Huyện Mèo Vạc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp
(HGĐT)- Đi dọc theo Quốc lộ 4C đến với huyện Mèo Vạc, 2 bên đường ngập tràn một màu vàngcủa những nương ngô đã đến thời kỳ thu hoạch. Gặp ông Mo, người dân tộc Mông tại xã Sủng Máng, đang gùi trên lưng một quẩy tấu đầy ắp những quả ngô vàng ươm, căng hạt. Chúng tôi hỏi, ngô năm nay được mùa không ông?. Vừa lau mồ hôi trên mặt, vừa khà khà cười, ông nói: “Nhờ trời, năm nay ngô được mùa, quả to lắm! Đấy, các anh xem, quả nào, quả nấy to như bắp tay mà hạt thì căng mọng…”.
Để tìm hiểu kỹ hơn về kết quả sản xuất nông nghiệp của huyện trong thời gian qua, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, ông cho biết: “Tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện năm nay nhìn chung rất khả quan, tuy những tháng đầu năm có bị ảnh hưởng của thời tiết, rét đậm, rét hại trong nhiều ngày nhưng huyện đã có sự lãnh, chỉ đạo kịp thời đến cơ sở nên bà con nông dân đã kịp thời khắc phục hậu quả, những diện tích cây nông nghiệp bị chết đều đã được trồng mới… vì vậy, tổng diện tích gieo trồng trong thời gian qua của cả huyện đạt trên 17.600 ha, đạt trên 87% kế hoạch năm, tăng gần 9% so với cùng kỳ”. Ông Tuệ khẳng định: Sản xuất nông nghiệp không chỉ để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn mà còn tạo ra lượng hàng hoá trung chuyển ngay trên địa bàn thôn, xóm và cả các huyện bạn… Chính vì vậy, huyện đã tập trung mọi nguồn lực cho nền nông nghiệp của huyện phát triển, ở mỗi làng, bản trên địa bàn đều có cách giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, dựa trên chính những tiềm lực của mỗi vùng. Như ở xã Sơn Vĩ và nhiều xã khác, nhờ áp dụng cách cho nuôi giẽ bò mà xã đã hình thành vùng chăn nuôi hàng hoá lớn. Bà Lù Thị Dâu, dân tộc Xuồng, Chủ tịch xã Sơn Vĩ, cho biết: Sơn Vĩ là xã khó khăn nhất không chỉ của huyện mà của cả tỉnh, địa hình chia cắt, đường giao thông đi lại còn gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong thời kỳ mùa mưa. Cả xã có hơn 4.000 ha đất canh tác, chủ yếu là đồi, núi dốc, bạc mầu; đất nông nghiệp chiếm tỉ lệ rất thấp, chỉ làm được một vụ lúa nên nguồn lương thực chủ yếu của người dân vẫn bằng cây ngô, rừng thì cạn kiệt. Với 19 thôn, bản, gồm các dân tộc: Mông, Xuồng, Giáy… cùng sinh sống, tỉ lệ đói nghèo còn khá cao… Vì vậy, nhiệm vụ XĐGN của xã là rất nặng nề và xã cũng đã xác định phát triển kinh tế rừng và phát triển nông nghiệp vẫn là ưu tiên số một. Do đó, các cấp ngành của xã thường xuyên vận động đồng bào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nên trong thời gian qua, xã đã tiến hành rà soát, quy hoạch những vùng đồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò, dê, ngựa; bớt diện tích trồng ngô năng suất thấp, chú trọng phát triển cây đậu tương giống mới… Nhờ chính sách phát triển mà kinh tế xã Sơn Vĩ đã có phần phát triển hơn, bà con yên tâm lao động, sản xuất nông nghiệp theo thế mạnh của địa phương một cách bền vững, lâu dài…
Với những nỗ lực trên, trong 7 tháng đầu năm, tổng diện tích gieo trồng của toàn huyện Mèo Vạc đạt hơn 17.600 ha, đạt trên 87% kế hoạch năm, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,85%, gồm một số cây trồng chính như: Lúa ruộng tổng diện tích gieo cấy ước trên 1.000 ha, đạt gần 9% kế hoạch năm; cây ngô vụ Đông- xuân trồng được hơn 7.000 ha, đạt hơn 100% kế hoạch, hiện nay cây ngô đang trong giai đoạn chắc hạt, nhìn chung phát triển rất tốt, không có sâu bệnh hại; cây rau đậu các loại trồng được hơn 4.000 ha, đạt hơn 92% kế hoạch năm. Ngoài việc động viên người dân phát triển sản xuất, huyện Mèo Vạc rất chú trọng đến việc phát triển chăn nuôi theo thế mạnh của từng vùng nên hiện nay tổng đàn gia súc của toàn huyện hiện có hơn 69.600 con, đạt gần 85% kế hoạch năm, trong đó: Đàn trâu có gần 3.200 con; đàn bò hơn 21.300 con; đàn lợn hơn 21.500 con; đàn dê hơn 23.000 con…
Để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, trong thời gian tiếp theo huyện đã chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn tập trung chăm sóc cây trồng vụ mùa; bảo quản tốt các sản phẩm sau thu hoạch; các xã, thị trấn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trồng cỏ chăn nuôi và tổ chức tốt việc tiếp nhận, triển khai tiêm vắc xin các bệnh dịch trên tổng đàn gia súc, gia cầm vụ 2, năm 2008… Ngoài ra, huyện cũng tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở đường giao thông tới các thôn, bản, nâng cấp đường giao thông tới trung tâm các xã. Bên cạnh đó, huyện phấn đấu thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ của tỉnh đối với hộ nghèo như: Chương trình xoá nhà tạm, hạ sơn, kéo điện, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi…
Ý kiến bạn đọc