Để kinh tế trang trại thành nòng cốt thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp

16:57, 25/08/2008

(HGĐT)- Kinh tế trang trại đóng vai trò rất lớn trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo các ngành, cấp triển khai thực hiện nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, chưa có bước đột phá mạnh mẽ...


Kinh tế trang trại đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền sản xuất nông - lâm nghiệp bởi nhiều lý do: Đây là thành phần kinh tế nòng cốt thúc đẩy sản xuất hàng hoá; đi đầu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và ứng dụng các tiến bộ KHKT, nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm; tạo việc làm cho nhiều lao động khu vực nông thôn; giúp chính quyền địa phương quy hoạch, hình thành vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi…Tỉnh ta có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế trang trại. Điều kiện đất đai rộng, màu mỡ, khí hậu các vùng trong tỉnh phù hợp với việc phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng. Các huyện vùng thấp như Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình có thế mạnh phát triển cây ăn quả, cam, quýt, chè, trồng rừng; các huyện vùng cao núi đá, núi đất có tiềm năng chăn nuôi đại gia súc như bò, dê, ngựa…Mặt khác, tỉnh ta còn có nguồn lao động địa phương dồi dào, chăm chỉ…


Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh sẵn có cũng như vai trò và ý nghĩa của kinh tế trang trại, trong những năm qua, tỉnh ta đã chỉ đạo các ngành chức năng, các cấp triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của tỉnh về thúc đẩy thành phần kinh tế này. Các chính sách mà tỉnh đã thực hiện trong những năm qua, bao gồm: Chính sách về đất đai; chính sách về vốn; chính sách về chuyển giao KHKT… Nhờ đó, số trang trại của tỉnh tăng lên đáng kể. Hiện toàn tỉnh có 158 trang trại, trong đó trồng cây lâu năm (chủ yếu là cây ăn quả)127 trang trại, còn lại là chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản, trồng cây lâm nghiệp và kinh doanh tổng hợp. Đất sử dụng của các trang trại là trên 1.100 ha, trong đó đất trồng cây hàng năm trên 28 ha, đất trồng cây lâu năm 575 ha, đất lâm nghiệp gần 470 ha, diện tích ao hồ gần 60 ha. Các trang trại chăn nuôi có tổng đàn trâu, bò trên 460 con, lợn trên 41.000 con, đàn dê gần 6.700 con… Tổng số lao động của các trang trạigần 800 người, thu nhập hàng năm đạt khoảng trên 9 tỷ đồng. Mặc dù số trang trại này đã tạo ra sản phẩm, cho các chủ trang trại nguồn thu đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế cũng như tạo việc làm cho một số lao động địa phương, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn và còn những hạn chế nhất định: Chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng sẵn có, chưa thực sự trở thành nòng cốt thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển. Hầu hết đều mang tính tự phát, thiếu quy hoạch bài bản, loại hình đơn điệu, chưa gắn với đa dạng hoá sản phẩm nên hiệu quả kinh tế không cao... Những hạn chế đó bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính, đó là nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản và thiếu vốn đầu tư.


Về vấn đề nhân lực, đa số các chủ trang trại đều chưa được học qua các lớp đào tạo về quản lý cũng như chuyên môn. Do đó họ chỉ làm theo kinh nghiệm chứ chưa biết hạch toán kinh doanh nên rất dễ đổ vỡ. Mặt khác, trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, đa số các chủ trang trại chỉ tập trung vào những loại cây trồng, vật nuôi theo kinh nghiệm sẵn có chứ chưa áp dụng các tiến bộ KHKT. Do đó năng suất và chất lượng sản phẩm không cao, mẫu mã chưa phong phú, sức cạnh tranh với sản phẩm bên ngoài yếu. Lực lượng nhân công dồi dào là một trong những thế mạnh, nhưng đây cũng là điểm yếu trong phát triển kinh tế trang trại, bởi đa số lao động địa phương đều chưa qua đào tạo, chất lượng thấp.


Một trong những khó khăn và cũng là thực trạng chung của đa số các trang trại trên địa bàn tỉnh là quy mô nhỏ bé, chưa có đột phá về mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà nguyên nhân chính từ viêc thiếu vốn đầu tư. Mặc dù tỉnh đã triển khai các chính sách về vốn đầu tư cho các trang trại, tuy nhiên các ngân hàng kinh doanh trên địa bàn vẫn chưa thực sự tin tưởng vào sự phát triển của thành phần kinh tế này, dẫn đến dè dặt trong quá trình cho vay hoặc có cho vay thì nhỏ giọt. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, tổng số vốn của các trang trại hiện có khoảng trên 24 tỷ đồng, trong đó số vốn tự có của các trang trại chiếm từ60 đến 80%, còn lại rất ít là nguồn vốn vay Ngân hàng. Không có vốn đầu tư, các trang trại rơi vào vòng luẩn quẩn: Thiếu vốn sản xuất, làm ăn nhỏ, không có điều kiện áp dụng tiến bộ KHKT, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, kém phong phú, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, thu nhập kém... rồi lại không có vốn đầu tư... Cũng phải nói thêm rằng, những hạn chế trong phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh còn bắt nguồn từ mặt bằng về KHKT thấp; điều kiện cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức; nhiều huyện chưa thực sự quan tâm đến phát triển kinh tế trang trại. Hiện số trang trại trên địa bàn tập trung chủ yếu ở huyện Bắc Quang với 126 trang trại, trong khi đó Vị Xuyên, Quang Bình là những địa phương cũng có những điều kiện thuận lợi gần giống với Bắc Quang nhưng mỗi huyện cũng chỉ có từ 10 đến 14 trang trại;một vài huyện khác thậm chí chưa có trang trại…


Để kinh tế trang trại trở thành nòng cốt trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, tỉnh cần tiếp tục có kế hoạch phát triển dài hạn, cụ thể, sát với điều kiện thực tế từng vùng. Trước hết, chính quyền các cấp cần nhận thức đúng về ý nghĩa và vai trò của kinh tế trang trại đối với phát triển kinh tế nông nghiệp, từ đó thực hiện nghiêm túc chính sách phát triển trang trại của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Tỉnh cũng cần thực hiện mạnh hơn nữa các chính sách đã triển khai, trong đó quan tâm đến những vấn đề chính: Tạo điều kiện cho các trang trại được vay với số vốn lớn, thực sự đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm để có sức cạnh tranh trên thị trường; quan tâm đến công tác đào tạo con người, từ các chủ trang trại đến người lao động; thực hiện tốt việc quy hoạch vùng có thể phát triển trang trại để đầu tư đồng bộ hệ thống đường giao thông, điện, nước; giúp các trang trại ứng dụng KHKT vào sản xuất thông qua các mô hình sản xuất, chăn nuôi cây, con mới. Hiện nay, đa số các trang trại đều phát triển đơn lẻ theo kiểu “mạnh ai nấy làm” chứ chưa có liên kết cùng tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Chính quyền các cấp cũng như các ngành chức năng cần giúp các trang trại liên minh, liên kết thành từng khối theo ngành nghề sản xuất, chăn nuôi, theo từng vùng; để các trang trại có thể phối hợp, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau về giống, vốn và cùng tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo sức mạnh cạnh tranh trên thị trường…


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển rừng kinh tế ở Bắc Quang
(HGĐT)- Bắc Quang có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển KT-XH, đặc biệt là diện tích rừng tương đối lớn với gần 70.000 ha, trong đó diện tích rừng kinh tế hơn 12.700 ha. Huyện đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh tế rừng và đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận.
25/08/2008
Quản Bạ, tích cực chăm sóc lúa mùa
(HGĐT)- Ngay sau khi phát hiện tình trạng gần 100% diện tích lúa mùa của huyện bị sâu bệnh cuốn lá nặng, Trạm Khuyến nông huyện Quản Bạ đã chỉ đạo cán bộ cơ sở hướng dẫn bà con cách khắc phục, phòng trừ sâu bệnh hại lúa bằng nhiều biện pháp.
25/08/2008
Nông dân huyện Vị Xuyên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
(HGĐT)- Anh Ấu Xuân Hon, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Giang giới thiệu với tôi: Muốn tìm hiểu về mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, anh hãy về Vị Xuyên, nông dân ở đó làm việc này tốt đấy!
25/08/2008
Xín Mần đẩy mạnh XĐGN, phát triển bền vững
(HGĐT)- Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về XĐGN và việc làm, Đảng bộ huyện Xín Mần đã ra Nghị quyết chuyên đề XĐGN giai đoạn 2006-2010.
22/08/2008