Phát triển làng nghề thủ công truyền thống
(HGĐT)- Đi song hành cùng Nghị quyết T.Ư 5 (khóa 8) của Đảng trong chiến lược: Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam đậm tính dân tộc, trong đó có việc khắp nơi trong cả nước cùng khôi phục lại các làng nghề, ngành nghề truyền thống. Việc khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các nét tinh hoa văn hóa dân tộc còn mang ý nghĩa “sống còn” trong quá trình phát triển trường tồn của đất nước khi tham gia vào hội nhập nền kinh tế thế giới.
Sao chè thủ công theo phương pháp truyền thống cho giá trị kinh tế cao được khôi phục ở xã Chế Là (Xín Mần). Ảnh: Nhật Hồng |
Tính từ năm 2002 trở lại đây, toàn tỉnh mới nổi lên một làng nghề dệt lanh thổ cẩm ở xã Lùng Tám (Quản Bạ), thì đến hết năm 2007, toàn tỉnh có rất nhiều các làng nghề thủ công khác như: Nghề mây tre đan xuất khẩu ở Việt Quang (Bắc Quang); nghề làm rượu ngô Thanh Vân ở Quản Bạ, ở Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình; nghề đan ở thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên); nghề làm chổi chít, nghề mộc, nghề chế biến các loại thực phẩm: Thịt bò khô, cá muối, thịt muối v.v... tham gia trong các hội chợ thương mại, ẩm thực của tỉnh, làm nên một thị trường thương mại Hà Giang sôi động mang đặc sắc văn hóa, nghệ thuật vùng cực Bắc. Điều đó là minh chứng của một quá trình phục hưng hiệu quả.
Sau gần 6 năm đi vào sản xuất, các sản phẩm thổ cẩm của làng thổ cẩm lanh xã Lùng Tám (Quản Bạ) đã được chuyển tải đi khắp nơi trong, ngoài nước được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm truyền thống độc đáo của Hà Giang. Các sản phẩm mây tre đan ở Việt Quang (Bắc Quang), ở thị trấn Vị Xuyên, ở Xuân Giang (Quang Bình) cũng đã bước đầu gây sự chú ý của khách hàng. Nhiều đồ mỹ nghệ được sản xuất từ gỗ địa phương cũng đã được chào hàng ở khắp mọi nơi trong nước, đặc biệt là trong các hội chợ thương mại - du lịch - văn hóa của tỉnh tổ chức. Có rất nhiều chiếc khèn của đồng bào Mông vùng cực Bắc đã đi về 5 châu, 4 biển qua các du khách đến Hà Giang. Theo đó là rượu ngô, lúa các loại từ Cao nguyên đá đến vùng sâu Ngọc Minh (Vị Xuyên), Phú Nam (Bắc Mê) đến rượu thóc Nàng Đôn (Hoàng Su Phì), Làng Táo (Xín Mần) v.v... đã được xếp hạng là các sản phẩm chứa đầy chất men “dân gian” truyền thống đối với khách hàng. Có thể khẳng định: Trong quá trình khôi phục, đầu tư, thúc đẩy theo cơ chế, chính sách của T.Ư, của tỉnh, thời gian qua các làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nghề chế biến nông sản, thực phẩm của tỉnh đã từng bước “sống” trong lòng người tiêu dùng khắp nơi trong cả nước. Đi kèm theo các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thời gian qua tỉnh còn có nhiều các giải pháp thúc đẩy, quảng bá. Việc huy động nội lực trong dân cùng Nhà nước mở chợ nông thôn, mở hội chợ thương mại, du lịch gắn văn hóa cộng đồng đã mang lại kết quả đáng mừng. Từ xuất phát điểm ban đầu ít, đơn điệu, nay đã phát triển đa dạng, phong phú và phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh. Bên cạnh những mặt được, mặt tích cực, đến nay cũng đã bộc lộ những hạn chế cần được đánh giá, nhìn nhận và tháo gỡ. Khiếm khuyết còn bộc lộ trong các sản phẩm, làng nghề đến thời gian hiện nay là sự nhỏ lẻ, sự đơn điệu về mẫu mã, bao bì và thiếu sự liên kết giữa các làng nghề với nhau để tạo sức cạnh tranh lớn. Thiếu sự chào hàng (ma két tinh) và quảng bá sản phẩm tạo nên những thương hiệu mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn kinh tế, tài chính mạnh lại liên tục sáp nhập, liên kết nhau thành các tập đoàn hoạt động quốc tế đa quốc gia. Nhìn nhận lại các tổ chức làng nghề, ngành nghề của ta tuy đã phát triển khá đa dạng, song vẫn ở tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Từ bỏ chiếc “ao làng” để ra “biển lớn” nhất thiết chúng ta phải có con “tàu to” cả về chất và lượng. Cũng trong thời gian qua, trong quá trình phát triển, khôi phục lại các làng nghề, ngành nghề truyền thống đã có không ít các làng nghề, ngành nghề được vực dậy theo phong trào rồi teo tóp. Dân gian có câu “nhất nghệ, nhất tinh, nhất thân vinh”. Trong thế giới hiện đại, sự phân công lao động xã hội ngày càng cao thì đòi hỏi sự “tinh nghề” trong các ngành nghề, làng nghề ngày càng lớn. Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, của các làng nghề thì hơn bao giờ hết luôn và rất cần có sự đầu tư của tỉnh, T.Ư về công tác tài chính hỗ trợ đào tạo nâng cao, hỗ trợ quảng bá, công tác tìm hiểu, thông tin thị trường... để giúp các tổ, hội, các cơ sở sản xuất, HTX ở các làng nghề, ngành nghề phát triển. Những định hướng có kế hoạch và cả sự “bình chọn” các sản phẩm qua các năm, để chọn ra các sản phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để xây dựng thành “thương hiệu cạnh tranh” thúc đẩy phát triển bền vững.
Ý kiến bạn đọc