Cần giải pháp hỗ trợ cho ngành trồng - chế biến - xuất khẩu chè

16:46, 13/06/2008

(HGĐT)- Khác hẳn đầu năm, giá chè thu mua, chế biến, xuất khẩu trong tháng 4 đến đầu tháng 6.2008 đang có chiều hướng giảm, chững lại. Ngược lại giá phân bón, vật tư phục vụ cho sản xuất kinh doanh lại không ngừng gia tăng.


 

 Thiếu nữ dân tộc Nùng xã Chế Là(Xín Mần) thu hái chè.


Đi kèm theo đó là cơn “bão giá” tiêu dùng và một tâm lý “chán” chè đã bắt đầu lẩn khuất trong các vùng chè. Điều đó dự báo những điều không hay xảy ra đối với ngành trồngthu mua, chế biến xuất khẩu chè, mặt hàng chủ lực xuất khẩu của tỉnh. Cạnh đó nó còn ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu nghị quyết của tỉnh đề ra trong việc định hình 17.500 ha chè toàn tỉnh vào năm 2010 và khó khăn trước mắt cho việc thực hiện kế hoạch trồng chè của tỉnh năm nay.


Giá “đầu vào” gia tăng chóng mặt:

Vào thời điểm này cùng kỳ năm 2007, giá 1 kg phân NPK loại 15-5-5 mua vào là 2.400 đ/kg. Nhưng hiện tại người trồng chè đã phải mua vào giá 4.800đ/kg, tăng 100% so với cùng kỳ. Giá mua vào cùng kỳ năm trước của 1 kg phân đạm Urê 46%N là 5.200đ/kg, thì nay phải mua vào là 8.500 - 8.700 đ/kg, tăng gần gấp đôi. Giá mua 1 tấn than để sao sấy chè tại các cơ sở chế biến cũng đã tăng lên 1.400đ/kg. Song song phân bón, chất đốt tăng đều 100% so cùng kỳ đã đẩy giá thuốc bảo vệ thực vật tăng theo từ 3.000 - 5.000 đ/lọ (mức tăng tương đương 30% so với cùng kỳ năm trước). Sự gia tăng giá vật tư, phân bón, thuốc sâu... đã làm ảnh hưởng đến hàng chục vạn hộ nông dân trồng chè và 13 doanh nghiệp, trên 400 cơ sở mi ni sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè trong toàn tỉnh. Dẫn đến tình trạng, các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến “không dùng than” để sao sấy chè mà chuyển sang thu mua củi để đốt. Tuy nhiên giá củi thu mua hiện đã tăng từ 80.000 đ/m3 lên bình quân là 130.000đ/m3. Nhưng điều đáng nói tại đây chính là các sản phẩm chè sau khi sao sấy bằng củi thường “nhiễm khói” làm giảm chất lượng thành phẩm của sản phẩm làm ra. Và theo lẽ tự nhiên của quy luật “có cầu, ắt có cung” dẫn đến hiện tượng người dân chặt củi, chặt gỗ bán cho các cơ sở sản xuất, chế biến chè, làm ảnh hưởng đến rừng.

 

Giá thu mua “không tăng” và xuất khẩu... giảm:

Hiện tại giá thu mua chè tươi nguyên liệu giảm một nửa so với đầu năm 2008. Giá bình quân chè tươi búp loại A tại các huyện vùng thấp: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình dao động từ 2.300 - 2.500 - 2.800đ/kg (đầu năm là 5.000 đ/kg). Giá thu mua chè búp tươi các huyện vùng cao: Hoàng Su Phì, Xín Mần cũng chỉ dao động từ 2.700 - 3.000 đ/kg. Giá bình quân của chè búp tươi nguyên liệu hiện chỉ còn xấp xỉ bằng 45 - 50% so với giá bán ra của người trồng chè của cả năm 2007. Chính giá giảm thấp so với mức bình quân năm trước nên rất nhiều nơi cây chè rơi vào tình trạng bị... “bỏ quên”. Còn giá xuất khẩu chè thành phẩm hiện nay giảm tới 27% so với cùng kỳ năm trước về sản lượng và giảm giá bán chè từ 3.000 - 5.000 đ/kg chè đã chế biến. Khảo sát một số doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu chè trong tỉnh cho thấy mức tiêu thụ giảm từ 10-12% về lượng bán ra và giảm giá bán từ 10-15%/kg chè xuất khẩu. Hiện đã có rất nhiều cơ sở chuyên thu mua, chế biến, xuất khẩu chè làm ăn “cầm chừng”, đẩy giá chè nguyên liệu trong dân xuống thấp, làm ảnh hưởng đến đời sống của người trồng chè.


Cảnh báo về một hệ lụy:

Hiện tượng người dân xã Cao Bồ (Vị Xuyên) chặt cây chè cổ thụ để bán thay vì bán búp chè tươi là ví dụ điển hình hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4.2008. Mới đây, qua khảo sát các vùng chè ở một số huyện vùng thấp: Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình và một phần các xã phía Nam huyện Xín Mần cho thấy: Không ít gia đình hoặc có những nhóm hộ đã “có ý” tẩy chay cây chè để “chuyển trồng” cây keo lấy gỗ trên diện tích chè hiện có. Các huyện cũng đang lúng túng trong việc thuyết phục, vận động người dân trồng chè theo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra cho năm 2008. Nguy cơ sẽ đưa đến khó khăn trong việc “tiêu thụ” hàng triệu hom chè giâm bầu từ các cơ sở sản xuất giống phục vụ cho kế hoạch trồng chè năm 2008 ở các huyện: Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Quang là khó tránh khỏi. Và càng đau xót hơn nếu chúng ta không đưa ra giải pháp kịp thời thì nguy cơ dẫn đến “phá chè, trồng rừng keo” và phá rừng để bán củi cho sao chè hiện nay là khó lường. Đi đôi với việc đó là không đạt kế hoạch đề ra trồng mỗi năm 1.000 ha chè, để định hình 17.500 ha chè toàn tỉnh vào năm 2010 (hiện tại diện tích chè toàn tỉnh trên 15.400 ha). Tiếp đó sẽ làm giảm mục tiêu xuất khẩu chè của tỉnh mỗi năm từ 6.000 - 7.000 tấn chè thành phẩm xuất khẩu. Đồng nghĩa với điều đó chúng ta không thể đưa cây chè thành cây “mũi nhọn” mà Đảng bộ tỉnh đã xác định đề ra.


Cần những giải pháp đủ mạnh:

Nếu không có giải pháp để “giữ vững, vực dậy” cho cây chè, ngành chè hiện nay thì đến bao giờ chúng ta mới có “cây mũi nhọn” mang tính ổn định, bền vững? Cũng xin được nói sự yếu kém trong ngành chè tỉnh ta hiện nay chính là sự nhỏ lẻ, manh mún. Đã không ít nhận xét: Trong thu mua, chế biến chè vừa qua thì càng nhiều các cơ sở thu mua, chế biến thì người dân trồng chè... càng có lợi! Điều đó đến nay xem ra không còn phù hợp nữa. Bởi lẽ nền kinh tế của ta đã hội nhập nền kinh tế có chất lượng cao toàn cầu đã hơn 1 năm, vả lại, sản xuất, chế biến nhỏ lẻ thì hệ lụy của nó là sản phẩm nhỏ lẻ, chất lượng... bất cập và cũng... nhỏ lẻ.


Trong nhiều năm gần đây, tỉnh cũng đã có các giải pháp hỗ trợ: Trồng, chế biến, khuyến nông đi kèm cả khuyến công nữa, song mức độ khuyến công để “có công nghệ cao” chúng ta chưa làm được. Hỗ trợ khuyến công để quảng bá, để làm thương hiệu, nhãn mác... cũng chỉ dừng ở góc độ “nhỏ lẻ”, chưa “đủ tầm” để đưa các sản phẩm chè Shan tuyết đặc sản của ta “đi thẳng” ra các quốc gia toàn cầu. Xuất khẩu chè của ta thời gian qua mới chỉ dừng lại ở xuất khẩu ủy thác hoặc phải “núp” dưới các danh trà, thương hiệu khác... vậy thì giải pháp nào bây giờ? Theo chúng tôi vẫn là các giải pháp trước đây ta đã làm, nhưng “bắt buộc” phải “nâng tầm” lên đủ để cho người dân, doanh nghiệp, làm chè “gạt bỏ” cái “nhỏ lẻ”, để đi vào sản xuất “chất lượng cao”. Tiếp đó là thúc đẩy các mối liên kết kinh tế “4 nhà” trong sản xuất thành các mối liên kết “bắt buộc” để tạo ra nền sản xuất hàng hóa thực thụ. Đi song hành là tạo ra môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn. Các giải pháp trên Chính phủ cũng đã thực hiện để hỗ trợ người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ ngành điều, cà phê và mới đây là các giải pháp giúp nghề nuôi, xuất khẩu cá Ba sa, cá Tra... còn các nguyên thủ quốc gia trong các cuộc công du, hội đàm, đã đưa các doanh nghiệp đi để tạo cơ hội, tạo thị trường, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp trong: Ký kết, làm ăn, buôn bán với các bạn toàn cầu. Xét ở góc độ nào đó, chúng ta vẫn có thể tham khảo, vận dụng để có lời giải giúp cho cây chè của tỉnh trở thành cây “mũi nhọn”, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quy hoạch phát triển công nghiệp - hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế
(HGĐT)- Những năm qua, ngành Công nghiệp tỉnh ta không ngừng lớn mạnh, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP của toàn tỉnh lên khá cao; nền công nghiệp từ chỗ nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất thô sơ, thiết bị lạc hậu thì nay đã có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển.
30/05/2008
Mèo Vạc đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp
(HGĐT)- Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1 đầu tháng 2 năm 2008, nhưng với sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện Mèo Vạc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
30/05/2008
Tu sửa 118 đầu điểm công trình thủy lợi ở Xín Mần
(HGĐT)- Cùng việc tập trung chỉ đạo phòng trừ dịch bệnh cho lúa, ngô, rau màu vụ chiêm xuân đảm bảo thắng lợi, huyện Xín Mần đã đồng loạt ra quân tu sửa các công trình đập đầu mối, kênh mương nội đồng để phục vụ gieo cấy vụ mùa.
30/05/2008
Thị trường Hà Giang tiếp tục phát triển ổn định
(HGĐT)- Năm 2008, do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nên một số mặt hàng nông sản của tỉnh ta bị mất giá, số gia súctrên địa bàn chết nhiều gây thiệt hại nặng nề cho nông dân, đẩy giá nông sản lên cao.
13/06/2008