Thị trường Hà Giang tiếp tục phát triển ổn định
(HGĐT)- Năm 2008, do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nên một số mặt hàng nông sản của tỉnh ta bị mất giá, số gia súctrên địa bàn chết nhiều gây thiệt hại nặng nề cho nông dân, đẩy giá nông sản lên cao.
Đặc biệt do ảnh hưởng của thị trường chung, giá nhiều mặt hàng có biến động lớn như: Vật liệu xây dựng, phân bón... làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống của đồng bào các dân Hà Giang.
Đồng chí Nguyễn Đình Bảy, Phó Giám đốc Sở Công thương nhận xét: Trong 6 tháng vừa qua, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh ta diễn ra khá sôi động, hàng hóa nhiều chủng loại được lưu chuyển với khối lượng lớn. Tuy giá cả và hàng hóa thuộc nhóm hàng thực phẩm các loại có nhiều biến động do ảnh hưởng của giá xăng dầu trên thế giới tăng cao... song hoạt động mua sắm của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh vẫn diễn ra khá nhộn nhip. Vấn đề kiềm chế lạm phát và giá các mặt hàng tăng cao thì thị trường Hà Giang đều phải phụ thuộc chung vào thị trường cả nước, bởi Hà Giang không đủ nguồn lực tài chính để điều tiết, hỗ trợ cho các mặt hàng. Do vậy, giải pháp chủ yếu ở tỉnh ta là quản lý các mặt hàng thật tốt, chống đầu cơ tích trữ, gây ảnh hưởng đến thị trường chung của tỉnh. Trong thời gian qua, trước những biến động của thị trường, các ngành chức năng như Quản lý thị trường, Thuế đã tích cực kiểm tra, kiểm soát. Thông qua kiểm tra của các ngành chức năng trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy, các mặt hàng đều được bán đúng với giá niêm yết và đảm bảo các thủ tục thuế, tài chính, không có hiện tượng găm hàng, hoặc hàng giả, hàng kém chất lượng... thị trường Hà Giang được xem là thị trường ổn định và lành mạnh.
Theo ước tính trong 6 tháng đầu năm nay, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ xã hội đạt 757,84 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2007 và đạt 47,36% kế hoạch. Mặc dù một số nguồn hàng khan hiếm, song các doanh nghiệp vẫn duy trì tốt công tác cung ứng các mặt hàng chính sách. Kết quả thực hiện bán ra trong 6 tháng như: Dầu hỏa trên 93 tấn, muối iốt gần 2.250 tấn, phân bón trên 5.000 tấn. Lĩnh vực xuất - nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu cũng có bước phát triển ổn định. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu ước đạt 5,88 triệu USD, trong đó xuất khẩu 3,307 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 47%; nhập khẩu 2,574 triệu USD tăng 38% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất - nhập khẩu chủ yếu là chè các loại, kim loại thường, khoáng sản, hóa chất, phụ tùng lắp ráp ô tô, thiết bị khai thác khoáng sản...
Thực hiện công tác bình ổn giá cả theo tinh thần Chỉ thị của UBND tỉnh về triển khai các biện pháp quản lý thị trường, bình ổn giá cả, lực lượng Quản lý thị trường đã thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát cụ thể theo từng nội dung, đặc điểm của từng địa bàn với tổng số 330 vụ, qua đó đã phát hiện và tịch thu các mặt hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng như: Điện thoại di động, nồi cơm điện, bếp nướng, bếp từ, đĩa VCD, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em.. và thu nộp ngân sách số tiền nộp phạt trên 654 triệu đồng. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, đấu tranh chống buôn lậu, trốn thuế, chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại và dịch vụ phát triển theo đúng pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ sở sản xuất và người tiêu dùng...
Trong thời gian qua, nhằm tạo điều kiện kêu gọi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, Sở Công thương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và khuyến khích phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, thúc đẩy phát triển các dịch vụ, đặc biệt là đối với các huyện vùng cao, gắn với phát triển ngành nghề thủ công trong nông thôn, làm nền tảng thu hút du khách trong nước và Quốc tế đến tham quan du lịch. Đặc biệt, đã tập trung xây dựng và phát triển hệ thống chợ nông thôn, chợ đầu mối, quy hoạch và phát triển các cửa khẩu để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá và phát triển mậu dịch biên giới; xây dựng thị trấn, thị tứ (trung tâm cụm xã) gắn với phát triển dịch vụ, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hoá và giao lưu văn hoá giữa các vùng miền.
Ý kiến bạn đọc