Khẳng định “thương hiệu” hàng đầu trong lĩnh vực phát triển viễn thông-CNTT
(HGĐT)- Là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tập đoàn BC-VT Việt Nam, có chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh và phục vụ chuyên ngành viễn thông-công nghệ thông tin (CNTT), thời gian qua, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Tập đoàn BC-VT Việt Nam, cùng với sự nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên, CCVC trong toàn ngành, Viễn thông Hà Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Trụ sở Viễn thông Hà Giang. |
Hoạt động trên địa bàn tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế; trong điều kiện môi trường kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, ngày càng có nhiều doanh nghiệp mới tham gia cạnh tranh với nhiều loại hình dịch vụ, thị phần bị chia sẻ mạnh, các dịch vụ có giá trị doanh thu cao đang bị cạnh tranh quyết liệt; công tác đầu tư xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn như giá vật tư biến động tăng liên tục, công tác giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình xây dựng hạ tầng, mạng lưới phục vụ chiến lược SXKD... Song, vượt lên tất cả những khó khăn, với lực lượng lao động hùng hậu (317 người), được đào tạo cơ bản, có truyền thống đoàn kết tốt, có kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông lâu dài; hạ tầng mạng lưới được trang bị đồng bộ, rộng khắp, đa dịch vụ, chất lượng tốt; mạng lưới bán hàng là các đại lý, bưu cục của Bưu điện tỉnh trải dài theo địa giới hành chính; cùng sự nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo của cán bộ CCVC trong toàn ngành, ngay từ những ngày đầu năm nay, Ban Giám đốc Viễn thông Hà Giang đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm cho kết cấu hạ tầng mạng lưới và hạ tầng các trạm BTS mạng Vinaphone, nâng cao năng lực mạng lưới và chất lượng dịch vụ, đảm bảo yêu cầu cho sự phát triển bền vững và cạnh tranh lành mạnh. Quá trình triển khai thực hiện các dự án đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định đầu tư của Nhà nước và hướng dẫn của Tập đoàn BC-VT Việt Nam, không để thất thoát, lãng phí, đảm bảo chất lượng các công trình.
Năm 2008 là năm thị trường BC-VT và CNTT cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực như loại hình dịch vụ, giá cước, chất lượng phục vụ, công tác chăm sóc khách hàng, quảng cáo, khuyến mại của các nhà cung cấp như: Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Viễn thông Điện lực (EVN), Công ty Cổ phần dịch vụ BC-VT Sài Gòn (SPT)... nhưng Viễn thông Hà Giang đã xác định nhiệm vụ năm 2008 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm, tạo thế và lực để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2006-2010) và đây cũng là năm đầu tiên mà ngành thực hiện chia tách và hoạt động độc lập với nhau giữa hai lĩnh vực bưu chính và viễn thông. Vì vậy, Viễn thông Hà Giang đã tập trung tối đa mọi nguồn lực, tạo sức bật cơ bản cho SXKD là yêu cầu then chốt. Chỉ tính đến 31.7.2008, kết quả SXKD của Viễn thông Hà Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Phát triển máy điện thoại cố định, Gphone, di động trả sau mạng Vinaphone, Mega VNN được 6.550 thuê bao, đạt 72% kế hoạch. Doanh thu viễn thông và CNTT đạt 62% kế hoạch Tập đoàn BC-VT Việt Nam giao.
Không chỉ thực hiện tốt công tác kinh doanh, Viễn thông Hà Giang còn đảm đương nhiệm vụ quan trọng khác là phục vụ AN-QP. Mạng lưới viễn thông và CNTT của ngành đã mở rộng vùng phủ sóng tới các vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, mà còn tạo sự bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin liên lạc thông suốt giữa các vùng trong tỉnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và định hướng phát triển chung của Tập đoàn BC-VT Việt Nam.
Viễn thông Hà Giang còn là đơn vị tiên phong của tỉnh trong lĩnh vực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Thực hiện công tác chính sách xã hội của Nhà nước, của ngành và của địa phương, ngành đã thực hiện tốt công tác phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, đỡ đầu đồn Biên phòng, quan tâm tới các gia đình cán bộ hưu trí của ngành, gia đình chính sách. Đặc biệt vừa qua, nhận được tin nhân dân xã Nà Khương bị thiệt hại nặng về người và tài sản trong đợt lũ quét, lãnh đạo Tập đoàn BC-VT Việt Nam và Viễn thông Hà Giang đãđến tận nơi thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại và trao 50 triệu đồng ủng hộ cho huyện Quang Bình khắc phục hậu quả thiên tai.
Trao đổi với chúng tôi về chiến lược phát triển của ngành trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Viễn thông Hà Giang, vui vẻ cho biết: Giai đoạn 2008-2013 là thời kỳ rất quan trọng - giai đoạn đầu sau chia tách và sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thời gian tới, Viễn thông Hà Giang tiếp tục phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn BC-VT Việt Nam. Tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới theo phương châm: Hiện đại hóa, đồng bộ, cung cấp các dịch vụ viễn thông rộng khắp, chất lượng cao. Củng cố và phát triển mạng cáp đồng tại các khu vực, các trạm viễn thông để chuẩn bị hạ tầng cho mạng băng rộng. Đầu tư hạ tầng cho mạng di động Vinaphone đảm bảo phủ sóng 100% các xã trong tỉnh. Đưa các dịch vụ mới về băng rộng, mạng không dây, có dây công nghệ mới vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Không ngừng tuyên truyền, quảng cáo thương hiệu của VNPT và Viễn thông Hà Giang, các dịch vụ có trên mạng lưới. Cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ CCVC có trình độ chuyên môn, kiến thức, đạo đức kinh doanh và phong cách phục vụ chuyên nghiệp.
Với sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức, chung lòng của tập thể cán bộ CCVC trong toàn ngành, tin tưởng rằng Viễn thông Hà Giang sẽ không ngừng phát triển vươn lên.
Ý kiến bạn đọc