Dồn điền - đổi thửa trong phát triển nông nghiệp thời hội nhập
(HGĐT)- Hội nhập kinh tế toàn cầu mang lại cho nền kinh tế nông nghiệp của ta rất nhiều thời cơ, lợi ích. Thời cơ lớn nhất là hàng nông sản của ta được bình đẳng với tất cả các loại hàng hóa nông sản của 149 quốc gia thành viên.
Lợi ích lớn nhất là giá trị buôn bán, trao đổi không có rào cản xuất khẩu đi bất cứ quốc gia nào trên toàn thế giới. Bên cạnh thời cơ tốt, thuận lợi nhiều, nền sản xuất của ta cũng đang đứng trước thách thức không nhỏ nếu không khắc phục được: Đó là nền nông nghiệp sản xuất ở trình độ thấp, cách làm ăn manh mún, tư tưởng làm ăn tiểu nông... nguy cơ trên sẽ là yếu tố đẩy nền sản xuất nông nghiệp đi xuống, dẫn đến không đủ sức cạnh tranh.
Nhận thức điều đó, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách nhằm đổi mới nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa “tập trung - chất lượng cao”. Dồn điền - đổi thửa, tích tụ ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ, hội nhập nền kinh tế thế giới chúng ta phải đối mặt với một loạt sản phẩm nông nghiệp được làm ra từ các nền kinh tế tiên tiến. Đó là nền sản xuất có trình độ, chất lượng cao, làm ra nhiều sản phẩm... Từ khi thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta đã và đang triển khai việc “Dồn điền - đổi thửa” trên khắp đất nước. Dồn điền - đổi thửa thành công thì mới “đổi mới” được chất lượng sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Trước đó, để giải phóng sức dân, chúng ta đã làm rất thành công khoán 10 của Bộ Chính trị. Đến nay, việc thực hiện khoán 10 đối với quá trình hội nhập đã bộc lộ nhiều bất cập vì ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún... không thể đưa cơ giới hoặc áp dụng các tiến bộ thâm canh, buộc phải từng bước thay đổi hình thức “chia lẻ” trước kia nay “dồn” lại. Việc “Dồn điền - tích tụ” ruộng đất ở các nước phát triển có nền sản xuất lớn đã trở thành “điển hình” tạo cho họ thành tựu lớn trong ứng dụng công nghệ, tiến bộ KHKT, cho năng suất, chất lượng tốt. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đồng thời là nước có nền sản xuất nông nghiệp lớn. Không những thế, đây còn là quốc gia được đánh giá cao nhất thế giới về “Nền văn minh trang trại”. Nông nghiệp của họ trở thành một ngành kinh doanh lớn nhất thế giới hiện nay. Theo con số thống kê năm 1940 Mỹ có 6 triệu trang trại, quy mô 67 ha/trang trại. Đến năm 1990, Mỹ tiếp tục dồn đất, tích tụ tư liệu sản xuất, đưa nền sản xuất nông nghiệp nước này còn 2,2 triệu trang trại có quy mô 190 ha/trang trại. Trong giai đoạn trên, số lao động nông nghiệp giảm từ 12,5 triệu người xuống 1,2 triệu người vào cuối năm 1990. Hiện nay, số lao động nông nghiệp của Mỹ chỉ còn khoảng 2% trong số lao động làm ở các trang trại nông nghiệp, nhưng họ cũng chỉ lao động một thời gian rất ngắn, thời gian còn lại họ làm việc khác nhờ các chuyên môn, kỹ thuật cao...
Nhìn lại thực tiễn mấy năm qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp để đẩy nhanh công tác “Dồn điền - đổi thửa”. Qua thời gian dài cho thấy còn chuyển biến chậm. Sự thật là rất nhiều huyện, thị đều triển khai làm riết “lúc đầu”, tạo phong trào tốt. Nhiều nơi làm có kết quả, nhưng lại không duy trì được độ bền, lượng dồn lớn, mà mới chỉ tạo ra một phong trào “nhỏ”, chuyển biến chậm. Ruộng đất nhỏ lẻ, chia 5 sẻ 7 manh mún sẽ không thể chuyên canh, đưa máy móc vào đồng ruộng. Điều đó cũng hiển nhiên tác động đến tư duy đổi mới cách làm ăn của nhà nông, hạn chế sản xuất. Đến năm 2008, nền kinh tế của ta đã thực sự hội nhập sâu trong nền kinh tế thế giới. Tức là sự cạnh tranh trong sản xuất ngày càng được đẩy lên cao. Việc “Dồn điền - đổi thửa, tích tụ ruộng đất” đối với nền sản xuất nông nghiệp hơn lúc nào hết rất cần được chỉ đạo quyết liệt, làm cho được. Có như vậy, chúng ta mới đi đến chuyên canh sản xuất được, đưa máy móc, thiết bị hiện đại, đi cùng việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo ra hướng làm ăn mới theo phương thức sản xuất hàng hóa. Bởi vì, sản xuất thời hội nhập là làm ra các sản phẩm hàng hóa tốt, dẻ và quan trọng hơn là làm ra “cái mà thị trường cần” chứ không thể “có cái gì, làm cái nấy”.