Thay đổi cuộc sống từ nghề trồng rau và chăn nuôi
(HGĐT)- "Khu vực tổ 9, phường Ngọc Hà (TXHG), với thế mạnh sẵn có về điều kiện tự nhiên, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, nguồn nước phục vụ cho lao động, sản xuất dồi dào nên nhiều hộ gia đình nơi đây đã lấy nghề trồng rau xanh làm nghề chính của gia đình từ nhiều năm nay.
Hiện nay, vào những buổi sáng tinh mơ, từng tốp người trồng rau của tổ đã vận chuyển các loại rau xanh trên những đôi quang gánh, thúng, xe thồ… mang rau đến các chợ thị xã và có những hộ thì bán buôn ngay tại nhà đã tạo thành một thị trường rau chất lượng ổn định, có uy tín với khách hàng. Với thời gian dài gắn bó với nghề nên khu vực tổ 9, phường Ngọc Hà đã trở thành vùng chuyên trồng rau cung cấp và đáp ứng một phần khá lớn cho nhu cầu rau xanh trên địa bàn thị xã Hà Giang trong nhiều năm qua…” - Đó là lời khẳng định của ông Tạ Đức Toán, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà trong một lần làm việc với chúng tôi về vùng chuyên trồng rau xanh của phường.
Hiện nay, tổ 9, phường Ngọc Hà có tổng số 94 hộ, nhưng có khoảng 70 hộ đã, đang chuyên canh trồng rau xanh, trong đó có khoảng 60 hộ đang thực hiện hình thức trồng rau an toàn. “Cũng chính nhờ nghề trồng rau mà hiện nay nhiều hộ của tổ đã tự thoát nghèo một cách ổn định, bền vững…”. Anh Lê Thái Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường tâm sự khi đưa đoàn chúng tôi đi thực tế. Nơi chúng tôi đến là gia đình anh Đỗ Ngọc Tiến, một trong những hộ phát triển khá mạnh nghề trồng rau và chăn nuôi. Ngồi dưới tán vườn cây ăn quả mát rượi, thưởng thức những ngụm nước trà xanh của địa phương và nghe anh Tiến tâm sự: “Gia đình mình quê Quốc Oai, Hà Tây, theo Ông, bà lên Hà Giang từ những năm 1967 và cũng ngay từ những năm, tháng ấy gia đình tôi đã lấy nghề trồng rau xanh làm kế sinh nhai, nhưng vất vả lắm các anh ạ! Để có được những mớ rau ngon, sạch những người trồng rau chúng tôi phải thức khuya, dậy sớm. Sáng sớm phải tưới nước, cả ngày cuốc đất, làm cỏ trên 4 sào vườn với hơn 10 loại rau xanh khác nhau; đêm đến, mỗi người trong gia đình từ lớn đến bé đều ra vườn bắt sâu, ốc sên… Nếu không làm được như vậy, không có rau sạch, đẹp được đâu!. Giờ khách hàng đi chợ kỹ tính lắm, rau mà bị sâu ăn thì rất khó bán…”. Rời nhà anh Tiến, chúng tôi đến gia đình anh Bùi Xuân Lăm, một gia đình trẻ với 3 khẩu, 2 lao động chính. Nhờ nghề trồng rau kết hợp với chăn nuôi mà hiện nay gia đình anh Lăm trở thành một hộ giàu của tổ… Ngoài 2 gia đình anh Tiến, anh Lăm, ở tổ 9, phường Ngọc Hà còn rất nhiều hộ điển hình về phát triển kinh tế hộ từ nghề trồng rau xanh kết hợp với chăn nuôi như các hộ: Nguyễn Văn Lương; Nguyễn Công Chức; Nguyễn Khắc Nga… Các hộ trên là những điển hình, đi đầu trong chuyển đổi hình thức canh tác, sản xuất và có sự đầu tư, kết hợp hợp lý giữa sản xuất và chăn nuôi nên thu nhập hàng năm, sau khi trừ vốn, công lao động đều đạt trên 30 triệu đồng…
Nhu cầu của thị trường về nguồn rau an toàn bây giờ rất lớn nên đa phần các hộ chuyên trồng rau của tổ 9, phường Ngọc Hà đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất theo phương pháp trồng rau an toàn mà người đi đầu cho việc chuyển đổi hình thức sản xuất là anh Đỗ Ngọc Tiến, một người rất năng động trong việc học hỏi những kiến thức mới và sau khi tập huấn tại Liên minh HTX tỉnh về lớp sáng lập viên HTX, anh đã chủ động tuyên truyền, vận động bà con xã viên góp vốn thành lập HTX Rau an toàn với gần 20 xã viên, cùng góp vốn, lao động, sản xuất theo đúng phương pháp rau an toàn. Nhờ việc trồng rau theo theo phương pháp an toàn không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm mà còn giúp cho những gia đình chuyên trồng rau nơi đây khẳng định được vị trí của mình trên thị trường và rau an toàn của bà con nhân dân chuyên trồng rau tại tổ 9, phường Ngọc Hà hiện nay đã chiếm được một thị phần khá lớn trên địa bàn thị xã Hà Giang.
Ông Tạ Đức Toán, cho biết: “Từ việc mạnh dạn đầu tư vốn cho sản xuất, năng động tìm hiểu, học hỏi áp dụng những tiến bộ KHKT vào trong sản xuất nên sản phẩm rau an toàn của bà con nhân dân sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đấy và hiện nay cả tổ 9, phường Ngọc Hà có 20 hộ giàu; 40 hộ khá và chỉ còn duy nhất 2 hộ nghèo… Với việc đầu tư và lao động, sản xuất theo đúng định hướng của bà con tổ 9 đã không chỉ tự XĐGN cho chính mình một cách bền vững, lâu dài mà còn tạo nên một khí thế thi đua lao, sản xuất dựa trên chính thế mạnh sẵn có của địa phương. Nhưng hiện nay, việc thành lập HTX Rau an toàn của bà con xã viên tổ 9 vẫn chưa được hoàn thiện, vì còn vướng mắc trong quá trình làm văn bản nên rất cần có sự đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan, ban, ngành chức năng để bà con xã viên hoàn thành thủ tục thành lập HTX Rau an toàn, qua đó giúp cho bà con xã viên khẳng định chất lượng sản phẩm trên thị trường, yên tâm lao động, sản xuất.
Ý kiến bạn đọc