Ngành Giao thông- Vận tải:
Chủ động đối phó với mưa lũ
(HGĐT)- Theo số liệu tổng hợp của Sở GT-VT, mùa mưa bão năm 2007, mưa lũ đã làm sạt lở trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; nhiều hệ thống đường huyện, liên xã, liên thôn bị phá huỷ. Các tuyến Quốc lộ 279, Quốc lộ 34, đường Bắc Quang- Xín Mần, đường Minh Ngọc-Mậu Duệ (Yên Minh) bị sạt lở ta luy dương với khối lượng đất, đá ước tính trên 600 nghìn m3, gây ách tắc giao thông. Theo tính toán, ngành GT-VT phải chi phí hơn 8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả giao thông do mưa lũ gây ra.
Hiện nay, ngành GT-VT được giao quản lý 13 tuyến đường, với tổng chiều dài 812 km, bao gồm: 350 km quốc lộ và 462 km tỉnh lộ. Do địa hình phức tạp, nên việc đảm bảo giao thông trên các tuyến đường, nhất là vào mùa mưa lũ gặp rất nhiều khó khăn. Theo nhận định của cơ quan Khí tượng- Thuỷ văn và Ban chỉ huy PCLB- GNTT tỉnh, năm 2008 thời tiết khí hậu ở tỉnh ta tiếp tục diễn biến phức tạp, thiệt hại do mưa lũ đối với các công trình giao thông có thể sẽ rất lớn. Thực tế cho thấy, năm nay mưa đến sớm hơn mọi năm, với lượng mưa khá lớn, đã gây nhiều tuyến đường bị sạt lở, bùn và đất đá vùi lấp nhiều đoạn đường gây ách tắc giao thông. Cụ thể, ngày 1.7 vừa qua, tại km 4 đường Hà Giang- Tuyên Quang, mưa to kéo dài nhiều giờ đồng hồ đã làm sạt lở một khối lượng đất, đá lớn, gây ách tắc giao thông; ở Quản Bạ, đêm 20, rạng 21.6, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở trên 1km đường, tuyến đường nối từ trung tâm huyện Quản Bạ đi các xã Thanh Vân, Nghĩa Thuận và Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận… Có thể thấy rằng, chủ động phòng, chống với bão, lũ là việc làm rất cấp bách đối với các ngành chức năng ở tỉnh ta hiện nay.
Đồng chí Hoàng Quyết Chiến, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Để đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ, ngành đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống và khắc phục hậu qủa mưa lũ năm 2008 với phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả” và “4 tại chỗ” (vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, ứng cứu tại chỗ). Huy động sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp để khi xảy ra ách tắc đường trên diện rộng, khối lượng sụt lở lớn thì có sự tham gia giúp đỡ kịp thời. Ngành GT-VT cũng đã chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra thực tế các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, đôn đốc các đơn vị sửa chữa kịp thời những đoạn đường và công trình bị hư hỏng trước mùa mưa lũ. Khẩn trương xử lý hệ thống thoát nước trên các tuyến đường và sửa chữa hệ thống an toàn giao thông. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các công trình GTVT, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, đặc biệt trên các tuyến QL34, QL2, QL279, QL4C, và trên các tuyến đường có khả năng xảy ra sạt lở đất, đá, ngành đã kiện toàn các Ban chỉ huy PCLB, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư, xăng dầu, lương thực, thực phẩm để ứng cứu trong mọi tình huống. Có phương án bố trí theo từng khu vực, từng trọng điểm và vùng xung yếu. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các huyện, nhà thầu thi công có phương án đảm bảo giao thông, ưu tiên thi công trước các công trình vượt lũ. Đối với hệ thống đường huyện, xã, phòng Giao thông nông thôn đôn đốc phòng Hạ tầng kinh tế, phòng Công thương các huyện, thị tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng cầu, đường, đồng thời theo dõi tình trạng các cầu chưa được nâng cấp, báo cáo tình trạng cầu yếu để có biện pháp gia cường. Ngoài việc cắm biển cảnh báo tại các điểm có thể gây ách tác giao thông, ngành đã giao cho các đơn vị vận tải trong tỉnh lên kế hoạch hợp lý, an toàn, đặc biệt là đối với con người; các đơn vị của ngành thực hiện trực ban và tuần tra 24/24 giờ trên các tuyến đường trọng yếu, chuẩn bị lực lượng ứng cứu để thông xe và khắc phục hậu quả bão lũ, đồng thời khi có lũ lớn bố trí người cảnh giới, tuyệt đối không cho người và phương tiện qua lại.
Để công tác phòng, chống lũ, bão, giảm nhẹ thiên tai đạt kết quả tốt, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân do mưa lũ gây nên, thì rất cần ý thức và trách nhiệm cao của từng người dân và sự vào cuộc của các ngành, các cấp.
Ý kiến bạn đọc