Hoàng Su Phì khôi phục và phát triển ngành chăn nuôi hàng hóa
(HGĐT)- Từ khi Hoàng Su Phì xác định chăn nuôi là một trong những thế mạnh chủ đạo của vùng thì vấn đề phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá đã trở thành giải pháp tối ưu cho việc phát triển kinh tế, XĐGN ở địa phương suốt những năm qua.
Trên thực tế từ cuối năm 2007 trở về trước, ngành chăn nuôi hàng hoá của huyện tương đối phát triển với tổng đàn gia súc lên đến hơn 18 ngàn con. Bước sang năm 2008, tiến độ phát triển của ngành chăn nuôi trên địa bàn huyệngặp nhiều khó khăn do gia súc bị thiệt hại trong đợt rét đậm, rét hạiđầu năm. Đã có 2.269 con trâu, bò bị chết, nâng tổng thiệt hại về kinh tế lên đến khoảng trên 5 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Vấn đề khôi phục và phát triển lại ngành chăn nuôi theo hướng hàng hoá trên địa bàn huyện cũng được đặt ra ngay sau đợt rét kết thúc, nhưng khôi phục và phát triển như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của vùng và được sự đồng tình hưởng ứng của người dân lại chính là điều khiến huyện quan tâm.
Để thực hiện được điều đó, huyện đã xây dựng phương án hành động cụ thể, nhằm khôi phục và phát triển lại đàn gia súc hàng hoá một cách bài bản trong nhân dân, ổn định chăn nuôi lấy sức kéo. Phương án chủ yếu tập trung vào các hoạt động như: Hỗ trợ vay vốn; làm mới và tu sửa lại chuồng trại; tiến hành trồng cỏ phục vụ chăn nuôi và tuyển chọn giống tốt… Theo phương án này, huyện đã tập trung giải quyết định mức hỗ trợ và vốn vay cho những hộ gia đình có trâu, bò bị thiệt hại trong vụ Đông - xuân vừa qua, hỗ trợ lãi suất vay trong vòng 3 năm cho những gia đình đặc biệt khó khăn có nhu cầu vay vốn phát triển chăn nuôi phục vụ sức kéo, ổn định sản xuất, đồng thời trích nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước vào việc làm chuồng trại; tích cực trồng cỏ phục vụ chăn nuôi tuỳ theo nhu cầu thực tế của từng hộ gia đình và từng địa phương. Bình quân mỗi hộ gia đình phải đảm bảo trồng từ 1.000mcỏ/hộ trở lên. Triển khai phương án kế hoạch cụ thể phát triển chăn nuôi bò hàng hoá tại các xã: Sán Xả Hồ, Pờ Ly Ngài, Nàng Đôn, Thàng Tín, Chiến Phố, Tụ Nhân, Bản Luốc, trong đó đặc biệt chú ý đến việc tuyển chọn và lựa chọn giống tốt. Công tác này được thực hiện trong nhiều bước, dự kiến trong tháng 8 này, huyện sẽ tiến hành khảo sát lựa chọn ở mỗi xã từ 5 – 10 hộ làm thí điểm cho vay vốn nhằm tạo mô hình phát triển bò sau đó sẽ nhân rộng ra các hộ khác. Hiện tại, ngành chăn nuôi của huyện đang từng bước được khôi phục ổn định và tiếp tục phát triển trên quy mô rộng lớn.
Phương án khôi phục và phát triển lại ngành chăn nuôi hàng hoá của huyện đang được triển khai một cách đồng bộ trong nhân dân. Các đơn vị thực hiện: Phòng NN & PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, UBND các xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc sử dụng kinh phí các hộ và hướng dẫn các thủ tục vay vốn, tiến hành thẩm định và tổ chức giải ngân cho các hộ thông qua các tổ tín dụng thôn bản… Đây cũng là cơ hội để tiến hành thanh lọc lại cơ cấu giống của địa phương. Bởi phần lớn số lượng trâu, bò bị thiệt hại vừa qua chủ yếu là trâu, bò già và một số ít trâu, bò còn non, khả năng đề kháng thấp. Vì thế, trong thời gian này huyện cũng đang tiến hành song song mô hình nhân rộng các con giống có giá trị kinh tế cao, kết hợp với việc chăm sóc, phòng bệnh hiệu quả từ phía gia đình để tiếp tục thanh lọc và lựa chọn những con giống khoẻ mạnh cung cấp cho người dân qua đóthay đổi cả tập quán chăn nuôi của người dân địa phương hiện nay, từng bước khôi phục và phát triển lại ngành chăn nuôi hàng hoá một cách bền vững trong nhân dân.
Ý kiến bạn đọc