, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và cây lương thực ở diện rộng… tác động xấu đến kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp nên đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển KT – VH – XH của huyện.
22/08/2008
Khu tái định cư KCN Bình Vàng sẽ tốt hơn nhiều so với nơi bà con ở cũ
(HGĐT)- Mỗi hộ dân nằm trong diện phải di dời giải phóng mặt bằngkhu công nghiệp (KCN) Bình Vàng sẽ có quyền lựa chọn cho gia đình một trong nhiều phương án tái định cư tối ưu. Vì hiện nay, để triển khai giải phóng mặt bằng KCN Bình Vàng, tỉnh và huyện đang khẩn trương xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khu tái định cư để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật
20/08/2008
Cây phong linh Giống hoa vàng