Mô hình nuôi bò sinh sản ở Cháng Lộ
(HGĐT)- Những ngày đầu năm 2008, chúng tôi đã có dịp đến thăm một số mô hình của Dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn (DPPR) đang triển khai và bước đầu cho kết quả tốt tại thôn Cháng Lộ, xã Sủng Cháng (Yên Minh).
Nằm cách trung tâm xã chưa đầy một cây số và chỉ mất khoảng 20 phút đi bộ chúng tôi đã đến thôn Cháng Lộ - một trong những địa phương được coi là phát triển trung bình của xã. Tuy nhiên nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã cũng như sự đầu tư của các chương trình dự án đến với thôn, đặc biệt là Dự án DPPR, vài năm gần đây thôn Cháng Lộ đã từng bước phát triển, đời sống của người dân được cải thiện.
Thôn Cháng Lộ có 85 hộ với 440 khẩu; diện tích tự nhiên 354,49 ha, trong đó có 124,5 ha đất canh tác, 70 ha đất lâm nghiệp, 14,6 ha rừng tự nhiên, còn lại là đất trồng ngô. Đời sống của nhân dân trong thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp và thu nhập từ sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm đến 100%. Dự án DPPR được triển khai tại xã Sủng Cháng từ năm 2006 và đến với người dân thôn Cháng Lộ bắt đầu từ năm 2007. Hiệu quả và lợi ích trực tiếp đến với người dân trong thôn được thông qua việc triển khai các mô hình của dự án. Một trong những mô hình đó chính là mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân. Cả xã Sủng Cháng được hỗ trợ 5 con bò giống thì riêng thôn Cháng Lộ đã được 2 con và được phân cho gia đình các anh là Giàng Chá Xì và Giàng Mi Mí, mỗi con bò của dự án hỗ trợ có trị giá 5 triệu đồng. Hiện tại gia đình anh Xì, con bò giống đã đẻ được một con và chuẩn bị được dự án luân chuyển cho các hộ tiếp theo. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, con bò của dự án được phân đến từng hộ dân giúp họ có thêm sức kéo phục vụ sản xuất, giảm sức lao động chân tay, đồng thời phù hợp với địa hình núi đá và đất dốc của thôn. Theo anh Ngô Xuân Hiến, cán bộ khuyến nông xã: Từ khi có dự án, người dân trong thôn rất phấn khởi và tích cực tham gia, dự án đã giúp cho người dân xóa bỏ được tập tục sản xuất cũ không hiệu quả và chuyển sang tiếp cận với những tiến bộ mới. Điều đáng nói ở đây là ý thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ và chăm sóc đàn bò do dự án hỗ trợ rất tốt. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trong tổng số 83 con bò của thôn, có cả bò của dự án, đã không bị chết con nào, do người dân ở đây đã được tuyên truyền rất kỹ về cách phòng chống rét cho gia súc, mỗi nhà đã tự xây dựng chuồng trại kiên cố, hợp lý theo kiểu ấm về mùa đông và mát về mùa hè, những ngày giá rét họ không chăn thả mà tự đi kiếm cỏ và tìm các loại cây rừng bò có thể ăn được để đảm bảo nguồn thức ăn. Có một lý do nữa là người dân ở đây trước khi được hỗ trợ đã được dự án tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp chăm sóc, cách thức nuôi và biện pháp nhân giống.Nhận thấy hiệu quả của dự án đã thực sự đến với người dân, tại các buổi họp thôn đại đa số nhân dân đều có nhu cầu mong muốn dự án tiếp tục hỗ trợ trên các lĩnh vực như: Đào tạo về giới cho phụ nữ, đào tạo công tác quản lý dự án; thực hiện kỹ thuật thâm canh ngô, lúa, đậu tương; hỗ trợ máy tẽ ngô và bảo quản ngô sau thu hoạch; hỗ trợ giống cỏ chăn nuôi; xây dựng chợ, xây dựng hệ tự chảy, xây dựng bể nước gia đình, trụ sở thôn...
Xuất phát từ những nhu cầu trên, theo anh Phan Hữu Hà, Phó BQL Dự án huyện, cho biết: Dự án sẽ tiếp tục đầu tư nhằm cải tạo điều kiện KT - XH của các hộ đặc biệt khó khăn trong thôn với mục tiêu chính là nâng cao mức sống của người dân, giảm tỷ lệ đói nghèo và giảm tình trạng thiếu lương thực đối với các hộ nghèo nhất. Khuyến khích người dân đóng góp vào công việc chung của cộng đồng, tham gia lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các công việc đó. Tiếp tục hỗ trợ để cải thiện các dịch vụ về y tế, giáo dục, thú y và đa dạng hóa thu nhập phục vụ cho cộng đồng, đồng thời hỗ trợ để phát triển cơ sở hạ tầng thôn bản hợp lý, giải quyết những nhu cầu cần thiết nhất của người dân.