Tiếp sức cho người nghèo
(HGĐT)- Dự án DPPR được triển khai tại huyện Quang Bình từ năm 2005 với tổng kinh phí được phê duyệt trên 15 tỷ đồng, cho 6 xã: Tân Bắc, Yên Thành, Tân Nam, Bản Rịa, Nà Khương và Xuân Minh gồm 50 thôn, bản, với 9.581 hộ dân được hưởng lợi từ dự án.
Đây là các xã đặc biệt khó khăn của huyện, cơ sở hạ tầng còn thiếu, trình độ dân trí thấp, kinh tế phát triển chậm, đời sống của đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao...Sau gần 4 năm thực hiện dự án, bộ mặt của các xã đã có nhiều thay đổi, nhiều công trình giao thông, trường học, trạm y tế, công trình thuỷ lợi được đầu tư xây mới.
Đồng chí Hoàng Văn Nhu, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BQL Dự án DPPR huyện Quang Bình, cho biết: “Đây là Dự án được chuẩn bị kỹ về mọi mặt, cán bộ được tập huấn, đào tạo bài bản về nghiệp vụ, mua sắm, đấu thầu,quy trình giải ngân, tập huấn giám sát đánh giá hồ sơ thầu, đánh giá chất lượng công trình. Thông tin về dự án được công khai minh bạch đến người dân vùng dự án. Các trưởng thôn, trưởng bản được tham gia thực hiện công trình và giám sát công trình, được thay mặt người dân nhận trách nhiệm bảo trì vận hành công trình và có trách nhiệm thông tin tới cấp có thẩm quyền khi sự cố xảy ra. Chính vì vậy, các hoạt động trong các hợp phần đã được hoàn thành và được đưa vào sử dụng đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư”.
Chỉ riêng Hợp phần Phát triển cơ sở hạ tầng đã có hàng trăm công trình được đầu tư làm mới, nâng cấp, trong đó dự án đã hỗ trợ nhân dân mở mới nhiều tuyến đường dân sinh, xây dựng điểm trường, nhà họp thôn, hỗ trợ xây bể nước hộ gia đình, nhà vệ sinh, xây mới các công trình thuỷ lợi... các công trình khi đưa vào sử dụng đã đáp ứng được nhu cầu thuận lợi cho nhân dân trong phát triển KT-XH, giao lưu hàng hoá, cũng như góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc.
Bên cạnh các công trình về xây dựng cơ bản, các hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp đã góp phần nâng cao trình độ thâm canh cho người dân. Các mô hình đã giúp cho người dân nắm được biện pháp kỹ thuật mới đem lại năng suất và nguồn thu nhập. Điển hình như mô hình ngô lai tại xã Tân Bắc, Yên Thành; mô hình đậu tương ở xã Tân Bắc; mô hình khoai tây 3 vụ ở xã Yên Thành, hỗ trợ nhân dân trồng cây lá đắng ở xã Nà Khương. Bên cạnh đó, dự án đã thành lập được 6 ngân hàng giống cho vay quay vòng tại 6 xã thực hiện dự án.
Để có những kết quả này, Ban quản lý Dự án đã chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm, cụ thể hoá các văn bản pháp quy phù hợp, phối hợp với các ngành chuyên môn, thực hiện công tác quản lý, kiểm toán, quyết toán vốn đầu tư đúng quy định, trong đó, phải kể tới tác động quan trọng của việc phân cấp và công khai hoá thông tin như một biểu hiện của dân chủ cơ sở, để phát huy sức mạnh toàn dân trong vùng được hưởng lợi tham gia. Cái lợi mà dự án đem lại cho người dân là rất lớn, đặc biệt là các mô hình nông nghiệp đối với người dân nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa. Cách phân chia các hộ thành các nhóm hộ (gồm cả các hộ không được hỗ trợ từ dự án) để có thể học hỏi lẫn nhau và có trách nhiệm với mô hình đã tham gia, đã đem lại hiệu quả tốt, bền vững và được nhân rộng rất nhanh.
Hiện nay, người dân các xã vùng dự án mong muốn Nhà nước quan tâm tiếp tục đầu tư, được hướng dẫn trực tiếp trên đồng ruộng nhiều hơn giúp họ nâng cao kiến thức, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Ý kiến bạn đọc