Liên kết “4 nhà” bài toán còn bỏ ngỏ
(HGĐT)- Nghị quyết 80 của Chính phủ về việc thực hiện mối liên kết giữa: Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học, nhằm phát triển sản xuất ở trình độ cao, để hội nhập kinh tế đến nay đã qua 5 năm thực hiện ở tỉnh ta xem ra vẫn còn bị bế tắc.
Nguyên nhân chính của nó được bắt nguồn từ nền sản xuất nông nghiệp còn yếu, rời rạc, chưa tập trung. Những thế mạnh trong nông nghiệp của ta có cây cam, cây chè, thảo quả, mới đây là sự chuyển đổi nâng cao diện tích trồng lạc, đậu tương; chăn nuôi cho các sản phẩm thịt: Trâu, bò, dê, lợn…
Từ năm 2003 đến nay, có nhiều mô hình thể hiện mối liên kết “4 nhà” ở các huyện như: Xín Mần, Vị Xuyên, Quản Bạ… lúc đầu cho kết quả khả quan. Từ năm 2003, ở Xín Mần xây dựng mô hình khoai tây, dưa hấu ở Thèn Phàng, Bản Díu; ở Quản Bạ thực hiện mô hình thảo quả ở Tả Ván; Vị Xuyên cũng thực hiện mô hình thảo quả ở Lao Chải, Xín Chải, Cao Bồ… nhưng kết quả cuối cùng đều “dần dần… đi xuống”. Cuối cùng người nông dân chỉ còn lại chỗ dựa duy nhất là sự hỗ trợ: Giống, vốn từ phía nhà nước, còn sản phẩm làm ra “buộc” thả nổi trên thị trường tự do.
Liên kết “4 nhà” để phát triển sản xuất trình độ cao mới đáp ứng quá trình hội nhập của nền kinh tế Quốc tế. Nhiều năm qua, tỉnh ta có những cơ chế, chính sách, nhằm thúc đẩy các mối liên kết đó. Trong đó, doanh nghiệp và nhà nước, nhà khoa học là các thành phần then chốt. Xét đến đầu năm 2008, nền kinh tế ta đã hội nhập WTO hơn 1 năm, sự ảnh hưởng do tác động của kinh tế toàn cầu thể hiện rất rõ. Trong sản xuất nông nghiệp là sự tác động leo thang của giá cả tiêu dùng, trong đó có giá lương thực, giá phân bón. Sự leo thang của giá xăng, dầu, sắt thép và sự lạm phát trong tiêu dùng, lưu thông phân phối… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất, đặc biệt là đời sống, sản xuất của nhà nông. Ngược lại, hội nhập kinh tế cũng mở ra triển vọng vô cùng lớn để hàng hóa nông sản của ta đi vào thế giới. Nhưng để hàng nông sản của dân làm ra đi vào được thế giới thì cần có các doanh nghiệp tham gia tích cực. Nhìn tổng thể, hiện tỉnh ta có trên 460 doanh nghiệp. Có 109 hội viên thuộc Hội Doanh nghiệp tỉnh đầu tư hoạt động trên mọi lĩnh vực. Tham gia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có 13 doanh nghiệp và trên 400 HTX (chủ yếu thu mua, kinh doanh chè). Song, vẫn chưa có doanh nghiệp nào thực hiện các liên kết kinh tế có ký kết hợp đồng với nông dân, mà chỉ dừng ở mức thu mua, khai thác tiềm năng “có sẵn” và được “thả nổi” theo cơ chế thị trường. Các mô hình liên kết lúc đầu thì to, sau “teo” dần, không phát huy được tính tích cực của nó.
Mới đây tại một số huyện phát triển rộng các mô hình trồng lúa chất lượng cao. Tuy nhiên chỉ thực hiện “dựa” vào Nghị quyết và sự hỗ trợ về cơ chế giống, phân bón từ phía nhà nước, kèm theo sự phát triển tiến bộ của công tác khuyến nông, khuyến công. Bước đi mới từ các địa phương đã mang lại sắc tố mới trong sản xuất hàng hóa ở những vùng có điều kiện, cải thiện được đời sốngnhà nông. Những nét chấm phá, khơi gợi trên cho thấy: Triển vọng để phát triển mối liên kết “4 nhà” đang thể hiện, phản ánh qua thực tiễn sản xuất cần được tổ chức, sắp xếp lại thành nếp. Hơn nữa, thời điểm hiện nay là thời cơ rất thuận lợi để thúc đẩy mối quan hệ sản xuất có liên kết phát triển bởi vì lượng hàng nông sản toàn cầu sụt giảm, nhu cầu tăng. Các hàng nông sản khác như chè, thảo quả, đậu tương tới đây là cam, được xếp là “đặc sản”, thế mạnh của Hà Giang cũng cần có sự liên kết hợp lý mới phát triển bền vững và có sức cạnh tranh. Có rất nhiều người cho rằng: Ta cứ nói là cam, chè, thảo quả của ta tốt nhưng “chưa thấy” doanh nghiệp nào, thương nhân nào “mang” sang các nước theo nghĩa đến tận nơi, bán tận gốc bao giờ? Có rất nhiều cơ sở thumua, chế biến, xuất khẩu chè, nhưng “chưa có” doanh nghiệp, cơ sở nào đầu tư “trả lại gốc” cho cây chè? Các mô hình chăn nuôi cũng vậy, chúng ta mới chỉ đầu tư “vốn” mà chưa đầu tư “đủ” cho công tác thú y, phòng dịch. Công tác khuyến nông thì “nhờ” ngân sách, “chưa nhờ” được người nuôi trồng...
Xét ở các góc độ khác nhau cho thấy: Nền sản xuất hàng hóa của ta hiện còn thiếu “căn bản” các mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đấy là chưa kể công tác dự đoán, dự báo thị trường. Các nhà kinh doanh gọi đó là “chiến lược hay tầm nhìn” trong quá trình phát triển. Còn trong sản xuất thì đó chính là “chiến lược” phát triển sản xuất. Nền sản xuất không có kế hoạch, tất yếu sẽ không đi đến thành công. Sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản hiện nay đang đòi hỏi sự tập trung không chỉ phía nhà nước, hay doanh nghiệp mà nó đòi hỏi có sự thống nhất trong “cái bắt tay” của nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp. Trong đó: Phía Nhà nước là cơ chế, chính sách thúc đẩy. Phía nhà nông là sự gia tăng sản xuất. Nhà khoa học sẽ chuyển giao tiến bộ vào sản xuất để tạo ra năng suất cao, chất lượng tốt để nhà doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Ngoài ra còn cần, thậm chí rất cần những thông tin dự báo tốt về nhu cầu tiêu dùng của xã hội, của thế giới, để có hướng sản xuất phù hợp. Liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay là hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế toàn cầu hóa đang đòi hỏi được thực hiện nhanh để thúc đẩy sản xuất.
Ý kiến bạn đọc