Niềm vui trên đất mỏ
(HGĐT)- Bữa cơm trưa cùng các công nhân mỏ Ăng-ti-mon Mậu Duệ (Yên Minh) được xem là “bất ngờ” nhất giữa chúng tôi sau nhiều năm quen biết. Có 2 lý do để tôi kiểm chứng cho sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, đó là đời sống của người lao động đi kèm theo thu nhập cá nhân.
Cải tiến chế độ đốt và sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế than cốc nhập khẩu, các công nhân Phân xưởng luyện Ăntimon đã tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất. |
Cạnh đó còn là lý do để hiểu thêm đời sống người lao động trong giai đoạn: Lương - giá “bỏ nhau” như hiện nay và tôi hoàn toàn yên lòng với bữa cơm bất ngờ đó. Quản đốc phân xưởng luyện Ăng-ti-mon, Phạm Văn Tuấn xác nhận: Giai đoạn “giá trượt dốc” như hiện nay không ít doanh nghiệp không lo nổi đời sống cho người lao động, nhưng đối với những người thợ mỏ sự “dao động” đó gần như không có. Tuy nhiên: Giá lên cao thì sức mua, sự chi tiêu hàng ngày của từng công nhân có giảm. Mức giảm đó là để đảm bảo cân đối thu, chi của người lao động. Riêng về các khoản tiền ăn ca, tiền bồi dưỡng độc hại, mọi chế độ bảo hộ, lương, thưởng, công ty vẫn lo đủ, lo tăng thêm để bù đắp về “giá” cho công nhân để “nuôi dưỡng” nguồn nhân lực làm việc ở mỏ vẫn đáp ứng. Theo ghi nhận: Phần lớn công nhân là người địa phương (Mậu Duệ - trên 30 người) được làm việc tại mỏ từ 2-4 năm, số họ đều đã làm được nhà, mua sắm các trang thiết bị, các phương tiện đi lại, nghe, nhìn... đảm bảo mức sống hơn hẳn và đang dần hình thành các “làng công nhân mỏ” tại địa phương có đời sống tốt hơn cả về vật chất, tinh thần. Họ đã và đang tạo thành lòng tin, cả sự phấn đấu của không ít thanh niên xã để được trở thành công nhân của mỏ. Với mức lương trung bình từ 2.800.000 - 3.500.000đ/người/tháng, chưa tính các chế độ đãi ngộ khác của doanh nghiệp, các công nhân xưởng luyện Ăng-ti-mon đang tiếp tục phấn đấu: Cải tiến các công đoạn thiêu, đốt, hút bột, theo phương pháp: Tiết kiệm tối đa các vật liệu đốt + sử dụng vật liệu đốt có sẵn trong nước thay thế than cốc nhập khẩu để chủ động nguyên liệu, giảm giá thành đầu vào trong chi phí sản xuất, đưa ra sản phẩm tốt nhất, tiết kiệm nhất. Tuy không thích giới thiệu mình, nhưng tôi biết Quản đốc xưởng luyện anh đã gắn bó với mỏ từ cuối những năm 90 thế kỷ XX. Anh Tuấn được xem là “cựu chiến binh” của mỏ, gắn bó xưởng luyện và tổ hóa nghiệm đã lâu. Câu trả lời tìm thấy trong anh chính là sự quan tâm chăm lo chu đáo (của cả công ty, của doanh nghiệp) đối với người lao động để tạo ra môi trường lao động thoải mái nhất. Trong đó, mỗi công nhân trở thành “chủ nhân” của chính họ và cũng là của chính “ngôi nhà chung” đó, cho nên họ phấn đấu cho cái chung đó. Theo ghi nhận: Tại công đoạn thiêu quặng đến công đoạn hút bụi ô xít và đến đoạn luyện quặng ra sản phẩm A-H cuối cùng, có đi kèm công tác hóa nghiệm để kiểm định sản phẩm “phải trở thành” dây chuyền hoạt động đồng nhất. ở đó, mỗi người gắn kết nhau lại thành một tập thể đoàn kết, tương trợ thống nhất vì lợi ích chung để mỗi tháng làm ra từ 55-60 tấn A-H đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 100%. Tại phân xưởng khai thác, Quản đốc Đào Văn Cảnh cho biết: Trong giai đoạn giá xăng dầu tăng, giá sinh hoạt đời sống đều tăng như hiện nay, phân xưởng đã phải cải tiến rất nhiều kỹ thuật: Từ vận chuyển, đào đất, lấy quặng... để sao cho chi phí sản xuất “giảm tối thiểu” nhưng năng suất lao động phải “tăng tối đa”, nhằm cải thiện thu nhập lương, thưởng và các chế độ khác. Trong quý I và tháng đầu của quý II năm nay, mức thu nhập bình quân của công nhân phân xưởng từ 3,5-3,7 triệu đồng/người/tháng. Mục tiêu đặt ra sẽ hoàn thành sớm công đoạn bóc, dỡ đất đá của cả năm là 500.000m3. Đồng thời khai thác từ 9-11 ngàn tấn quặng nguyên khai phục vụ đốt, luyện ăng-ti-mon xuất khẩu. Một nếp ăn, ở gọn gàng, sạch đẹp, cộng một đời sống tinh thần lành mạnh ở đất mỏ, đã và đang tạo ra không khí lao động vì một tập thể, vì doanh nghiệp phát triển. Trong đó, người lao động là người làm chủ.
Rời đất mỏ, tra trên mạng báo cáo kiểm toán tài chính của Công ty Cổ phần Cơ khí khoáng sản được biết: Năm 2007, Công ty đạt doanh thu trên 78 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế và thu nhập doanh nghiệp trên 40 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu sau 2 năm chuyển thành Công ty Cổ phần là 40,74%. Như vậy, lợi ích của người lao động, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích Nhà nước đã được duy trì đảm bảo, cộng với một hướng phát triển bền vững. Hiện nay, trên đất mỏ đã và đang được doanh nghiệp xúc tiến công tác trồng rừng 1.000 ha cho cả vùng dân cư mỏ mở rộng từ: Mậu Duệ, Ngọc Long, Mậu Long... Việc đầu tư trồng rừng ngay trên đất mỏ được xem là việc làm mang nhiều ý nghĩa về kinh tế, môi trường, dân sinh đã được Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh đồng ý cho phép triển khai. Mức vốn đầu tư trồng rừng của doanh nghiệp “gắn” với đồng bào vùng mỏ mở rộng lên tới trên 54 tỷ đồng, sẽ mở ra bước phát triển mới ở vùng mỏ trong thời gian tới. Khai thác tài nguyên “không tái tạo” đi liền với đầu tư vào nguồn tài nguyên “có” tái tạo là ghi nhận từ đất mỏ hôm nay.
Ý kiến bạn đọc