Giá gạo tăng là do tin đồn thất thiệt và đầu cơ trục lợi

08:13, 28/04/2008

Ngày 27-4, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 612/CÐ-TTg gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng...


Công điện nêu rõ:

Gần đây, do tình hình khan hiếm lương thực ở một số nước trên thế giới, một số kẻ xấu đã tung tin thất thiệt về khả năng mất cân đối lương thực trong nước ta để tiến hành thu gom lúa, gạo nhằm mục đích đầu cơ  trục lợi;  lợi  dụng  chênh  lệch  giá  gạo trong và ngoài nước để buôn lậu qua biên giới.

Thực tế, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa vụ đông-xuân 2007 - 2008 tăng so với năm 2006 - 2007; lượng gạo tồn kho trong dân và ở doanh nghiệp từ sau vụ đông-xuân năm 2008  đạt trên 1,3 triệu tấn.

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục mua tăng lượng gạo dự trữ quốc gia. Như vậy, sản lượng lương thực của nước ta năm 2008 hoàn toàn có khả năng bảo đảm đủ cho tiêu dùng trong nước và dành một phần cho xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các công ty kinh doanh lương thực tiếp tục mua lúa, gạo theo kế hoạch và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiêu dùng và xuất khẩu, cung ứng gạo ổn định cho các khu vực trong nước, không để xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ.

Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều hành việc xuất khẩu gạo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 481/TTg-KTTH ngày 31-3-2008, không để xảy ra tình trạng mất cân đối lương thực trong nước và để bảo đảm lợi ích của nông dân. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh lương thực mua vét đầu cơ lúa, gạo; các trường hợp vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp đầu cơ tăng giá gạo gây bất ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu lậu lúa, gạo.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin chính xác, tránh việc bình luận thiếu chính xác và đưa ra các dự báo thiếu cơ sở đối với tình hình cân đối lương thực và giá lúa, gạo, gây tác động không tốt đến tâm lý người dân và mất ổn định thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương bảo đảm cung cấp đủ giống, vật tư nông nghiệp, chuẩn bị tốt các điều kiện cho phòng, chống dịch bệnh và sản xuất vụ hè-thu, vụ mùa thắng lợi.

Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan chủ động nắm tình hình và điều hành theo chức năng được giao; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

* Thực hiện Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Quảng Ngãi... khẩn trương chỉ đạo các huyện, thị xã, các ngành có liên quan, nhất là ngành công thương, quản lý thị trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống các cơ sở kinh doanh, mua bán đầu cơ tạo cơn sốt thiếu gạo ảo nhằm trục lợi; đặc biệt là giám sát chặt chẽ các cơ sở vựa gạo đầu mối, thương lái, nhà máy xay xát gạo "găm hàng" làm mất cân bằng cục bộ nguồn lương thực lúa, gạo.

Ðồng thời, các địa phương đã khuyến cáo người dân nắm thông tin chính xác, tránh bị kích động, đổ xô mua gạo dự trữ... tạo "cơ hội" để các cơ sở kinh doanh tăng giá gạo kiếm lời.

* Sở Thương mại TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp với các ban, ngành, Công ty Lương thực miền Nam, Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH chuyên kinh doanh gạo Vinh Phát... bàn giải pháp cấp bách để ổn định thị trường gạo.

Các công ty lương thực đã cam kết rót ngay 2.000 tấn gạo bổ sung lượng gạo dự trữ cho hệ thống các siêu thị để bán cho người dân theo đúng giá niêm yết 11.000 đồng/kg gạo thơm thường, trong đó 500 tấn gạo đầu tiên đã được lệnh xuất kho cho Sài Gòn Co-op. UBND các quận, huyện cũng chỉ đạo Phòng Quản lý thị trường các quận, huyện kết hợp với Phòng Kinh tế và Ban Quản lý các chợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu các hộ kinh doanh phải niêm yết giá bán công khai và cam kết không được tự ý tăng giá bán gạo. Nhờ vậy, thị trường gạo tại thành phố Hồ Chí Minh đang dần ổn định trở lại.

Chiều 27-4, tại chợ đầu mối gạo Trần Chánh Chiếu, lượng gạo dự trữ đầy trong các kho, giá bán gạo thơm tài nguyên đã giảm xuống còn 17.000 đồng/kg, người mua cũng chỉ còn thưa thớt, không còn chen chúc như trước đó.

Người dân các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Quảng Ngãi.... không còn đổ xô đi mua gạo dự trữ.

Sự vào cuộc quyết liệt của UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nói trên bước đầu bình ổn giá gạo, khẳng định tin đồn khan hiếm gạo là thất thiệt.

* Giá các loại gạo trên thị trường Hà Nội đã tăng trung bình từ ba đến năm nghìn đồng/kg. Gạo Bắc Hương đầu tuần giá là 11 nghìn đồng/kg, đến ngày 24-4 tăng lên đến 13 nghìn đồng/kg. Ðến sáng 27-4 đã là 15 nghìn đồng/kg. Gạo tám Thái-lan đã tăng đến 17 nghìn đồng/kg. Giá gạo tẻ loại bình dân nhất mọi khi chỉ khoảng tám nghìn đồng/kg, nay đã lên đến 11 nghìn đồng/kg.

Nhiều hộ kinh doanh cho biết: Giá gạo sẽ tiếp tục tăng nữa, khiến người tiêu dùng càng hoang mang, lo lắng. Nhiều gia đình mặc dù vẫn còn gạo ăn nhưng vẫn tranh thủ mua vài chục kg nữa để phòng khi lên giá. 

Trong khi đó giá gạo bán tại các siêu thị trên địa bàn vẫn giữ ổn định trong suốt một tuần qua. Chính vì vậy mà không ít người tiêu dùng, kể cả những hộ kinh doanh gạo cũng tìm đến các siêu thị để mua hàng. 19 giờ tối 27-4, dãy hàng bán gạo trong siêu thị Intimex Bờ Hồ (22 Lê Thái Tổ) trống trơn. Tất cả các loại gạo tẻ đã bán hết sạch.

* Sáng ngày 27-4, các điểm bán lẻ gạo tại thành phố Cần Thơ đồng loạt đột ngột tăng cao giá bán gạo, có loại tăng 100% giá,  cụ thể loại gạo thường tăng từ 12.000 đồng lên 18.000 đồng, gạo Tài nguyên từ 7.000 đồng lên 14.000 đồng, gạo Ðài Loan từ 14.000 đồng lên 21.000 đồng.

Chiều ngày 27-4, các đại lý bán lẻ gạo tuyên bố hết gạo bán, các đại lý bán gạo sỉ thì tăng giá gấp đôi, lý do họ đưa ra là vì các nhà máy, cơ sở chế biến gạo ngưng xay xát, chà gạo. Giá gạo tăng cao một cách đột biến gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đối với cán bộ, công chức, người lao động chân tay, nhất là công nhân khu công nghiệp, thợ hồ.

15 giờ 30 phút ngày 27-4, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cùng Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ban Quản lý chợ trực tiếp đến các điểm bán gạo khảo sát, nắm bắt tình hình gạo tăng đột biến, yêu cầu người bán gạo không ghim hàng, không tùy tiện bán gạo.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Điện lực tỉnh với các giải pháp tiết kiệm điện cấp bách
(HGĐT)- Theo ông Hoàng Văn Thiện, Giám đốc Điện lực tỉnh, cho biết:Mỗi tháng Hà Giang tiêu thụ khoảng 13 triệu KWh điện. Tuy nhiên, trong tháng 3, tỉnh ta chỉ được Tổng Công ty Điện lực I giao 8,18 triệu KWh; tháng 4 được giao 7,2 triệu KWh, cộng với trên 2 triệu KW từ các thủy điện, toàn tỉnh còn thiếu trên 5 triệu KWh điện/tháng. Đây là bài toán mà Điện lực Hà Giang đang
25/04/2008
Khuyến khích phát triển sản xuất ở Bắc Quang
(HGĐT)- Thời gian qua, huyện Bắc Quang luôn trăn trở trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để làm sao tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị trên thị trường. Một trong những cách làm đang được người dân trong huyện đồng tình ủng hộ đó là việc ban hành và áp dụng những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất.
25/04/2008
Báo cáo thường niên – năm 2007
Tên Công ty đại chúng: Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà GiangTên giao dịch: Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà GiangTên gọi tắt: HMMJCĐịa chỉ: Số 390 đường Nguyễn Trãi thị xã Hà Giang tỉnh Hà GiangĐiện thoại : 0219 866 708, Fax: 0219 867 068
24/04/2008
Hiệu quả kinh tế trang trại ở Quang Bình
(HGĐT)- Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, nhiều mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh ta nói chung, huyện Quang Bình nói riêng đã và đang phát huy được hiệu quả, nhiều hộ gia đình từ chỗ chỉ biết sản xuất theo phong tục tập quán địa phương, nay đã biết kết hợp làm kinh tế theo mô hình VAC - KTTT
23/04/2008