Hiệu quả kinh tế trang trại ở Quang Bình

16:47, 23/04/2008

(HGĐT)- Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, nhiều mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh ta nói chung, huyện Quang Bình nói riêng đã và đang phát huy được hiệu quả, nhiều hộ gia đình từ chỗ chỉ biết sản xuất theo phong tục tập quán địa phương, nay đã biết kết hợp làm kinh tế theo mô hình VAC - KTTT (kinh tế trang trại) đạt hiệu quả.


Khẳng định những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế trang trại của huyện những năm qua, đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện, phấn khởi cho biết: Là một huyện vùng thấp núi đất phía tây nam của tỉnh, Quang Bình có tổng diện tích tự nhiên là 79.298 ha, trong đó đất nông nghiệp là 11.304 ha, đất lâm nghiệp có 47.854 ha. Nền kinh tế nông - lâm nghiệp chiếm 60% trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế. Toàn huyện có15 xã, 129 thôn bản, với tổng số 54.311 nhân khẩu của 12 dân tộc anh em chung sống. Sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Đến nay, toàn huyện có tổng số 475 hộ làm kinh tế VAC - KTTT, trong đó đạt cấp tỉnh 5 hộ, cấp huyện 170 hộ và cấp xã 300 hộ; 30 hộ làm kinh tế VAC - KTTT giỏi, trong đó chủ yếu là mô hình VAC. Nhìn chung, các hộ đã biết phát huy thế mạnh đất đai, lợi thế cây, con của vùng như cây cam, chè, chăn nuôi đại gia súc trâu, bò, kết hợp trồng cây lương thực để tự túc và làm thức ăn gia súc, vừa trồng cây lâu năm, cây ăn quả (cam, quýt, chè), trồng rừng, nhiều hộ đầu tư cho phát triển kinh tế VAC đã biết kết hợp trồng cây ngắn ngày để đầu tư cho cây sản phẩm dài ngày. Chính nhờ việc xen canh các loại cây cho sản phẩm rải vụ đã giải quyết một phần kinh phí đầu tư cho kinh tế trang trại. Các sản phẩm sản xuất ra một phần đã trở thành hàng hóa. Quy mô sản xuất của các hộ ngày càng mở rộng, diện tích canh tác của một hộ trung bình từ 2 - 5 ha, nhiều hộ có quy mô trên 5 ha. Nhiều hộ thu nhập ít nhất từ 20 - 30 triệu đồng/năm, có hộ 60 - 90 triệu đồng/năm. Nhờ có thu nhập từ kinh tế VAC - KTTT, cuộc sống của nhân dân được nâng lên, số hộ có nhà khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền trong gia đình như xe máy, giường, tủ... ngày càng nhiều. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội cũng thấy rõ như giải quyết được việc làm cho các lao động trong gia đình, phủ xanh đất trống đồi trọc, cải tạo đất, nâng độ che phủ.


Để đạt được những kết quả đó ngoài yếu tố nội lực của hộ còn có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Năm 2005 trở lại đây, nhiều hộ đã biết phát triển kinh tế trang trại như gia đình ông Hoàng Thế Dương, ở thôn Chàng Sát, xã Yên Hà, có trang trại 5,6 ha, diện tích rừng khoanh nuôi 1,2 ha, 0,8 ha ao cá, 1,5 ha cây ăn quả, 0,6 ha ruộng và cây lương thực ngắn ngày kết hợp với chăn nuôi lợn, trâu, gia cầm, giá trị hàng hóa đạt 80% giá trị tổng nông - lâm sản phẩm. Hàng năm tổng sản lượng cam bán ra là 10 tấn, bằng 40 triệu đồng, sản lượng cá bán ra 0,5 tấn, bằng 8 triệu đồng, trừ chi phí, hàng năm trang trại đem laị thu nhập trên 65 triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Đắc Hà, thôn Lủ Thượng, xã Tân Bắc, trang trại có 2,5 ha cam, 1 ha chè, chăn nuôi lợn, trâu, thu nhập từ cam là 50 triệu đồng, chè 10 triệu đồng, chăn nuôi 20 triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Đình Trụ, thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh, mô hình trang trại cam, vải, đậu tương, lạc, chăn nuôi. Diện tích cam 2 ha, sản lượng thu được 14 tấn, trị giá 47 triệu đồng, 2 ha ao cá hàng năm thu được 18 triệu đồng, chăn nuôi gia cầm giá trị thu được 12 triệu đồng. Ngoài ra còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như đậu tương, lạc, ngô, hàng năm cũng đem lại thu nhập trên 8 triệu đồng. Hộ gia đình bà Hoàng Thị Huynh, thôn Xuân Tịnh, xã Xuân Giang, mô hình vườn - rừng - chăn nuôi - trồng cam tổng diện tích 2 ha, thu nhập 45 triệu đồng/năm, rừng 1,5 ha, chăn nuôi lợn, gà cho thu nhập trên 10 triệu đồng... Từ những kết quả phát triển kinh tế VAC - KTTT trên đã giải quyết cho 3.288 lao động có thu nhập từ 400.000 đ đến 500.000 đồng/tháng, trong đó lao động có việc làm thường xuyên là 1.065 lao động, số lao động có việc làm theo thời vụ là 2.163 lao động. Đó là những thành quả kinh tế VAC - KTTT đã đem lại lợi ích thiết thực cho số lao động nhàn rỗi ở nông thôn.


Để tiếp tục phát triển kinh tế VAC - KTTT, huyện đã có nhiều cuộc họp bàn biện pháp toàn diện, đó là tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế VAC - KTTT, tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất, tính cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, xác định cơ cấu cây trồng thích hợp và bố trí tập trung chuyên môn hóa hợp lý. Kết hợp trồng cây dài ngày với một số cây ngắn ngày và tận dụng đất trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông - lâm sản hàng hóa. Tổ chức tốt các khâu dịch vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm theo phương châm tìm kiếm, mở rộng và ổn định thị trường. Đẩy mạnh công tác khuyến nông và khuyến lâm, dịch vụ đầu vào và đầu ra cho nông dân. Đẩy mạnh hoạt động của các hội, nhất là các hội làm vườn, là trung tâm phổ biến và chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật tới hộ nông dân. Nâng cao trình độ KHKT và kiến thức cho người lao động. Thường xuyên tuyên truyền phổ biến cách làm hay, gương làm kinh tế VAC - KTTT điển hình, tổ chức tham quan học tập, trao đổi với những người lao động giỏi để nâng cao trình độ lao động đồng đều giữa các hộ nông dân. Tạo vốn bằng cách kết hợp huy động vốntự có trong nhân dân và vốn tín dụng ngắn hạn, dài hạn của ngân hàng...


Hiến Chương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chăm sóc lúa chiêm xuân ở xã Quang Minh
(HGĐT)- Vụ chiêm xuân năm nay xã Quang Minh( Bắc Quang) phải chịu tác động lớn do đợt rét đậm, rét hại gây ra, trên 80% diện tích lúa xuân của xãphải gieo cấy lại.
21/04/2008
Tăng cường các biện pháp đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ
(HGĐT)- Hàng năm vào mùa mưa, tình trạng lở núi, sạt đường dẫn đến ách tắc giao thông các tuyến đường trên địa bàn là khó tránh khỏi đối với huyện vùng cao núi đất huyện Hoàng Su Phì.
21/04/2008
Đẩy mạnh các hoạt động cho vay vốn
(HGĐT)- Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của các tổ chức hội, đoàn thể và của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Công tác chỉ đạo, điều hành của Ban lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, thị thời gian qua rất kịp thời, có tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thống nhất cao.
21/04/2008
Khai thác khoáng sản gắn bảo vệ môi trường
(HGĐT)- Khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường là 2 lĩnh vực luôn đối đầu nhau vì khi đã khai thác thì không thể tránh khỏi hủy hoại môi trường. Vì vậy, việc giảm tối đa tác động xấu đến môi trường khi khai thác khoáng sản là vấn đề quan tâm của tỉnh, của cơ quan quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản và các đơn vị khai thác khoáng sản.
18/04/2008