Chè Lũng Phìn cần được bảo tồn
(HGĐT)- Chè Lũng Phìn (Đồng Văn) xưa nay được đánh giá là “đệ nhất trà” bởi hương vị độc đáo. Và độc đáo đến nỗi... quá ít, trước kia chỉ dành riêng cho các bậc quân vương mà thôi.
Chè Lũng Phìn phải... săn.
Đi “săn” chè Lũng Phìn mới đúng cái nghĩa của người yêu chè, sành uống chè. Anh chàng tên là Giàng, hiện làm Phó Chủ tịch HĐND xã Lũng Phìn, nói với tôi: Không thể mua được chè Lũng Phìn “chính hãng” nếu không đến tận nơi và đặt... tiền trước. Cậu nói thế nào chứ? Dọc phố Lũng Phìn ngay trước mặt UBND xã có mà... đầy. Giàng bĩu môi: Tôi đố anh mua được đấy, nếu chính là chè Lũng Phìn, tôi cho anh... thêm tiền. Vậy là đã rõ: ở cái phố Lũng Phìn nhỏ bé kia họ toàn bán chè Lũng Phìn “quay đầu”. Thế mới chết, mấy anh bạn tôi đi công tác cứ ghé Lũng Phìn mua chè về làm quà cho người thân, xem là “đặc sản” của Cao nguyên Đồng Văn. Tôi bảo Giàng: Anh là Phó Chủ tịch HĐND xã, ít ra cũng là đại diện cho đồng bào nơi có cây chè tuyệt vời nhất, anh không thể để người gian, kẻ tham bôi nhọ cái “danh bất hư truyền” của cây chè có một không có hai trên cao nguyên này được. Đặt thành vấn đề với các anh lãnh đạo xã Lũng Phìn, Giàng đưa tôi lên xóm Cán Pẩy Hở A + B, pha xong ấm trà, ông Sùng Chứ Tủa, 60 tuổi, trước là cán bộ xã nay đã nghỉ hưu, trăn trở: Thời buổi kinh tế thị trường, nói ra khó lắm. Chè Lũng Phìn thật gần như “nằm trọn” trong dòng họ nhà bác, dòng họ Sùng đó. Cả xã có 11 thôn thì chỉ 9 thôn xóm có cây chè sống. Trong 58,6 ha chè hiện có thì hơn 20 ha chè có độ đậm đặc về lượng cây nằm cả ở Cán Pẩy Hở A + B. Những người có vườn chè cổ thụ cao tuổi thì chỉ có 3 - 4 anh em, con cháu nhà tôi có. Còn trên 30ha gì đó theo thống kê của xã thì nằm rải rác qua 8 thôn còn lại. Hơn nữa, uống chè Lũng Phìn, tìm chè Lũng Phìn thì phải tìm chè cổ, mà chè cổ không đâu có ngoài 3 anh em nhà họ Sùng. Theo lời kể của ông Sùng Chứ Tủa thì cây chè Lũng Phìn được họ Sùng trồng ở đây có tới vài trăm năm tuổi. Trước kia chè của họ Sùng chỉ làm ra để biếu, tiến các bậc vua chúa, địa chủ chứ người dân quanh vùng đâu đến lượt. Chè Shan tuyết mọc ở Cán Pẩy Hở A + B, nằm ở độ cao chừng 1.800 m so với mực nước biển, trong 3 bề núi đá. Phía trước mặt hướng về phía mặt trời mọc, mây mù phủ quanh tứ mùa. Thời gian cây chè đón nắng trong ngày rất ít, chỉ về gần trưa, vì sương che. Buổi chiều lại khuất nắng rất sớm vì núi chắn. Cây chè phát triển rất chậm, bởi hút dưỡng chất trên nền đất lẫn đá màu đỏ. Riêng chất đất và đá màu đỏ của Cán Pẩy Hở A + B trên cao nguyên này không đâu có. Do vậy, chẳng biết trong cái chất đất lẫn đá đỏ kia có những gì nuôi cây chè và 3 bề núi bao quanh hứng chút gió đông bốn mùa có gì cho cây, nhưng chè Cán Pẩy Hở A + B có hương vị rất đặc trưng, rất riêng biệt, không lầm lẫn bất cứ chè nào. Điểm dễ phân biệt chè Lũng Phìn với các loại chè khác là: Chè chỉ có 2 mùa hái, chè xuân phải sau Tết Thanh minh, chè hè - thu vào tháng 5 - 6. Từ tháng 7 trở đi thời tiết vùng này đã trở lạnh, cây chè ít phát triển nên dân không hái. Vì nếu thu hái “quá đi” sẽ làm cây chè kiệt sức, khó có thể chống chọi với cái lạnh cao nguyên đá. Điều nhận biết khác nữa đó là chè Lũng Phìn cánh rất nhỏ, rất nhẹ, tôm chè bé, nước khi pha xanh vàng, hương quyện miệng chén, vị ngọt bùi làm cho người uống trà như được thấy: Hương cốm đầu mùa, một chút thoảng hoa nhài, vị ngọt ngậy rất dễ chịu kèm theo.
Ông Sùng Chứ Tủa hái chè tại Cán Pẩy Hở A
Pha trà Lũng Phìn, chắt ra chén để qua đêm, thậm chí vài ngày sau vẫn không có hiện tượng dính chén, đông kết nhựa chè, chất chè... “Còn điểm mấu chốt nữa dành cho anh (chỉ tôi), muốn mua chè Lũng Phìn thật thì phải... đặt tiền trước và nên nhớ, mỗi năm chè Lũng Phìn chỉ được 2 lần thu hái thôi”. Theo ông Tủa, chè có giá trị nhất là chè cổ sống càng lâu thì càng có lợi về sức khỏe cho người uống, đó là gia phả của họ Sùng truyền lại. Bởi thế mà các bậc quân vương xưa coi uống trà Lũng Phìn cũng là một cách để gìn giữ cho chiếc ngai vàng của họ được bền vững bởi một sức khỏe tốt, cộng với một tinh thần minh mẫn.
Dược chất quý của chè
Theo các công trình của Viện Nghiên cứu thực phẩm Việt Nam, trong cây chè, nhất là chè cổ ở Lũng Phìn, có chứa rất nhiều chất Camenlia Sinensít và các dẫn suất của nó. Các chất và các dẫn suất trên có khả năng chống ô xy hóa cao (giải trừ gốc tự do), có tác dụng bảo vệ gan, có tác dụng kháng khuẩn tốt với nhiều chủng vi khuẩn gram (-) và gram (+), có tác dụng chống viêm loét. Nghiên cứu trên tế bào ung thư nuôi cấy (in vi tro) cho thấy có tác dụng gây độc đối với các tế bào ung thư biểu mô người HFp - 2. Tế bào ung thư tủy ở chuột Sp - 2/0 và tế bào ung thư mô liên kết Sar co ma - 180, nhưng không hủy hoại tế bào Lympho máu ngoại vi người khỏe mạnh. Có tác dụng ức chế sự phát triển ung thư và di căn ung thư lên gan, phổi trên chuột. Từ đây mở ra cơ hội cho việc tìm thuốc trị căn bệnh này.
Như vậy có thể khẳng định, chè và chè Lũng Phìn hiện đang là một tài sản quý đối với đời sống của loài người. Đồng thời, nó còn có giá trị rất lớn về văn hóa, gắn với bản sắc, tinh hoa của cộng đồng dân cư, dòng họ. Đồng thời nó còn là báu vật rất đặc biệt trên Cao nguyên Đồng Văn.
Rất cần được bảo vệ
Bảo vệ chè Lũng Phìn được hiểu theo 2 nghĩa. Trong đó việc bảo tồn, nhân rộng vào những vùng có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp không chỉ bảo vệ nguồn gen quý mà còn có thể làm giàu, XĐGN cho cộng đồng. Thứ nữa là bảo vệ thương hiệu. Bởi thương hiệu là tài sản vật chất trong hội nhập và trong sản xuất hàng hóa. Ngay trước mắt, rất cần một chế tài, một quy ước tại địa phương - nơi có cây chè Lũng Phìn thứ thiệt - để ngăn chặn việc bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, làm giảm uy tín của sản phẩm, giảm lòng tin người tiêu dùng.
Ý kiến bạn đọc