Những nông dân Nàn Ma tiên phong trồng cỏ - nuôi bò
(HGĐT)- Đi khắp các vùng trong tỉnh, nhưng chưa đâu có những con bò to lớn như bò xã Nàn Ma (Xín Mần). Nằm ở độ cao trung bình từ 1.200m - 1.400m so với mực nước biển, xã Nàn Ma có 463 hộ, 2.741 khẩu, đồng bào Mông chiếm 85% dân số toàn xã. Xã Nàn Ma vốn nổi tiếng về cây mận Hậu, về lượng người cao tuổi sống thọ, nay Nàn Ma còn được biết đến với những đàn bò, con bò to lớn, cùng những người đi tiên phong trong việc trồng cỏ, nuôi bò
Thôn Nàn Ma mọi người biết đến anh Giàng Seo Sì, 45 tuổi, chuyên nuôi bò vỗ béo để bán. Đứng trước con bò được người mua trả tới 18 triệu đồng, anh chưa bán, làm chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. Anh Sì cho biết: Muốn vỗ bò béo thì cần đủ thức ăn: Cỏ, ngô, bột ngô và phải nuôi nhốt, cắt cỏ cho ăn. Cứ mỗi con bò gầy mua về cho ăn đủ, uống đủ, sau 3-6 tháng là có thể xuất bán. Theo cách làm như vậy, mỗi năm anh Sì cũng có lãi 18 - 20 triệu đồng từ nghề: Trồng cỏ, nuôi bò vỗ béo. Cụ Sùng Seo Phử cho biết: Trong số con cháu nhà cụ có mấy người đều phát triển chăn nuôi bằng cách trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng. Anh Sùng Seo Liền tiến hành trồng cỏ dựa vào sự hỗ trợ của dự án từ năm 2005. Từ chỗ giống đầu tư ban đầu, anh trồng, chăm sóc rồi lại trồng nhân rộng. Đến năm 2007, Liền trồng tới gần 2ha cỏ Voi. Khi có cỏ đủ làm thức ăn, anh làm đơn xin vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Đến thời điểm này, anh còn nuôi trong chuồng 7 con, con nào con ấy đều to béo, mượt mà. Chủ tịch xã Nàn Ma, anh Hoàng Văn Sơn, cho biết: Gia đình Liền vừa bán 4 con để mua sắm các phương tiện, đồ dùng trong nhà và khẳng định: Sùng Seo Liền là người có đàn bò nhiều con nhất (11 con) của xã và đang trở thành một điển hình được bà con học tập, làm theo. Còn lão nông Sùng Seo Dinh lại cho biết: Anh trồng được 1 ha cỏ voi trên đất dốc, sản lượng cỏ còn hạn chế nên mới chỉ dám nuôi 6 con bò mà thôi. Vẫn theo cách nuôi quay vòng: Chăm cỏ, cắt cỏ, nuôi bò, rồi lại mua bò, chăm cỏ, cắt cỏ, nuôi bò tựa như cách nuôi của người vùng cao phía Bắc.
Đi theo cách trồng cỏ đủ đảm bảo thức ăn để phát triển chăn nuôi trâu, bò ở xã Nàn Ma còn có gia đình: Sùng Seo Thìn, Giàng Seo Lử... Qua khảo sát đánh giá thực tế từ các hộ nêu trên cho thấy, một điểm thốngnhấttrong cách làm đó là chủ động toàn bộ thức ăn. Đảm bảo công tác phòng rét, phòng dịch, cho ăn, cho uống đủ và chăn nuôi đi kèm dịch vụ hài hòa để quay vòng vốn, kích thích chăn nuôi, tăng thu nhập. Đồng thời tận dụng được đất đai tại chỗ, lao động tại chỗ và huy động được tất cả mọi người trong gia đình tham gia. Chủ tịch UBND xã Nàn Ma, Hoàng Văn Sơn, cho biết: Sau nhiều năm đúc rút kinh nghiệm chăn nuôi từ cáchộ trong xã, xã đã tiến hành tập hợp đồng bào, tổ chức học tập lẫn nhau trong thôn bản, trong dòng họ, anh em để cùng nhau rút ra cách chăn nuôi hợp lý nhất. Trong đó tùy thuộc vào khả năng đất đai, lao động, nguồn vốn của từng hộ, xã kết hợp với các tổ, hội ở cơ sở “tạo cầu nối” gia đình có nhu cầu, đủ điều về thức ăn với Ngân hàng CSXH. Sự kết nối, sâu chuỗi đó tạo ra mối liên kết chặt chẽ giúp các hộ phát triển chăn nuôi, đặc biệt là nuôi bò ở Nàn Ma, giống bò quý địa phương theo phương pháp khép kín: “Trồng cỏ + vay vốn + nuôi bò”. Việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế từ thôn Nàn Ma, xã sẽ chỉ đạo nhân rộng ra 7 thôn toàn xã. Đến nay đã có nhiều hộ học theo những mô hình đi tiên phong, theo cách: Trồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc hoặc nuôi trâu, bò vỗ béo, làm dịch vụ, trao đổi lưu thông. Hiện tại, Nàn Ma đã khôi phục xong cơ bản trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua. Tập trung xây dựng nhiều mô hình trồng cỏ, quyết tâm đưa nghề chăn nuôi bò và duy trì phát triển đàn bò có nguồn gen to, béo nhất trong vùng để trở thành xã điển hình về trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc.
Ý kiến bạn đọc