Một gia đình nuôi nhím thành công ở huyện Xín Mần
(HGĐT)- Tại xã Nà Chì, huyện Xín Mần có nhiều hộ nuôi nhím từ năm 2006, song chỉ có một gia đình nuôi nhím thành công nhất đó là: Gia đình anh Hoàng Trung Tuấn và vợ là chị Lý Thị Sen cư trú tại khu phố xã Nà Chì, huyện Xín Mần.
Anh chị đều là người dân tộc Tày, anh người Nà Chì còn chị là người Bắc Quang; hiện chị là giáo viên trường cấp II - III Nà Chì, anh Tuấn làm ở Cửa hàng Vật tư nông nghiệp huyện và đã nghỉ tự túc từ năm 2006, hiện nayở nhà, làm nghề chăn nuôi. Anh chị đã thành công trong chăn nuôi; đặc biệt là mô hình nuôi nhím đầu tiên ở khu vực phía Nam cũng như của huyện Xín Mần. Hiện nay đàn nhím của anh phát triển khá tốt, được nhiều người dân đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm cách nuôi.
Tâm sự với tôi, anh Tuấn cho biết: Là người yêu thích nghề chăn nuôi nên những năm gần đây gia đình anh đều xuất được mỗi năm 2 lứa lợn, bình quân từ 5 - 8 con/lứa, thu lãi hàng chục triệu đồng/năm. Cũng từ năm 2006 đến nay gia đình anh phát triển thêm nghề nuôi nhím. Anh đã lặn lội đi tận huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái để tìm mua giống, cho đến cuối năm anh đã mua được 2 cặp nhím giống với giá 24 triệu đồng, sau 4 tháng khi nắm vững kỹ thuật anh chị mạnh dạn đầu tư mua thêm một cặp nhím nữa và xây chuồng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mà anh đã tham quan học tập.
Nhím là loài động vật có sức đề kháng cao và dễ thích nghi với môi trường nên sau khi anh mua từ Yên Bái về nuôi tại gia đình ở Nà Chì nhím vẫn ăn uống và phát triển bình thường. Nhím ăn tất cả các loại rau, củ, quả già và non miễn là rửa sạch là nhím ăn rau ráu, kể cả xương trâu, bò, lợn... và thường cho nhím ăn từ 2 - 4 lần một ngày vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối. Hệ thống chuồng nuôi nhím của gia đình anh chị đã được xây kiên cố, có các lỗ thông các ngăn chuồng với nhau và được che chắn bằng lưới sắt thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, tất cả có 5 ngăn. Hàng ngày, anh chị tắm cho nhím kết hợp rửa chuồng. Anh Tuấn cho biết: Nhím nuôi khoảng một năm tuổi là nhím cái bắt đầu động dục, thời gian nhím mang thai vào khoảng 3 tháng đến 3,5 tháng là nhím đẻ (khoảng 100 - 105 ngày). Mỗi lứa mỗi cặp nhím đẻ từ 1 - 2 con và mỗi năm mỗi cặp nhím đẻ 2 lứa, nuôi nhím con vào khoảng 2 tháng đến 2,5 tháng tuổi là bán được, mỗi con nhím con có giá bán từ 5 - 6 triệu đồng. Từ số nhím ban đầu anh chị mua về là 6 con, đến nay gia đình anh cũng đã xuất bán được 5 đôi với giá bình quân 10.000.000đồng/đôi, thu về trên 50.000.000 triệu đồng và hiện tại trong chuồng anh còn 3 chú nhím con từ 10 đến 40 ngày tuổi và một con đang có chửa. Anh chị dự định sẽ đầu tư xây dựng thêm mấy gian chuồng nữa để mở rộng chăn nuôi nhím sinh sản, phục vụ nhím giống cho khu vực. Theo anh chị cho biết, nuôi nhím không khó và phòng, chống dịch bệnh cũng dễ hơn nhiều so với chăn nuôi một số loại động vật khác, song lãi suất lại cao hơn rất nhiều, chỉ phải bỏ vốn mua giống ban đầu là cao còn các đầu tư khác là như nhau nên thu vốn cũng nhanh.
Thiết nghĩ từ mô hình nuôi nhím sinh sản của gia đình anh chị Tuấn, Sen ở khu vực xã Nà Chì cho thấy nuôi nhím không nặng nhọc, ít dịch bệnh, lại phù hợp với điều kiện môi trường khí hậu và kinh tế trong khu vực, trong điều kiện chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở địa phương nhất là ở khu vực Nà Chì... Chẳng những nuôi nhím bán con giống có giá trị cao mà thịt nhím cũng là một loại đặc sản rất rễ tiêu thụ, do đó mô hình trên cần khuyến khích nhân rộng.
Ý kiến bạn đọc