Những mô hình kinh tế điển hình ở Bắc Quang

18:18, 16/04/2008

(HGĐT)- Trong những năm qua, lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện Bắc Quang đã có bước phát triển theo hướng quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị thu nhập, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn tham gia trao đổi, lưu thông trên thị trường trong, ngoài tỉnh.


 
 Gia đình anh Đỗ Văn Hiển ở thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) là một trong những hộ gia đình đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế hộ.

Hiện trên địa bàn huyện đã, đang xuất hiện nhiều mô hình trang trại vừa và nhỏ sản xuất hiệu quả, góp phần đáng kể trong tổng giá trị sản phẩm xã hội, làm cho cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực.

Từ mô hình kinh tế trang trại…


Trang trại kinh tế tổng hợp của anh Phạm Xuân Tình, thôn Việt Hà, xã Việt Hồng có tổng diện tích 32 ha, phát triển từ năm 2005 đến nay đã được 3 năm với tổng mức đầu tư trên 350 triệu đồng; bắt đầu cho kết quả tốt. Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, anh Tình vui mừng cho biết hiệu quả của việc trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế trên mảnh đất của mình. Những vườn Trám trắng, Vạng chứng, Ngọc am, Dó trầm, De, Sưa, Keo, Luồng Thanh Hóa, Lát Mê-hi-cô, Mây nếp, có diện tích bình quân mỗi loại từ 1 đến 2 ha và đã được trên 2 năm tuổi. Tất cả diện tích trồng rừng kinh tế đó đã làm cho khu trang trại được phủ một màu xanh mướt, góp phần tạo cho môi trường của thôn Việt Hà trong lành và đầy sức sống. Tính về giá trị mới thấy được lợi ích của việc trồng rừng kinh tế hiệu quả như thế nào, ví dụ như 1 cây Vạng chứng (gỗ nhóm 8) 5 năm tuổi sẽ được khoảng 2 khối gỗ với giá trị tương đương 5 triệu đồng, 1 ha tiêu chuẩn trồng khoảng 400 cây, như vậy 1 ha trồng trong 5 năm sẽ cho thu hoạch rất lớn. Theo anh Tình cho biết, gia đình sẽ đầu tư trang trại theo hướng lâu dài và xác định đưa các loại cây gỗ qúy vào trồng vừa để thử nghiệm, nếu thành công sẽ bảo tồn được nguồn gen qúy và đặc biệt là làm cho nhân dân sống quanh vùng nhận thức được hiệu quả việc trồng rừng kinh tế. Bên cạnh khu trang trại, gia đình anh Tình còn tận dụng 2 ha diện tích mặt nước làm ao thả cá với khoảng 3 tấn giống các loại như Trắm, Chép, Trôi, Mè... thả nuôi từ năm 2006. Theo ước tính của anh Tình cũng như của Phòng Kinh tế huyện, ao cá hiện tại nếu cho thu hoạch được khoảng 12 tấn cá các loại, con to nhất khoảng 10 kg đối với cá Trắm và từ 4 đến 5 kg đối với cá Mè. Hiện nay giá trị của trang trại đã lên đến gần 2 tỷ đồng và điều quan trọng hơn là trang trại kinh tế tổng hợp của anh Tình đã tạo điều kiện cho các hộ dân thôn Việt Hà có việc làm và có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ việc làm thuê cho trang trại. Bình quân mỗi lao động làm tại trang trại được tính theo công nhật là 50.000 đồng/ngày, hiện nay đang có khoảng 13 hộ gắn bó là lao động thường xuyên của trang trại. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tất cả các hộ trên từ khi làm thuê tại trang trại đã cải thiện được đáng kể cuộc sống sinh hoạt của gia đình mình, thậm chí có những hộ còn mua được xe máy và nhiều vật dụng trong gia đình...


…đến mô hình kinh tế hộ:


Đến với xã Vĩnh Phúc, địa phương điển hình của huyện trong phát triển kinh tế hộ mới thấy được hết phong trào phát triển kinh tế ở đây đang trên đà phát triển. Trong năm qua, đã có gần chục đoàn của các xã, các huyện trong tỉnh đến tham quan học tập các mô hình phát triển kinh tế của xã. Theo thống kê, toàn xã có diện tích đất nông nghiệp 1.394,67 ha, đất lâm nghiệp 2.225,22 ha, đất thổ cư 59,08 ha, đất khác 139,23 ha. Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 7,5 triệu đồng/năm, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 24 triệu đồng/ha, sản lượng lương thực 4.925 tấn, lương thực bình quân đầu người 668 kg/ năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,5%... Để chứng minh những kết quả nêu trên, anh Đỗ Minh Châu - cán bộ xã, nhiệt tình dẫn chúng tôi xuống tận cơ sở để xem người dân phát triển kinh tế hộ. Gia đình anh Đỗ Văn Hiển ở thôn Vĩnh Ban có trên 30 con lợn thịt sắp xuất chuồng và năm nay là năm thứ 2 gia đình anh phát triển kinh tế bằng việc chăn nuôi lợn thịt; năm 2007 gia đình anh đã nuôi và xuất chuồng gần 100 con lợn với trọng lượng mỗi con đạt trên 70 kg, trừ hết chi phí trong năm đó gia đình anh đã có lãi 70 triệu đồng. Ngoài việc nuôi lợn, gia đình anh còn đầu tư trên 5 triệu đồng xây dựng hầm Bioga với diện tích khoảng 20 khối để tận dụng phân lợn làm ga phục vụ sinh hoạt, từ nấu nướng đến sử dụng làm điện thắp sáng trong gia đình. Hệ thống hầm Bioga đã giúp gia đình anh tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể vì không phải mua ga và chi phí tiền điện thắp sáng, đồng thời vừa vệ sinh được môi trường. Cũng như anh Hiển, gia đình anh Vũ Ngọc Thủy nuôi lợn thịt, làm hầm Bioga và nuôi nhím sinh sản (bình quân mỗi năm được 2 lứa, có những đôi nhím giống lên đến hàng triệu đồng); tổng thu nhập của gia đình anh Thủy trong năm 2007 là trên 100 triệu đồng. Hiện tại, thôn Vĩnh Ban có 117 hộ thì có đến 40% số hộ phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế gia đình và đã trở thành phong trào trong thôn. Riêng ở thôn Vĩnh Xuân, các gia đình chỉ chuyên nghề chăn nuôi lợn và nấu rượu. Có những hộ cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng, như gia đình các anh: Mai Đình Phổ, Nguyễn Văn Giang... Không chỉ phát triển kinh tế gia đình thông qua mô hình chăn nuôi mà còn có nhiều mô hình trồng trọt có hiệu quả, điển hình là việc chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng lạc. Gia đình chị Đỗ Thị Ngọ, thôn Vĩnh Ban, có 5 sào trồng lạc, mỗi vụ lạc 1 sào cho thu hoạch trên 1,5 tạ, thời điểm được giá trung bình 850.000 đồng/tạ. Theo chị Ngọ trồng lạc có lãi hơn trồng lúa, tuy mất nhiều công hơn nhưng chi phí ít hơn trồng lúa, hiện hầu hết các gia đình đều chuyển đổi 60% diện tích trồng lúa sang trồng lạc, hoặc cứ trồng 1 vụ lúa, 1 vụ lạc và ngược lại.

Vào thời điểm này, nếu ai đến xã Vĩnh Phúc đều có thể thấy được những diện tích lạc phát triển rất tốt, đặc biệt hơn bình quân mỗi ngày có khoảng 2 xe ô-tô trở lợn thịt từ xã ra thị trường để tiêu thụ. Trên khuôn mặt mỗi người dân xã Vĩnh Phúc đều thể hiện sự vui mừng, phấn khởi vì Đảng ủy, chính quyền xã đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển kinh tế, với mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững.


Ngọc Quỳnh

Cùng chuyên mục

Phát triển kinh tế hộ ở xã Tân Trịnh
(HGĐT)- Xã Tân Trịnh (Quang Bình) có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế hộ gia đình, bởi khí hậu ôn hoà, đất đai, diện tích rừng khá lớn, nước sản xuất thuận lợi hơn so với các vùng khác; xã có hệ thống đường giao thông liên thôn bản khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện tốt cho người dân tiếp cận với nền kinh tế thị trường, tìm ra những định hướng cho phát triển kinh tế hộ.
31/03/2008
Mô hình nuôi bò sinh sản ở Cháng Lộ
(HGĐT)- Những ngày đầu năm 2008, chúng tôi đã có dịp đến thăm một số mô hình của Dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn (DPPR) đang triển khai và bước đầu cho kết quả tốt tại thôn Cháng Lộ, xã Sủng Cháng (Yên Minh).
28/03/2008
Thủy điện Thái An luôn đảm bảo tiến độ thi công
(HGĐT)- Dự án Thủy điện Thái An được thực hiện trên sông Miện, thuộc địa bàn xã Thái An (Quản Bạ). Từ khi chính thức khởi công đến nay (8.2007), công trình luôn đảm bảo thực hiện đúng tiến độ thi công theo kế hoạch đề ra.
28/03/2008
Hoàng Su Phì, Xín Mần tập trung cao độ chăm sóc lúa, rau màu vụ xuân
(HGĐT)- Đến nay, Hoàng Su Phì đã cơ bản cấy hoàn thành diện tích lúa xuân theo kế hoạch đề ra là 320 ha. Cơ cấu giống vụ xuân chủ yếu là D ưu 725; lúa thuần HT1 và DT122.
26/03/2008