Vươn lên chủ động trong kinh doanh
(HGĐT)- Sau nhiều năm hoạt động dưới sự quản lý, điều hành trực tiếp của Ngân hàng No & PTNT Vị Xuyên, tháng 4 vừa qua Ngân hàng No & PTNT Thanh Thủy tách ra thành đơn vị độc lập trực thuộc ngân hàng cấp tỉnh. Từ đây, Ngân hàng No & PTNT Thanh Thủy sẽ chủ động hơn trong hoạt động, tự chịu trách nhiệm trước những quyết sách, chiến lược kinh doanh.
Anh Trịnh Văn Hóa, Giám đốc Ngân hàng No & PTNT Thanh Thủy, kiểm tra hồ sơ vay vốn của khách hàng. |
Đóng chân trên địa bàn có khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Thanh Thủy, nơi diễn ra các hoạt động xuất - nhập khẩu (XNK), xuất - nhập cảnh (XNC) sôi động, việc Ngân hàng No & PTNT Thanh Thủy vươn lên trở thành đơn vị độc lập là phù hợp với xu hướng tất yếu của quá trình phát triển. Bởi lẽ các hoạt động thương mại, XNK, XNC qua cửa khẩu ngày càng nhiều, lượng giao dịch tiền tệ qua ngân hàng ngày càng lớn, vì vậy đòi hỏi ngân hàng phải thực hiện tốt lộ trình hiện đại, đáp ứng yêu cầu giao dịch ngày càng cao của khách hàng. Thực tế cho thấy, hoạt động XNK hàng hoá, XNC người và phương tiện qua cửa khẩu Thanh Thủy liên tục tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK hàng hoá qua các cửa khẩu đạt 90 triệu USD (90% giá trị XNK qua cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy). Trong đó, giá trị hàng hoá nhập khẩu (NK) đạt 42,17 triệu USD, xuất khẩu (XK) đạt 42,76 triệu USD. Các mặt hàng NK chủ yếu là điện năng, linh kiện phụ tùng ô-tô, hàng tiêu dùng. Hàng XK chủ yếu nhân hạt điều, quặng, quả tươi các loại. Thu thuế XNK, nộp ngân sách Nhà nước đạt 91,852 tỷ đồng. Đã có 52 doanh nghiệp và tư thương triển khai hoạt động XNK hàng hoá qua cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy; trên 70 nghìn lượt người và trên 3 nghìn lượt phương tiện XNC qua cửa khẩu... Các hoạt động tại khu KTCK Thanh Thủy ngày càng sầm uất hơn đã minh chứng Ngân hàng No &PTNT Thanh Thủy được nâng cấp, tự chủ là phù hợp với xu thế chung. Có được điều này, nhiều năm qua, các bộ phận chuyên môn, tổ nghiệp vụ của ngân hàng đã phấn đấu hoạt động nhịp nhàng, khoa học, cán bộ tín dụng đã bám sát địa bàn phục vụ khách hàng tận tình. Những việc làm đó đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của ngân hàng năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, hoạt động của ngân hàng còn nhiều khó khăn đó là nguồn vốn huy động tại địa phương thấp, việc tăng dư nợ rất hạn chế. Nhưng với sự cố gắng của tập thể cán bộ ngân hàng, nguồn vốn huy động tại địa phương từ đầu năm đến nay đạt 4,687 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã đặt quan hệ thường xuyên với ngân hàng, nhiều hợp đồng tín dụng lớn đã được thực hiện. Trong đó, Nhà máy lắp ráp ô-tô Giải Phóng là đơn vị đầu tiên đăng ký mở tài khoản cho cán bộ, công nhân và giao dịch tiền tệ qua Ngân hàng No&PTNT Thanh Thủy. Mấy năm gần đây, số dư nợ của nhà máy với ngân hàng luôn ở mức khoảng 20 tỷ. Năm 2008 nhà máy tiếp tục đàm phán với ngân hàng để thực hiện hợp đồng tín dụng với số vay 25 tỷ đồng. Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu chuyển tiền điện tử và thanh toán của các tổ chức, cá nhân có hoạt động XNK, ngân hàng đang xúc tiến các thủ tục sớm nối lại hoạt động thanh toán biên mậu với phía Malypho (Trung Quốc). Mặt khác, ngân hàng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Dự án hiện đại hoá hệ thống thanh toán và kế toán khách hàng IPCAS. Đây là hệ thống thông tin mở, có thể dễ dàng mở rộng và tích hợp với các hệ thống ứng dụng nghiệp vụ. Hệ thống này sẽ đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng như khả năng gửi và rút tiền nhiều nơi do hệ thống tích hợp đa chi nhánh, tiết kiệm thời gian, giảm phiền hà nhờ hệ thống giao dịch một cửa.
Anh Trịnh Văn Hoá, Giám đốc Ngân hàng No & PTNT Thanh Thủy cho biết: Việc tách ra thành đơn vị độc lập và được chọn là đơn vị cấp huyện đầu tiên triển khai hệ thống IPCAS đã chứng tỏ năng lực hoạt động của ngân hàng ngày càng được nâng lên. Khi triển khai đồng loạt các biện pháp theo lộ trình hiện đại hoá, hoạt động của ngân hàng sẽ chuyên nghiệp hơn, việc quản lý được thực hiện theo phương thức trực tuyến sẽ hiệu quả hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Ý kiến bạn đọc