Khai thác khoáng sản gắn bảo vệ môi trường
(HGĐT)- Khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường là 2 lĩnh vực luôn đối đầu nhau vì khi đã khai thác thì không thể tránh khỏi hủy hoại môi trường. Vì vậy, việc giảm tối đa tác động xấu đến môi trường khi khai thác khoáng sản là vấn đề quan tâm của tỉnh, của cơ quan quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản và các đơn vị khai thác khoáng sản.
Mỏ quặng Ăng-ti-mon Mậu Duệ (Yên Minh). |
Hà Giang được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về khoáng sản. Tháng 11.2005, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã thống kê và bàn giao cho tỉnh quản lý, khai thác 146 điểm mỏ, với 28 loại khoáng sản khác nhau. Tuy có tiềm năng lớn như vậy nhưng việc khai thác, chế biến khoáng sản ở tỉnh ta mới chỉ bước vào giai đoạn đầu, chưa có công nghệ khai thác quy mô, tiên tiến. Trong số 28 loại khoáng sản ở tỉnh ta thì quặng Sắt, ăng-ti-mon, Chì - kẽm và Măng - gan là những loại khoáng sản chính, có trữ lượng và hàm lượng cao. Hiện nay, các đơn vị được cấp phép khai thác đã tiến hành khai thác một số mỏ như: Mỏ Sắt thuộc quy hoạch của T.Ư tại tỉnh là mỏ Sàng Thần, Minh Sơn (Bắc Mê) có trữ lượng 39,4 triệu tấn; mỏ SắtTùng Bá (Vị Xuyên) có trữ lượng 23,3 triệu tấn, ngoài ra có mỏ thuộc quy hoạch của tỉnh làNam Lương, Thái An (Quản Bạ) và mỏ Lũng Khỏe, Thuận Hòa (Vị Xuyên) được đánh giá từ cấp C2 trở lên (thể hiện mức độ tin cậy cả về chất lượng và trữ lượng). Mỏ ăng-ti-mon Mậu Duệ (Yên Minh) là một trong những mỏ được khai thác đã lâu, có 3 thân quặng, trong năm 2007, đơn vị khai thác và chế biến đã thực hiện khai thác hơn 800 tấn quặng kim loại, doanh thu 60 tỷ đồng, đây là mỏ được đánh giá đứng đầu trong cả nước về số lượng và chất lượng. Mỏ Chì-kẽm Ao Xanh (Quang Bình); mỏ Chì-kẽm Na Sơn; mỏ Măng-gan Nậm Nhùng, Ngọc Linh (Vị Xuyên) và một số mỏ khoáng sản khác cũng đang được tổ chức khai thác. Có thể nói, việc khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, góp phần XĐGN, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân vùng có mỏ đang được khai thác.
Lợi ích về kinh tế trong khai thác khoáng sản đã được khẳng định. Khai thác khoáng sản luôn có tác động đến môi trường, để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đó, các tổ chức, cá nhân xin khai thác khoáng sản phải được Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn theo quy định, phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tất cả các điểm mỏ quy mô, có công suất lớn phải xây dựng báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản nhằm làm giảm thiểu, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Tỉnh đã thành lập Hội đồng thẩm định về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. Qua thẩm định, Hội đồng đã đình chỉ khai thác 6 tháng đối với mỏ Măng-gan Nậm Nhùng, Ngọc Linh (Vị Xuyên) vì trong quá trình khai thác đã đẩy chất thải xuống ruộng của nhân dân gây ô nhiễm; đình chỉ khai thác 3 tháng đối với mỏ Chì-kẽm Tà Pan, Minh Sơn (Bắc Mê) vì không đảm bảo các công trình giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tác động môi trường là công nghệ khai thác. Nếu công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại, được các đơn vị khai thác chú trọng đầu tư thì việc bảo vệ môi trường nơi khai thác sẽ được nâng cao hơn. Phía cơ quan quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản cần bám sát, tăng cường kiểm tra trên thực địa phối hợp với đơn vị khai thác tìm và đưa ra những giải pháp bảo vệ môi trường trong từng trường hợp cụ thể.
Theo ông Trần Văn Soát, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên khoáng sản - Nước, Sở Tài Nguyên - Môi trường: Để theo dõi được mức độ ảnh hưởng của khai thác khoáng sản đến môi trường phải thông qua quan trắc môi trường. Theo quy định từ 3 - 6 tháng phải quan trắc lấy mẫu nước, không khí, đất tại nơi khai thác khoáng sản một lần, tuy nhiên công việc này tại tỉnh ta không được thực hiện thường xuyên do đó mức độ ảnh hưởng của việc khai thác ảnh hưởng đến môi trường chưa được đánh giá một cách chính xác. Hiện nay, 21 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản ở tỉnh ta hầu hết đều thực hiện nghiêm ngặt công tác bảo vệ môi trường, một số đơn vị gây ô nhiễm môi trường đã được cơ quan chức năng xử lý theo Luật Tài nguyên khoáng sản.
Khai thác khoáng sản là nguồn kinh tế rất lớn, tuy nhiên, môi trường sống là vô cùng quan trọng. Để đạt được mục đích cả về kinh tế và bảo vệ môi trường, ngoài việc thực hiện theo pháp luật, cụ thể là Luật Tài nguyên môi trường thì các nhà đầu tư, các đơn vị khai thác cần phải chú trọng đầu tư vào công nghệ khai thác để bảo vệ môi trường và khai thác khoáng sản bền vững.
Ý kiến bạn đọc