Trồng rừng nguyên liệu tạo đà phát triển công nghiệp chế biến

17:03, 16/07/2008

(HGĐT)- Công nghiệp chế biến nông - lâm sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên, đầu tư phát triển của tỉnh. Trong lĩnh vực này, việc quy hoạch, trồng rừng nguyên liệu có tính quyết định đối với hoạt động của các nhà máy. Nhưng thực tế cho thấy nhiều nhà máy chế biến nông - lâm sản chưa chú trọng quy hoạch vùng nguyên liệu.


Ngay những năm đầu thế kỷ 21, tỉnh ta xác định: Công nghiệp chế biến nông - lâm sản là 1 trong 3 lĩnh vực thế mạnh (khai khoáng, năng lượng và chế biến). Định hướng này dựa trên cơ sở thực tế đó là diện tích rừng, đất lâm nghiệp của tỉnh lớn, có thể khai thác, quy hoạch thành các vùng nguyên liệu phục vụ hoạt động của nhà máy chế biến nông - lâm sản, đặc biệt là sản xuất giấy, bột giấy. Giai đoạn đó, ngoài sự ra đời, hoạt động của các nhà máy sản xuất bột giấy thuộc Công ty lâm nghiệp Cầu Ham, Ngòi Sảo, Vĩnh Hảo, một số nhà máy do các doanh nghiệp bên ngoài đầu tư vào đã tạo đà cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến lâm sản. Thế nhưng ngoài nhà máy sản xuất bột giấy trực thuộc các công ty lâm nghiệp sẵn có nguyên liệu thì các doanh nghiệp sau này gần như chưa chú trọng, chưa có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu.


Năm 2003, anh Ngô Duy Linh - một thương nhân từ miền Nam đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất giấy đế xuất khẩu Long Giang thuộc Công ty TNHH Thuỳ Linh, trụ sở đặt tại xã Yên Định (Bắc Mê). Nguyên liệu cung cấp cho hoạt động của nhà máy được công ty thu mua từ nhiều nguồn do người dân lên rừng khai thác. Nhưng công ty không ký hợp đồng gắn trách nhiệm, quyền lợi với người dân nên nguyên liệu đầu vào rất bấp bênh. Có những lúc, nhà máy nhận được nhiều đơn đặt hàng, cần nhiều nguyên liệu sản xuất thì nguồn cung lại thiếu trầm trọng do người dân tập trung làm mùa nên không khai thác được. Năm 2007, nhà máy sản xuất 1 nghìn tấn giấy đế, doanh thu 5 tỷ đồng; năm 2008, nhà máy dự định nâng công suất 1,5 nghìn tấn. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Duy Linh - Giám đốc Công ty TNHH Thuỳ Linh thừa nhận hoạt động của Nhà máy liên tục gặp khó khăn do nguồn cung nguyên liệu không ổn định. Sau 5 năm hoạt động, nhà máy chưa xây dựng được vùng nguyên liệu. Hiện nay, phong trào trồng rừng liên doanh (chủ yếu trồng keo) đang phát triển mạnh, nhiều diện tích vầu, nứa tại xã Yên Định và một số vùng lân cận bị thu hẹp. Trước nguy cơ đó, công ty đã kiến nghị với chính quyền địa phương không cho người dân phát vầu, nứa trồng keo! Nhưng làm sao có thể ngăn cản được khi người dân và doanh nghiệp không giàng buộc nhau về quyền lợi kinh tế. Khi nguy cơ đã hiện hữu, nhà máy mới bắt đầu xin chủ trương phối hợp với người dân trồng rừng nguyên liệu.


Vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu cũng diễn ra đối với cây măng tre Bát độ. Còn nhớ năm 2000, khi măng tre Bát độ mới lên Hà Giang, nó được coi là cây XĐGN. Măng tre được trồng ồ ạt ở nhiều xã nhưng không theo quy hoạch. Ngày đó, bất cứ chỗ nào có đất, người dân cũng trồng măng tre. Khi vùng nguyên liệu được hình thành, Nhà máy chế biến măng tre xuất khẩu của Công ty TNHH Vạn Đạt cũng được xây dựng tại thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên). Nhà đầu tư đến từ Đài Loan đã bỏ ra 1,5 tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất với công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm. Ngày đó, khắp vùng Vị Xuyên, đâu đâu cũng ngập màu xanh của tre măng Bát độ. Thế nhưng ngay vụ thu mua sản phẩm đầu tiên đã nảy sinh mâu thuẫn giữa giá thu mua của nhà máy với giá thực tế ngoài thị trường. Đến bây giờ chẳng mấy ai còn nhớ măng tre Bát độ và nhà máy chế biến liệu còn hoạt động tốt hay cũng èo uột như vùng nguyên liệu!


Đối với tỉnh ta, ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt công nghiệp giấy có thế mạnh và đang được ưu tiên phát triển tại cụm công nghiệp Nam Quang. Trong cụm công nghiệp sẽ xây dựng các Nhà máy chế biến giấy, bột giấy công suất 3,2 vạn tấn/năm, nhà máy chế biến ván ép 1 vạn tấn/năm. Để các nhà máy hoạt động ổn định thì việc quy hoạch vùng, trồng rừng nguyên liệu rất quan trọng.


Nhận thức điều này, đề án quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản cụm công nghiệp Nam Quang giai đoạn 2008-2015 được hình thành. Vùng nguyên liệu có nhiệm vụ chủ động nguyên liệu, đảm bảo công suất chế biến lâm sản 3,2 vạn tấn/năm và hoạt động của Nhà máy ván nhân tạo 1 vạn m3/năm. Diện tích quy hoạch gồm 24 nghìn ha rừng nguyên liệu sợi dài, trên 17 nghìn ha rừng nguyên liệu sợi ngắn. Vùng rừng nguyên liệu quy hoạch trải dài trên phạm vi 37 xã của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên với tổng vốn đầu tư trên 279 triệu đồng. Hiện nay, Nhà máy chế biến bột giấy Hải Hà đã đi vào hoạt động, Công ty Cổ phần Hải Hà - chủ đầu tư đã thu mua nguyên liệu tại các địa bàn được quy hoạch và bắt đầu triển khai dự án trồng rừng sản xuất.


Gần đây, các cơ sở sản xuất, chế biến ván ép mọc tràn lan, hoạt động thiếu sự quản lý đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, buộc tỉnh phải tạm đình chỉ việc cấp phép mới để quy hoạch, đưa vào hoạt động bài bản. Điều này càng khẳng định việc quy hoạch vùng nguyên liệu là yếu tố quan trọng, có tính quyết định đến hiệu quả hoạt động của các nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản. Vì vậy, các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản, cần làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng rừng nguyên liệu. Có như vậy mới chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào để hoạt động ổn định.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kết quả thu NSNN 6 tháng đầu năm - các giải pháp đảm bảo thu đạt và vượt dự toán năm 2008
(HGĐT)- Tình hình thu nộp ngân sách những tháng đầu năm trên địa bàn có nhiều thuận lợi, thị trường mua bán tài sản dần sôi động trở lại.
30/06/2008
Sơ kết sản xuất vụ Đông - xuân, triển khai sản xuất vụ mùa
(HGĐT)- Vừa qua, tại Hội trường Sở Nông nghiệp - PTNT, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông - xuân 2007-2008 và bàn phương hướng sản xuất vụ mùa. Đồng chí Trịnh Duy Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì.
27/06/2008
Bắc Quang tích cực gieo cấy lúa vụ mùa
(HGĐT)- Vụ mùa năm nay, toàn huyện Bắc Quang đưa vào gieo cấy với tổng diện tích 4.769 ha. Trong đó, diện tích lúa thâm canh là 4.641 ha, với cơ cấu giống được đưa vào gieo cấy chủ yếu là lúa chất lượng cao như: Bắc thơm, Hương thơm... ngoài ra là giống lúa lai.
16/07/2008
Vị Xuyên thực hiện tốt chủ trương “4 chuyển”
(HGĐT)- Nằm ở phía Nam của tỉnh, huyện Vị Xuyên đặc biệt có thế mạnh trong phát triển nông, lâm nghiệp, cây lúa ở Vị Xuyên được coi là cây lương thực chính. Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển khá ổn định, đã thực hiện bước đột phá về thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần quan trọng để
16/07/2008