Trắng tay vì "lướt sóng" vàng!
Trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục nhảy múa, nhiều nhà đầu tư đã chuyển qua "lướt sóng" trên sàn giao dịch với giấc mộng làm giàu nhanh chóng. Thế nhưng giàu đâu chưa thấy, không ít người đã khánh kiệt...
Kinh doanh vàng tại sàn giao dịch của ACB. |
Từ yếu vốn, non kinh nghiệm...
Cuối tháng 3.2008, anh Võ Đăng K. ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) ký hợp đồng giao dịch vàng kiêm hợp đồng cung cấp tín dụng hạn mức, kiêm hợp đồng cầm cố số dư tài khoản VND/vàng với Ngân hàng ACB chi nhánh Bình Thạnh, để tham gia kinh doanh vàng trên sàn giao dịch của ACB. Theo hợp đồng, anh K. được ACB cung cấp tín dụng để tham gia kinh doanh vàng, ngược lại phía anh K. phải bảo đảm ký quỹ ban đầu tối thiểu bằng 7% tổng giá trị vàng mà anh K. đặt lệnh mua bán qua sàn ACB. Đây cũng là tỷ lệ ký quỹ thực tế tối thiểu phải duy trì trong quá trình giao dịch, nếu xuống mức 5% thì anh K. phải thực hiện một trong các biện pháp: trả bớt nợ vay, bổ sung tiền ký quỹ sao cho bảo đảm tối thiểu 7%, hoặc thanh lý khoản vay trước hạn. Trường hợp tỷ lệ ký quỹ xuống dưới 4%, ACB có quyền xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản của anh K. để đảm bảo thu hồi nợ.
Khi ký hợp đồng, anh K. ký quỹ 200 triệu đồng. Ngày 27.3, anh K. đặt lệnh mua 100 lượng vàng với tổng số tiền 1,8672 tỉ đồng. Vì trong tài khoản của anh K. có 200 triệu đồng, ACB giải ngân tự động cho anh K. vay 1,6672 tỉ đồng. Qua hôm sau (28.3), anh K. tiếp tục đặt lệnh mua 50 lượng vàng với số tiền 928,1 triệu đồng. Lúc này, số tiền ký quỹ của anh K. còn 20 triệu đồng nên ACB giải ngân cho vay tự động 908,1 triệu đồng. Tổng dư nợ trong tài khoản của anh K. đến cuối ngày 28.3 là 2,5753 tỉ đồng.
Sau 2 lần giao dịch, anh K. án binh bất động chờ thời. Đến ngày 1.4, do giá vàng biến động khiến tỷ lệ ký quỹ của anh K. xuống dưới 7% và nhân viên ACB đã thông báo để anh K. nộp thêm 75 triệu đồng, đưa tỷ lệ ký quỹ lên 7,02%. Đến 25.4, một lần nữa tỷ lệ ký quỹ của anh K. lại xuống dưới mức tối thiểu, anh K. tiếp tục nộp thêm 62 triệu đồng.
Đến ngày 13.5, anh K. đặt lệnh bán vàng nhằm tất toán tài khoản với ACB. Thế nhưng, khi kiểm tra tài khoản lại thì anh K. tá hỏa vì trong tài khoản chẳng có vàng mà tiền cũng chỉ còn 20,4 triệu đồng. Hỏi ra thì anh K. được biết vào lúc 12 giờ 28 phút 50 giây ngày 2.5, do giá vàng biến động mạnh dẫn đến tỷ lệ ký quỹ của anh K. xuống dưới 4% nên ACB đã chủ động đặt lệnh bán 100 lượng vàng trong tài khoản của anh K. với giá 1,695 tỉ đồng để thu hồi nợ! Rốt cục, sau hơn 1 tháng "lướt sóng" vàng, anh K. mất đứt hơn 300 triệu đồng! "Việc ACB tự ý xử lý tài sản của tôi ngoài giờ giao dịch có hợp lý?" - anh K. khiếu nại.
Trường hợp chị Kim T. ở quận Gò Vấp mới thực sự bi kịch. Theo trình bày của chị Kim T., vào cuối tháng 2.2008, chị ký hợp đồng số GOV.CN.01250208/GDV với ACB chi nhánh Văn Lang. Để tham gia giao dịch, chị T. đã ký quỹ 1,05 tỉ đồng. Ngày 25.2, chị T. đặt lệnh mua 900 lượng vàng với giá hơn 19,14 triệu đồng/lượng. Đến chiều 18.3, chị T. đặt lệnh bán 400 lượng vàng với giá 19,2 triệu đồng/lượng nhưng nhân viên ACB thông báo lệnh không khớp được do máy bị treo. 7 giờ 30 phút ngày 19.3, nhân viên ACB thông báo cho chị T. tỷ lệ ký quỹ trong tài khoản đã xuống mức xử lý (dưới 4%) và yêu cầu chị nộp thêm tiền để duy trì tài khoản, nhưng chị T. không đáp ứng được và đề nghị ACB xử lý theo quy định. Vào lúc này, giá vàng ở khoảng 18,85 triệu đồng/lượng và chị T. tính toán sau khi ngân hàng xử lý chị vẫn còn cứu vãn được vài trăm triệu đồng tiền ký quỹ. Thế nhưng, phải đến sáng 20.3, khi giá vàng tiếp tục xuống thì ACB mới bán ra số vàng của chị T. với giá 17,7 - 17,8 triệu đồng/lượng để thu hồi nợ. Kết cục, chị T. không những mất trắng 1,05 tỉ đồng ký quỹ trước đây, mà còn nợ lại ngân hàng hơn 362 triệu đồng. "Sau vụ việc này, gia đình tôi mất ăn mất ngủ vì vừa phải lo trả nợ gốc, vừa lo chạy vạy mỗi tháng "gánh" thêm hơn 4 triệu đồng tiền lãi ngân hàng do kinh doanh vàng bị lỗ..." - anh P., chồng chị Kim T. bức xúc.
...đến "đại gia" cũng thua!
Nhìn vào biểu đồ giao dịch của hai nhà đầu tư nói trên, nhiều người cho rằng họ "chết" có phần bởi non kinh nghiệm và yếu vốn. Nhưng thực tế, có những nhà đầu tư thuộc hàng "đại gia" vẫn "chết" như thường.
Trong quá trình kinh doanh vàng qua sàn giao dịch ACB, sáng 24.12.2007 anh Trần Trọng N. (ở quận Phú Nhuận) đặt lệnh bán 3.000 lượng vàng với giá 15,69 triệu đồng/lượng. Theo tường trình của anh N., lệnh của anh được nhân viên ACB tên Nguyễn Thị Ngọc H. nhận và chị này thông báo qua điện thoại là đã khớp được 150 lượng, còn 2.850 lượng chưa khớp. Ngay lập tức, anh N. đặt tiếp lệnh bán 2.850 lượng vàng với giá lúc này chỉ còn 15,66 triệu đồng/lượng và lúc 9 giờ cùng ngày, nhân viên H. cho biết lệnh bán 2.850 lượng vàng đã được khớp.
Thế nhưng, đến chiều 24.12, anh N. bất ngờ nhận được điện thoại của nhân viên H. cho biết đã có sự nhầm lẫn khi thông báo lệnh vào buổi sáng. Cụ thể, khi anh N. đặt lệnh bán 3.000 lượng vàng với giá 15,69 triệu đồng/lượng thì lệnh đã khớp bán 2.850 lượng chứ không phải 150 lượng như chị N. thông báo. Sự nhầm lần này dẫn đến hậu quả là anh N. đặt bán tiếp 2.850 lượng vàng ngay sau đó, lệnh được khớp và trong tài khoản của nhà đầu tư này bị âm 2.700 lượng vàng! Để giải quyết sự cố này, nhân viên H. đưa ra 2 phương án: đặt lệnh mua 2.700 lượng vàng trên sàn giao dịch hoặc mua 2.700 lượng vàng ngoài sàn trả lại cho anh N.
Sáng sớm 25.12, nhân viên H. đặt lệnh mua 2.700 lượng vàng trên sàn nhằm trả lại cho anh N., cùng lúc anh N. cũng đặt mua 3.000 lượng vàng cùng giá với lệnh của nhân viên H. Tuy nhiên, sau đó anh N. được thông báo chỉ có lệnh mua 3.000 lượng vàng khớp được, còn lệnh mua 2.700 lượng vàng không khớp được. Vì vậy, đến đầu giờ chiều đại diện ACB có mời anh N. đến giải quyết việc bán nhầm 2.700 lượng vàng bằng cách ACB bán ngoài sàn 2.700 lượng vàng với giá 15,66 triệu đồng/lượng cho anh N. và rút tiền mặt từ tài khoản của anh N. để thanh toán. Hóa đơn bán vàng được xuất ra, nhưng khi làm thủ tục rút tiền thì trong tài khoản của anh N. không còn tiền. Theo anh N., điều này là vô lý vì ngày 24.12 tài khoản của anh N. vừa bán ra 5.700 lượng vàng, ngày 25.12 anh N. bổ sung vào tài khoản 70 lượng và chỉ mới khớp lệnh mua được 3.000 lượng vào, số tiền trong tài khoản phải còn dư để trả 2.700 lượng vàng với giá 15,66 triệu đồng/lượng.
Không có tiền để thanh toán, dĩ nhiên ngân hàng yêu cầu anh N. phải rút vàng ra trả lại và con số âm 2.700 lượng vàng vẫn tiếp tục treo lơ lửng. Theo anh N., tính lúc giá vàng lên đến hơn 19 triệu đồng/lượng, anh đã mất gần chục tỉ đồng do vụ nhầm lẫn của nhân viên ACB. Hiện nay, anh N. không còn được cung cấp tín dụng để kinh doanh vàng trên sàn giao dịch của ACB, trong khi những rắc rối nảy sinh từ việc kinh doanh vàng nói trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Anh N. cho biết đã nhờ luật sư để can thiệp.
Trường hợp như anh N. được xem là nhà đầu tư cá nhân lớn trên sàn ACB, với hạn mức tín dụng được cung cấp lên đến 100 tỉ đồng và số vàng giao dịch mỗi lần tính bằng hàng ngàn lượng. Anh N. từng "chinh chiến" trên sàn chứng khoán thu lời bộn, qua "lướt sóng" vàng cũng không ít lần thu về tiền tỉ, nhưng kết cục tài sản đổ vào kinh doanh vàng trên sàn giờ có nguy cơ tiêu tan. Anh N. sau này cũng bị ACB xử lý 3.000 lượng vàng để thu hồi nợ khi tỷ lệ ký quỹ xuống dưới 4%, nhưng đó lại là câu chuyện liên quan đến nhiều tình tiết khác và hiện nhà đầu tư này cũng đang khiếu nại đòi bồi thường hơn 7 tỉ đồng vì cho rằng đã bị thiệt hại trong cách xử lý của ACB.
"Có người nói với tôi có đến 90% số nhà đầu tư cá nhân mua bán vàng trên sàn thua lỗ. Tôi không kiểm chứng được thông tin này, nhưng hầu hết những người kinh doanh vàng qua sàn giao dịch tôi biết đều thua!" - đó là ý kiến của anh N. Còn ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho rằng, sàn giao dịch vàng là kênh đầu tư rất hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng bên cạnh đó tính rủi ro cũng rất lớn. "Tất cả các rủi ro có thể gặp phải chúng tôi đã cảnh báo cho nhà đầu tư trước khi quyết định tham gia kinh doanh qua sàn giao dịch" - ông Toại khẳng định. (Còn tiếp)
Ý kiến bạn đọc