Hiệu quả mô hình nuôi cá ao ở thôn Tà Muồng
(HGĐT)- Tà Muồng là một thôn nghèo của xã Ngọc Long (Yên Minh) với 56 hộ, 416 khẩu, 100% là người dân tộc Dao, tỷ lệ hộ nghèo của thôn chiếm 50,8%. Thôn có diện tích tự nhiên 253,91 ha, diện tích đất nông nghiệp là 105,1 ha, diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 4,21 ha.
Năm 2007, Dự án DPPR tiến hành xây dựng kế hoạch tại thôn, nhân dân đã đề xuất được xây dựng mô hình nuôi cá ao hộ gia đình. Sau khi bình xét, thôn chọn 2 hộ nghèo có diện tích ao nuôi thuận tiện cho việc theo dõi, tham quan học tập của người dân để thực hiệnmô hình với quy mô 250 m2/ao.
Trước khi thả cá, Trung tâm Thuỷ sản tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc cho 2 hộ thực hiện và các hộ liền kề, trước khi thả cá các hộ đã dùng vôi bột để xử lý vệ sinh ao. Số lượng cá thả cho một ao gồm 3 loại: Cá chép cỡ 4-6 cm: 3 kg; trắm cỏ cỡ 12 – 18 cm: 3 kg; cá rô phi cỡ 4 – 6 cm: 130 con.
Sau thời gian 12 tháng, cá chép đã đạt trọng lượng 0,7 – 0,8 kg/con; cá trắm đạt 0,8 – 1 kg/con; cá rô phi đạt 0,4 – 0,6 kg/con. Tổng thu trung bình đạt 140 kg/ mô hình. Qua hạch toán kinh tế với 250 m2 trong thời gian cho thu nhập từ cá là 4.325.000 đ, tính bình quân mỗi tháng cho thu nhập khoảng 360.000 đ.
Tại hội nghị nghiệm thu, nhân dân trong thôn được tận mắt chứng kiến về lợi nhuận thu được từ mô hình, việc đầu tư vốn không lớn, chăm sóc dễ dàng, so sánh với trồng ngô, lúa lượng công đầu tư chăm sóc không nhiều, nên rất muốn được nhân rộng mô hình vào năm sau. Đây là hướng phát triển kinh tế cho nhân dân trong thôn nhằm xoá đóigiảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Ý kiến bạn đọc