Công ty Cổ phần Giấy Hải Hà: Khẳng định bước phát triển bền vững

17:18, 25/07/2008

(HGĐT)- Vốn đầu tư giai đoạn 1 đã đạt trên 32 tỷ đồng cho việc xây dựng nhà máy. Vốn đầu tư tiếp theo để hình thành một vùng nguyên liệu ổn định trên 30.000 ha cũng đã được tỉnh phê duyệt. Đi kèm theo là một đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản đã từng bước đáp ứng quá trình sản xuất... Công ty Cổ phần Giấy Hải Hà thuộc khu cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang) đã và đang khẳng định được vị thế của mình trong tiến phát triển và hội nhập.


Đầu tư đủ:

Sinh ra trong quá trình kêu gọi đầu tư của tỉnh, Công ty Cổ phần Giấy Hà Hà, thuộc tập đoàn Công ty Haphaco (Hải Phòng) đứng chân trên diện tích 5 ha (cụm công nghiệp Nam Quang). Đến nay công ty đã hình thành một dây chuyền sản xuất giấy đế liên hoàn bằng các thiết bị khá hiện đại của Hàn Quốc, Đài Loan, ấn Độ. Với 6 giàn máy, hàng ngàn mét vuông nhà xưởng, cùng các thiết bị hỗ trợ khác như: Điện, nước, bể ngâm, bồn chứa, hệ thống xử lý nước thải, nhà làm việc, nhà ở, bếp ăn cho gần 90 cán bộ, công nhân viên. Vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới trên 32 tỷ đồng tạo ra một hệ thống dây chuyền khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động (kể từ ngày 19.5.2007) đến nay, công ty đã mang lại doanh thu nhiều chục tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, tạo việc làm ổn định cho 90 công nhân lao động, chủ yếu là người địa phương. Đóng góp lớn nhất của nhà máy là tạo ra nguồn động lực thúc đẩy nghề rừng, một lợi thế của tỉnh phát triển vượt bậc. Tạo việc làm cho hàng vạn hộ nông dân gắn rừng, bằng các giải pháp: Duy trì và tăng dần giá thu mua nguyên liệu. Đi đôi với việc “đầu tư đủ” để xây dựng vùng nguyên liệu rừng ổn định theo quy hoạch tỉnh đã cho phép ở 3 huyện trọng điểm kinh tế: Bắc Quang - Quang Bình - Vị Xuyên.


Coi trọng nguồn lực:

Giám đốc Công ty Cổ phần Hải Hà, Bùi Đức Thống cho biết: Có 2 nguồn lực quan trọng nhất là vốn và lao động cần phải đầu tư và chủ động đầu tư. Xét về vốn có 2 khía cạnh là vốn đầu tư bước đầu để xây dựng nhà máy phải đảm bảo các yếu tố cấu thành đó là thiết bị và công nghệ hiện đại có khả năng thích ứng lâu dài trong quá trình phát triển sản xuất. Điều đó công ty đã đầu tư 32 tỷ đồng (tính đến tời điểm hiện nay). Thứ hai là vốn từ “vùng nguyên liệu”, tức là phải đầu tư “đủ” để cho công tác quy hoạch, phát triển ổn định vùng nguyên liệu hiện có trong thực tại và phát triển ổn định lâu dài trong dân. Muốn vậy, đòi hỏi phải đầu tư “trở lại” cho dân, cho người làm ra nguyên liệu “sống tốt” nhờ vùng nguyên liệu đó. Và hiện nay, trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư, xin cấp phép đầu tư, tỉnh đã giao, phê duyệt cho công ty vùng nguyên liệu 30.000 ha ở 3 huyện: Bắc Quang - Quang Bình và Vị Xuyên (giai đoạn 1 từ 2005 - 2010), để ổn định cho việc tiến hành đầu tư giai đoạn 2 từ nay đến giai đoạn 2015 - 2020 (hướng lâu dài). Cụ thể trong quá trình đi vào hoạt động đến nay giá thu mua nguyên liệu của nhà máy đã tăng từ 220.000 lên 360.000 đồng/tấn, tăng 120.000 đồng/tấn sau 1 năm vận hành. Hướng tới sẽ tiếp tục tăng giá theo sự điều chỉnh giữa sản xuất - tiêu thụ và thị trường. Nhằm đảm bảo sự ổn định cho người dân sống trong vùng quy hoạch.


Một nguồn lực để song hành với vốn chính là nguồn lao động có tay nghề. Đến hết tháng 6.2008, công ty đang có 74 lao động được đào tạo có tay nghề đã ký hợp đồng lao động lâu dài với doanh nghiệp. Ngoài mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng, nhà máy còn ưu đãi tiền ăn trưa, nhà ở, các chế độ bảo hộ lao động, đóng bảo hiểm, tiến tới khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Giám đốc Bùi Đức Thống khẳng định: Chăm sóc đến quyền lợi giữa nhà máy - công nhân - nông dân trong vùng nguyên liệu, chính là sự “đầu tư bền vững” để nhà máy phát triển bền vững. Qua ghi nhận: Trong 6 tháng đầu năm, vượt qua những khó khăn về gia tăng trong lạm phát đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng nhà máy vẫn duy trì hoạt động thường xuyên, đảm bảo đời sống cho người lao động và nộp ngân sách địa phương 354 triệu đồng. Doanh thu đạt 16 tỷ 431 triệu đồng trước thuế (giai đoạn ưu đãi thuế theo quy định của tỉnh).


Chiến lược lâu dài:

Theo nhận định thì tình hình giấy, bột giấy và nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ trên thế giới hiện còn rất lớn. Mới đây Bộ Công thương cho biết: Nhu cầu về giấy, bột giấy và đồ gỗ trên thế giới sẽ tăng bình quân trên 30%/năm đến hết 2010 và tầm 2015. Chiến lược phát triển của công ty đã được Tổng Công ty Haphaco chấp thuận là phát triển trồng rừng ổn định 1.000 ha nguyên liệu sợi dài bằng 2 hình thức: Thứ nhất là hỗ trợ người dân bằng cách từng bước đưa giá thu mua nguyên liệu sợi dài lên dần theo thị trường. Thứ hai là hỗ trợ giống, vốn để người dân trồng rừng ổn định 1.000 ha luồng Thanh Hóa. Đi cùng đó là các giải pháp “góp cổ phần” bằng đất rừng, vốn rừng, cộng sức lao động trong dân tạo ra ra sản phẩm theo cam kết thỏa thuận để cùng phát triển hài hòa lợi ích. Hiện nay công ty đang xúc tiến việc ký cam kết đầu tư để trồng rừng giữa nhà máy và các hộ nông dân trong vùng quy hoạch. Theo tính toán, 1 ha luồng sau 3-5 năm trồng sẽ cung cấp ổn định cho thu nhập 10-12 triệu đồng/ha/năm đối với nhà nông ,tạo ổn định trong sản xuất. Dự kiến đầu năm 2009 sẽ tiến hành đầu tư mới 200-300 ha luồng ở Bắc Quang, tiến tới mở rộng ra Quang Bình, Vị Xuyên. Đồng thời tiến hành từng bước đầu tư giai đoạn 2 nâng cấp nhà máy để sản xuất bột giấy sợi ngắn, chế biến gỗ xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động chủ yếu ở địa phương thông qua đào tạo nghề.


Còn những trăn trở:

35 tấn rác nhà máy thu mua lại của 45 cơ sở làm đũa/ngày là con số không nhỏ mà các cơ sở làm đũa đã tiêu thụ từ rừng trong vùng nguyên liệu đã được quy hoạch hiện nay. Con số trên tương đương 100 tấn vầu/ngày đã được chặt hạ tại các xã thuộc các huyện: Bắc Quang - Quang Bình và Vị Xuyên. Chưa có con số thống kê mỗi ngày trên 100 tấn vầu, nứa được các cơ sở làm đũa chặt hạ đã để lại cho ngân sách địa phương bao nhiều? Người có rừng vầu, nứa là bao nhiêu? Điều đáng nói hơn là thời kỳ mùa măng, lẽ ra phải đóng cửa rừng triệt để, thì cửa rừng “vẫn bỏ ngỏ” để các cơ sở sản xuất đũa hoạt động? Đi cùng đó là sự chuyển đổi rừng vầu, nứa, sang trồng keo quá nhanh đã và đang làm cho nguồn nguyên liệu sợi dài “vốn có sẵn” bị mất dần. Các cấp ủy, chính quyền các huyện, cơ sở xã cũng đã có rất nhiều các giải pháp thiết thực để mọi người nhận thức đầy đủ việc chuyển đổi rừng sao cho hợp lý, hiệu quả nhất. Mới đây, tỉnh cũng đã có công văn tạm thời đình chỉ cấp phép kinh doanh cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả đã chuyển rõ rệt song chưa triệt để. Rất cần một giải pháp mang tính đồng bộ đó là: Tỉnh làm chặt - huyện làm nghiêm - cơ sở thực hiện triệt để, sẽ tạo ra các bước phát triển bền vững giữa: Nhà máy - hộ nông dân trong vùng quy hoạch, mang lại lợi ích nhiều mặt cả về kinh tế - an sinh xã hội và tăng thu ngân sách địa phương ổn định và dài lâu.


Nguyễn Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngành Thuế truy thu hơn 1 tỷ tiền thuế các loại
(HGĐT)- Ngoài nhiệm vụ quản lý các nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, ngành Thuế tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng như: Công an, Quản lý Thị trường... xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm dây dưa nợ đọng thuế, trốn lậu thuế, chống thất thu ngân sách cho Nhà nước.
23/07/2008
Các dự án hàng tỷ USD đang “đổ” vào Việt Nam
Bất chấp những khó khăn về kinh tế mà Việt Nam đang phải đối mặt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy mạnh mẽ vào Việt Nam với những dự án trị giá tới hàng tỷ USD.
23/07/2008
Gần 50% diện tích lúa mùa ở xã Quản Bạ bị sâu cuốn lá nặng
(HGĐT)- Vụ mùa năm nay, do thuận lợi về nguồn nước nên tiến độ gieo cấy lúa mùa của nông dân huyện Quản Bạ nhanh hơn 20 ngày so với những năm trước. Một trong những xã gieo cấy sớm nhất là xã Quản Bạ, với 107 ha lúa. Nhưng đến nay, gần như 100% diện tích lúa mùa của xã bị sâu bệnh cuốn lá. Qua kiểm tra toàn bộ diện tích có tới 42 ha đã bị sâu cuốn lá nặng.
23/07/2008
HTX Tiểu thủ công nghiệp Quyết Tiến: Đi đầu trong các hoạt động sản xuất kinh doanh
(HGĐT)- Thành lập từ năm 1999, HTX Tiểu thủ công nghiệp Quyết Tiến luôn được đánh giá là đơn vị sản xuất kinh doanh đa ngành nghề lớn của thị xã Hà Giang những năm trở lại đây.
23/07/2008