Công ty Cổ phần Vật tư nông - lâm nghiệp: Khắc phục khó khăn, kinh doanh có hiệu quả
17:01, 30/07/2008
(HGĐT)- Công ty Cổ phần vật tư nông, lâm nghiệp (NLN) được chính thức chuyển đổi sang cổ phần hoá từ năm 2006. Trong thời gian đầu công tygặp phải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, nhưng các cổ đông đã đoàn kết, tìm giải pháp khắc phục, giúp công ty vượt qua khó khăn và ngày một kinh doanh có hiệu quả.
Cửa hàng Vật tư Nông - lâm nghiệp huyện Vị Xuyên luôn đáp ứng tốt nhu cầu về giống, phân bón cho người dân.
|
Hiện tại công ty có 11 chi nhánh, hoạt động ở tất cả 11 huyện, thị vàhệ thống đại lý chân rết bán lẻ tại các điểm ở trung tâm các xã trong toàn tỉnh, với nhiều mặt hàng, nguồn hàng khác nhau, theo nhu cầu gieo trồng của nhân dân, từng loại cây, con. Điều đó đòi hỏi người cung ứng vật tư NLN phải nắm vững địa bàn, tập quán canh tác của từng vùng miền kinh tế. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Chu, Giám đốc công ty, cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo cho việc kinh doanh của đơn vị đạt hiệu quả, ngay từ những ngày đầu năm, công ty đã lên kế hoạch, chuẩn bị nguồn hàng, kiểm tra kho bãi, ký hợp đồng cung ứng vật tư với các đơn vị, nhất là việc kiểm tra chất lượng hàng để phục vụ bà con nông dân, vừa để tăng lợi nhuận, vừa chiếm được thị phần trên địa bàn tỉnh. Với một nền kinh tế mở, nông dân có nhiều nguồn vật tư NLN để lựa chọn cho mình, vì vậy, công ty xác định phải làm tốt công tác phục vụ, vừa kinh doanh vừa kiện toàn, củng cố các chi nhánh, cửa hàng đại lý ở cơ sở, tạo ra chân rết phù hợp với mặt hàng đáp ứng nhu cầu sản xuất, giống cây trồng của nông dân. Công ty cũng có lịch trình cho việc cung ứng vật tư, kinh doanh đầy đủ các mặt hàng mang lại lợi ích cho người mua hàng, vừa mang lại lợi nhuận cho cả công ty. Tính trong 6 tháng đầu năm, công ty đã cung ứng cho bà con nông dân trong tỉnh trên 1.579,34 tấn phân bón các loại, trong đó, phân Urê 738,6 tấn, phân lân 692 tấn, NPK 117 tấn… tổng giá trị bán ra lên tới trên 13,8 tỷ đồng; các loại giống lúa lai, đậu tương DT84, Nhị ưu 838, ngô Biôsit 9698, DK 888… Bên cạnh đó, việc cung ứng vật tư về phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu phục vụ máy NLN và những nhu cầu khác của nhân dân đã tạo ra một thị trường vật tư NLN rộng khắp, giúp nông dân dễ dàng mua, chủ động trong sản xuất mùa vụ. Với phương châm “khách hàng là thượng đế”, công ty đã có những giải pháp nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vật tư NLN đạt hiệu quả trong các mô hình kinh tế, đồng thời đổi mới công tác kinh doanh, thời gian phục vụ sao cho phù hợp nhất đối với từng mùa vụ của cây trồng. Các cửa hàng huyện, thị đều được tu sửa, chỉnh trang, thay đổi cách tiếp thị giới thiệu các sản phẩm tới người dân…Công ty cũng đã sắp xếp lại lao động cho phù hợp với sản xuất, kinh doanh đúng với điều lệ của Công ty cổ phần đã được các cổ đông đề xuất, thông qua. Làm việc với chị Nguyễn Thị Hoà, Trưởng Chi nhánh công ty tại huyện Vị Xuyên, chị cho biết: Sau khi cổ phần hoá, HĐQT và BGĐ đã điều hành công ty đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho các chi nhánh ở các huyện, thị phục vụ vật tư NLN cho người dân được thuận tiện. Từ HĐQT đến các cán bộ, nhân viên đã đoàn kết, phát huy tinh thần làm chủ, năng lực lãnh đạo, nắm vững nhu cầu sản xuất mùa vụ của nông dân để kịp thời cung ứng, đem lại nguồn thu cho công ty. Nhờ đó đời sống của cán bộ CCVC - LĐ được nâng lên đáng kể, lương bình quân đầu người hiện nay là 1,7 - 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, công ty cũng đang gặp phải nhiều trở ngại trong đầu tư, mở rộng kinh doanh như thiếu vốn, nợ tồn đọng trước đây còn nhiều; tính chuyên nghiệp, năng động của đội ngũ bán hàng tại cơ sở còn hạn chế, chưa thích ứng kịp với nền kinh tế thị trường; tiền trợ giá, trợ cước chậm thanh toán. Bên cạnh đó, công ty cũng vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều tổ chức kinh doanh khác…đó là những khó khăn đòi hỏi BGĐ, HĐQT Công ty Cổ phần vật tư NLN tỉnh phải khắc phục, nỗ lực vượt qua để phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc