Cùng nhà đầu tư gỡ khó trong xây dựng thủy điện và khai thác khoáng sản

17:05, 13/08/2008

(HGĐT)- Thời gian qua, giá xăng, dầu, xi - măng, sắt, thép, lãi suất ngân hàng…đồng loạt tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy thuỷ điện, khai thác khoáng sản lại càng khó khăn hơn.


 
 Phần đập chứa nước Nhà máy Thủy điện Nậm Ngần chuẩn bị hoàn thành.

Nhiều dự án chậm tiến độ, vừa thiệt hại cho nhà đầu tư, vừa giảm nguồn thu ngân sách của tỉnh. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp tốt với chủ đầu tư, giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Dự án xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Nậm Ngần (Quảng Ngần - Vị Xuyên) do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Nậm Mu làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ tháng 10.2005. Nhà máy có công suất thiết kế 13,5 MW gồm 2 tổ máy, tổng vốn đầu tư 283 tỷ đồng, hiện đã thi công được 70% giá trị khối lượng, dự kiến phát điện vào cuối năm 2008. Dự án được đánh giá triển khai nhanh nhưng trong quá trình thi công, một số hạng mục thay đổi dẫn đến thời gian phát điện của nhà máy phải lùi lại nửa năm so với dự kiến ban đầu. Theo đánh giá của BQL dự án, phần đập, đường ống áp lực ngốn rất nhiều xi - măng, sắt thép và cũng là phần bị “đội” giá nhiều nhất. Thời gian đầu triển khai dự án, giá nguyên vật liệu chưa biến động lớn, chi phí phát sinh không đáng kể. Nhưng từ cuối năm 2007 đến nay, giá xi - măng, sắt liên tục tăng đã “đội” chi phí lên rất nhiều, suất đầu tư cho 1MW điện cũng tăng nhiều so với dự kiến. Việc giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn vướng mắc ở vài hộ gia đình. Những yếu tố trên dẫn đến thời gian phát điện không đúng dự tính, giá nguyên vật liệu tăng cao đã gây khó khăn cho chủ đầu tư, làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương.


Cũng trong lĩnh vực thuỷ điện, Công ty Cổ phần Thuỷ điện Thái An chịu ảnh hưởng của biến động giá rất lớn. Nhà máy Thuỷ điện Thái An được xây dựng trên địa bàn xã Thái An (Quản Bạ) là dự án thuộc nhóm A, công suất thiết kế 82 MW, tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng. Giai đoạn đầu thi công, do nhiều yếu tố tác động nên dự án bị gián đoạn, sau đó lại chịu ảnh hưởng của giá. Bên cạnh đó, một số đơn vị thi công các hạng mục của công trình năng lực yếu khiến tiến độ chung của nhà máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tiến độ toàn dự án không đạt kế hoạch đề ra, điều này đồng nghĩa với việc chủ đầu tư sẽ còn phải chịu nhiều áp lực về giá cả đầu vào… Theo đánh giá của các nhà đầu tư, những dự án thuỷ điện, khai thác khoáng sản luôn cần số vốn từ vài chục đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhà đầu tư nào tiềm lực tài chính mạnh sẽ dễ đối phó với tác động của giá. Còn nhà đầu tư nào nguồn vốn phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng sẽ gặp hàng loạt khó khăn. Lãi suất ngân hàng tăng cao, các doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn thực hiện dự án. Mặt khác, không phải lúc nào cũng có thể vay món tiền lớn bởi các ngân hàng thương mại cũng đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.


Hiện nay, toàn tỉnh có 20/50 mỏ và điểm mỏ sắt, mangan, chì - kẽm, antimon được cấp phép hoạt động. Tổng số vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng lên tới 1.400 tỷ đồng, trong đó vốn đã đầu tư khai thác đạt 300 tỷ đồng. Ngoài ra còn 25 dự án xây dựng nhà máy thủy điện đã được phê duyệt, trong đó có 23 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của tỉnh, 2 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của T.Ư. Đến nay đã có 13 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 6.538 tỷ đồng. Các dự án được đầu tư, đi vào hoạt động, bước đầu đã đóng góp tích cực, tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên con số đó chưa nhiều do phần lớn các dự án vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, không những làm giảm nguồn thu ngân sách của tỉnh, nó còn gây khó khăn cho chính chủ đầu tư.


Tìm hiểu nguồn gốc của một số dự án chậm tiến độ cho thấy: Bên cạnh các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của yếu tố ngoại cảnh, không thể đẩy nhanh tiến độ thi công thì một số doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến quá trình đầu tư, triển khai dự án. Sự đủng đỉnh đó một phần do năng lực nhà đầu tư hạn chế, một phần do cách làm chưa chuyên nghiệp. Và vô hình dung, khi giá cả thị trường biến động, chính các nhà đầu tư phải gánh chịu đầu tiên. Quá trình kiểm tra của cơ quan chức năng ở các dự án đã khẳng định: Nhiều doanh nghiệp khi được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, xây dựng nhà máy thuỷ điện đã có quan niệm hợp thức hoá xong thủ tục nên không tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, đội ngũ cán bộ kỹ thuật rất hạn chế, chuyên môn khai thác mỏ yếu dẫn đến một số mỏ, điểm mỏ hoạt động không hiệu quả. Thậm chí một số dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động nhưng vẫn thiếu những thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật. Cụ thể trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, hầu như các doanh nghiệp chưa chú trọng việc lập và trình thiết kế cơ sở, nộp thiết kế khai thác mỏ, thông báo Giám đốc điều hành mỏ, chưa đăng ký ngày bắt đầu, ngày kết thúc xây dựng cơ bản và chưa ký Quỹ phục hồi môi trường.


Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận các chính sách về lĩnh vực khai khoáng liên tục thay đổi, công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, nhiều văn bản không được điều chỉnh kịp thời cũng là yếu tố tác động lớn đến quá trình đầu tư. Tại buổi gặp mặt đối thoại giữa UBND tỉnh với các nhà đầu tư được tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định: Các nhà đầu tư đang chịu sức ép rất lớn từ cơ chế, chính sách và các thủ tục hành chính chưa thực sự thông thoáng. Trong bối cảnh mặt bằng giá tăng cao nhưng việc xây dựng đơn giá các loại vật liệu có độ chênh lớn giữa giá thanh toán và giá thực tế tại công trường. Chẳng hạn, dự án Nhà máy Thuỷ điện Nho Quế 3 (Khau Vai - Mèo Vạc) cần rất nhiều cát, sỏi phục vụ xây dựng. Trong khi đó, đơn giá cát, sỏi do cơ quan chuyên môn xây dựng vênh khoảng 20 lần với giá thực tế tại công trường. Điều này gây rất nhiều khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình thanh quyết toán giá trị khối lượng. Việc đền bù, GPMB cho các dự án thuỷ điện đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của công trình.

Để tháo gỡ vướng mắc, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn phối hợp tốt với chủ đầu tư, khẩn trương đền bù, GPMB xây dựng thủy điện và các dự án khoáng sản theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Về phía chủ đầu tư cần đảm bảo đủ vốn, thanh toán kịp thời cho nhân dân, cần thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Có như vậy, các dự án sẽ sớm đi vào hoạt động, tránh được những rủi ro trong đầu tư. ở tỉnh ta, các mỏ, điểm mỏ nằm phân tán, trữ lượng nhỏ, chất lượng không cao, vị trí xây dựng thuỷ điện có địa hình phức tạp. Vì vậy, nhà đầu tư phải có chiến lược dài hạn và giải pháp phù hợp. Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ làm việc với phía châu Văn Sơn (Vân Nam - Trung Quốc) cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị xây dựng thuỷ điện, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển làng nghề thủ công truyền thống
(HGĐT)- Đi song hành cùng Nghị quyết T.Ư 5 (khóa 8) của Đảng trong chiến lược: Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam đậm tính dân tộc, trong đó có việc khắp nơi trong cả nước cùng khôi phục lại các làng nghề, ngành nghề truyền thống. Việc khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các nét tinh hoa văn hóa dân tộc còn mang ý nghĩa “sống còn” trong quá trình phát triển
30/07/2008
Công ty Cổ phần Vật tư nông - lâm nghiệp: Khắc phục khó khăn, kinh doanh có hiệu quả
(HGĐT)- Công ty Cổ phần vật tư nông, lâm nghiệp (NLN) được chính thức chuyển đổi sang cổ phần hoá từ năm 2006. Trong thời gian đầu công tygặp phải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, nhưng các cổ đông đã đoàn kết, tìm giải pháp khắc phục, giúp công ty vượt qua khó khăn và ngày một kinh doanh có hiệu quả.
30/07/2008
Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước khoảng 35,2 tỷ đồng
(HGĐT)- BCĐ Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa lớn, lũ, lốc làm 12 người chết, 14 người bị thương.
30/07/2008
Người dân Vĩnh Tuy hiến đất, cây, ngày công và kinh phí mở đường
(HGĐT)- Người dân tự nguyện hiến gần 10.000m2 cùng hoa màu trên đất; chủ động góp ngày công và kinh phí để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên thôn (tổng chiều dài 5 km), rộng từ 3m lên 5m, là kết quả của một phong trào do Đảng bộ thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) phát động. Hiện tại, người dân nơI đây tiếp tục có nguyện vọng nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh những tuyến đường
13/08/2008