Những biến động giá cả trên thị trường
(HGĐT)- Sau một thời gian tăng giá mạnh, trên thị trường tỉnh ta, một số mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) đã có chiều hướng “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, chỉ số giá của nhóm hàng lương thực lại ở mức 107,99%, tăng 7,99%; thực phẩm 106,55%, tăng 6,55% so với tháng 3.
Điều bất thường là ở nhóm hàng lương thực, giá thóc, gạo thời gian gần đây có sự biến động mạnh trong khi nguồn cung và dự trữ trên địa bàn tỉnh lại dồi dào. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng phải có biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường, tránh để xảy ra tình trạng “tát nước theo mưa”.
Mập mờ giá gạo:
Mấy ngày gần đây, thông tin về những biến động trên thị trường gạo ở các tỉnh miền xuôi, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh đã có tác động trực tiếp đến thị trường gạo trên địa bàn tỉnh. Qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn thị xã cho thấy, tuy chưa phát hiện việc đầu cơ, tích trữ, găm hàng đẩy giá lên cao nhưng giá gạo từ ngày 26.4 đã tăng bình quân khoảng 2 nghìn đồng/kg. Nếu như tại thời điểm ngày 23.4, giá gạo tẻ thường giao động từ 8.800-9.000 đồng/kg, gạo tẻ Bao thai địa phương loại ngon từ 10 –11 nghìn đồng/kg, gạo Nàng Hương từ 11.500-12.500 đồng/kg thì ở thời điểm hiện tại các loại này đều tăng giá. Chẳng hạn như giá gạo tẻ thường cũng có giá trên 10 nghìn đồng/kg. Khảo sát tại các cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn thị xã cho thấy, giá bán cùng chủng loại gạo nhưng lại có sự chênh lệch từ 2-3 nghìn đồng/kg… Cửa hàng kinh doanh lương thực của chị Nguyễn Thị Mận, tổ 15, phường Minh Khai (thị xã Hà Giang), là một trong những cơ sở cung cấp gạo lớn, chuyên bán buôn, bán lẻ cho các cơ sở kinh doanh nhỏ trên địa bàn thị xã, nguồn gạo được cửa hàng nhập chủ yếu từ Hải Dương, Bắc Ninh. Theo chị Mận thì lô hàng mới nhập về gần đây gạo bỗng tăng bình quân từ 2-3 giá. Điều này được giải thích do chi phí vận chuyển lớn nên các đầu mối tính luôn vào giá thành sản phẩm. Chị Mận cam kết cơ sở chị bán gạo đúng theo giá nhập chứ không hề có sự tăng giá! Chẳng hạn như gạo Nàng Thơm CK được bán giá 12 nghìn đồng/kg; gạo con gà (vỏ bao có vẽ hình con gà - PV) giá 275 nghìn đồng/bao 10 kg; gạo có nguồn gốc từ Đài loan 250 nghìn đồng/bao 10 kg. Qua kiểm tra các bao gạo ở đây, chúng tôi thấy cùng loại gạo Nàng Thơm CK do cửa hàng chị bán, có bao lại được ghi 14 nghìn đồng/kg. Thắc mắc về điều này, chị Mận cho biết do có sự khác nhau về thời điểm nhập gạo nên có lô nhập giá thấp thì bán theo giá thấp và lô gần đây nhập giá cao thì bán theo giá cao...!
Tại cơ sở kinh doanh hàng lương thực Hương Lan, phường Minh Khai, gạo Tám thơm được bán với giá 14 nghìn đồng/kg, so với các điểm bán lẻ thấy có sự chênh lệch từ 1-2 nghìn đồng/kg. Qua khảo sát một vài điểm bán lẻ tại chợ trung tâm thị xã thì gạo Tám thơm được “hét” với giá 15 nghìn đồng/kg; Nàng thơm CK cũng có giá 15 nghìn đồng/kg. ở một cơ sở khác, lúc đầu người bán cũng “hét” với giá 15 nghìn đồng/kg đối với 2 loại gạo trên nhưng khi biết chúng tôi tìm hiểu thực giá gạo, người bán hàng cho biết giá gạo Tám thơm chỉ giao động từ 12-14 nghìn đồng/kg, tuỳ theo chất lượng.
Không chỉ mặt hàng gạo nhập từ các tỉnh dưới xuôi tăng giá, ngay cả mặt hàng nông sản do các cơ sở trong tỉnh cung ứng như gạo Khẩu Mang, Già Dui giá chào bán cũng ở mức 20 nghìn đồng/kg. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay người tiêu dùng thị xã phải mua gạo với giá cao hơn rất nhiều so với các tỉnh dưới xuôi. Hiện tại, mỗi tháng thị trường thị xã tiêu thụ vài tấn gạo, phần lớn nguồn gạo được vận chuyển từ các tỉnh dưới xuôi. Vì vậy, khi đầu cung ứng tăng thì các đại lý bán gạo trên địa bàn tỉnh cũng tăng theo. Hiện nay, giá gạo ở các tỉnh miền xuôi giao động từ 8-14 nghìn đồng/kg, tuỳ loại gạo, còn thị trường thị xã, mức thấp nhất hiện nay cũng 10 nghìn đồng/kg. Đành rằng do khoảng cách từ nơi cung ứng đến nơi tiêu thụ lớn, giá vận chuyển cao nên giá gạo cũng cao hơn, nhưng cao hơn từ 4-5 nghìn đồng/kg là điều bất bình thường. Thực tế của việc tăng giá trên thị trường gạo tỉnh ta mấy ngày gần đây có biểu hiện “tát nước theo mưa”. Lý do các cơ sở đưa kinh doanh gạo đưa ra do đầu cung ứng tăng xem ra không có sức thuyết phục. Bởi lẽ, ngay khi thông tin gạo dưới xuôi tăng mạnh thì thị trường thị xã đã có sự điều chỉnh. Mặt khác, ngay thời điểm xăng dầu tăng giá, các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm cũng tăng theo và từ đó đến nay chưa thấy “hạ nhiệt”. Và hiện nay giá xăng dầu vẫn ổn định, nguồn cung lương thực đảm bảo thì không có lý gì bỗng nhiên giá gạo tăng.
Giá vật liệu xây dựng có nhiều biến động:
Hiện tại, chỉ số chung của mặt hàng VLXD trên thị trường là 102,34%, tăng 2,34% so với tháng 3. Giá các mặt hàng VLXD dựng vẫn biến động với mức 70 -100 nghìn đồng/m3 cát đen, khoảng 80 nghìn đồng/m3 đá hộc, 155 nghìn đồng/m3 đá dăm. Xi măng PCB 30 Hà Giang có giá bán 950 nghìn đồng/tấn, tăng 100 nghìn đồng/tấn. Trong nhóm hàng VLXD, chỉ duy nhất mặt hàng thép có sự giảm nhẹ, chẳng hạn như sắt tròn phi 6,8 Tisco Thái Nguyên có giá bán 18.600 đồng/kg, giảm 500 đồng so với tháng 3. Nhìn vào biến động thị trường cho thấy mặt hàng VLXD vẫn tăng nhưng không ồ ạt và mạnh như trước. Nhiều mặt hàng giữ giá và có xu hướng giảm. Tuy giá VLXD không thể trở về thời điểm tháng 1 nhưng giữ được ở mức như hiện nay chứng tỏ các biện pháp bình ổn thị trường đã phát huy hiệu quả. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh cam kết chưa tăng giá các mặt hàng nhằm chung tay thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát với Nhà nước.
Thực tế giá cả các mặt hàng có sự biến động “nóng” do lạm phát tăng cao. Lạm phát đã tác động đến tất cả mọi người, các thành phần kinh tế. Nhằm kiềm chế lạm phát, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách và giao cho các ngành chức năng đảm bảo cung cấp đầy đủ những mặt hàng quan trọng, đặc biệt là xăng, dầu, sắt thép, xi măng, vật tư nông nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thuốc chữa bệnh, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá cả, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông không thuận lợi; các công ty cổ phần lương thực, thương nghiệp thực hiện đảm bảo các mặt hàng thiết yếu gồm gạo, dầu, muối để ổn định giá cả thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh ta đang quyết tâm thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để có nguồn thực hiện chính sách xã hội. Thực hiện các biện pháp này, nhiều cơ quan, đơn vị đã điều chỉnh lại các hoạt động, tiết kiệm điện, nước, xăng dầu và tự cân đối nguồn tài chính để hoạt động ổn định. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển. Trong tuần tới, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết đối với các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng đẩy giá lên cao. Trên cơ sở kết quả kiểm tra sẽ có các biện pháp để bình ổn thị trường.
Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, tình hình thị trường không có biến động theo chiều hướng xấu. Nhiều mặt hàng sau thời gian tăng giá đã dần trở lại giá trị thực tế của nó. Theo các cán bộ quản lý thị trường, sau mấy ngày biến động, thị trường gạo cũng bắt đầu giảm giá. Tuy nhiên việc niêm yết giá bán gạo hiện rất mập mờ, vì vậy nhiều người tiêu dùng vẫn phải mua gạo với giá cao, đặc biệt tại các cơ sở bán lẻ. Vì vậy, các ngành chức năng cần kiểm tra chặt chẽ để thị trường nói chung và thị trường gạo nói riêng trở về với giá trị đích thực của nó.
Ý kiến bạn đọc