Đã đến lúc người nông dân phải biết “nuôi” trâu, bò
(HGĐT)- Rét đậm, rét hại kéo dài hơn 40 ngày trong những tháng đầu năm 2008, đã gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi gia súc và thời vụ gieo trồng của bà con nông dân trên khắp địa bàn tỉnh Hà Giang.
Tính đến ngày 12.3.2008, riêng địa bàn thị xã Hà Giang đã chết 443 con. Những ảnh hưởng khốc liệt của thiên nhiên là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu ở 3 xã Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ của thị xã Hà Giang, có một vấn đề theo cảm nhận của cá nhân tác giả, rất cần nêu ra để mọi người nhất là bà con nông dân cùng nhau tìm cách tháo gỡ, khắc phục, đó là: Trâu, bò chết rét là phần lớn, còn một phần không nhỏ chết là do thiếu cỏ ăn... đó là một thực tế không thể phủ nhận. Nguyên nhân của trâu, bò thiếu cỏ là:
Thứ nhất: Các gia đình ở thôn, bản nuôi theo phương pháp “Chăn thả rông “là chủ yếu, theo ý nghĩ “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” và nuôi nhiều trâu: Nhà ít thì 1 con, nhà nhiều 3 - 4 con; ngoài ra, bà con còn vay vốn xoá đói giảm nghèo của Ngân hàng CSXH tỉnh để mua thêm trâu, bò nuôi hàng hoá. Dân số tăng; diện tích đất canh tác tăng; số lượng trâu, bò ở các thôn, bản cũng tăng lên, nhưng diện tích bãi chăn thả cỏ tự nhiên và diện tích cỏ trồng lại không tăng. Hiện nay, ở những nơi có nhiều trâu, bò chết rét, đa phần diện tích cỏ tự nhiên mùa đông mới chỉ đáp ứng lượng cỏ cho khoảng 60% số trâu, bò; bên cạnh đó, khí hậu lạnh, cỏ cũng chết, mà số lượng trâu, bò quá đông, thì lấy đâu nguồn thức ăn cho chúng, chúng chết là điều không tránh khỏi. Người dân lại chưa có thói quen trữ cỏ khô cho trâu, bò.
Thứ hai: Phong tục tập quán, thói quen của bà con nông dân miền núi chủ yếu là chăn thả gia súc: Sáng lùa đi, tối lùa về... thấy trâu đói, no cũng mặc, không cần quan tâm nhiều; lúc mua là con trâu béo, sau một thời gian ăn đói đã gầy, khi mùa đông đến, không có đủ cỏ, lại càng gầy thêm... những con trâu chết đều là trâu cái sinh sản và nghé non; trâu mẹ đói, gầy lại phải cho nghé con bú, dẫn đến yếu, dễ mắc bệnh và chết là điều dễ hiểu, trâu mẹ chết thì trâu con nếu còn quá nhỏ cũng dần chết theo.
Thiết nghĩ đợt trâu, bò chết này là một bài học sâu sắc, không chỉ cho những cơ quan chức năng, mà đây còn là bài học cho chính bà con nông dân. Đã đến lúc bà con phải từ bỏ dần thói quen “Chăn thả” gia súc mà phải biết “Nuôi” trâu, bò theo đúng nghĩa của nó. Hãy tận dụng mọi khoảng đất, dù to hay nhỏ để trồng cỏ. Mùa xuân, mùa hè cỏ sinh trưởng tốt, trâu bò ăn không hết, cần phơi khô để dành đến mùa đông. Ngoài ra, sau mỗi vụ thu hoạch lúa bà con nên cắt rạ về phơi khô, đánh đống trữ thức ăn cho chúng. Tiếp đó, tăng đàn gia súc cũng phải có kế hoạch, quá trình tăng đàn phải tỷ lệ thuận với tăng diện tích trồng cỏ và căn cứ vào diện tích chăn thả, mà nuôi số lượng trâu, bò hợp lý để đảm bảo nguồn thức ăn.
Hiện nay, tình trạng thả rông gia súc vẫn còn tồn tại, chúng phá hoại hoa màu; nhiều gia đình trồng cỏ lập tức bị người ta thả gia súcphá hoại...Các thôn bản hiện nay đều đã có quy ước, bộ máy chính quyền từ xã đến thôn, bản cần căn cứ vào quy ước để đề ra biện pháp áp chế nhằm chấm dứt việc thả rông gia súc, phải tranh thủsự đồng tình của số đông bà con để xử lý vi phạm một cách cụ thể, thì mới mong đạt hiệu quả trong vấn đề này.
Vài năm gần đây, bà con nông dân các huyện vùng cao núi đá Quản Bạ, Yên Minh,Đồng Văn, Mèo Vạc, có câu nói, “Nuôi bò trên lưng” nghĩa là phải làm chuồng trại kiên cố, bò nuôi nhốt, người cắt cỏ cõng về cho bò ăn; mọi thửa đất dù to hay nhỏ đều được tận dụng để trồng cỏ cho gia súc. Đợt rét vừa qua, các huyện trên có khí hậu khốcliệt hơn ở thị xã rất nhiều, nên số trâu, bò chết cũng không phải là ít. Tuy nhiên xét về hiệu qủa kinh tế thì mô hình “ Nuôi bò trên lưng” phần nào người dân ở đó đã thay đổi được tập quán chăn nuôi, minh chứng là số lượng bò hàng hoá họ bán ra khỏi địa phương rất nhiều, đã được nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng (TTĐC). Từ bài học đó bà con nông dân hãy thường xuyên theo dõi các thông tin tuyên truyền trên các phương tiện TTĐC để nghe, xem họ hướng dẫn, tuyên truyền cách làm giàu, cách phòng chống dịch bệnh, cách chăn nuôi gia súc và cách sản xuất theo phương pháp mới..v.v. Hãy đổi mới tư duy trong chăn nuôi theo lối mới, thời đại hiện nay phải hiểu rằng nuôi trâu, bò mà không trồng cỏ thìbiết lấy gì nuôi nó... để từ đó tự định hướng cách phát triển kinh tế cho mình.
Trâu, bò chết nhiều, người thiệt hại chính là bà con nông dân: Nhà chết 1 con thì mất từ 2 đến 4 triệu đồng; nhà chết từ 2 con trở lên mất gần 10 triệu đồng, đây là cả một tài sản, chưa nói nhiều hộ vay vốn ngân hàng để mua trâu, bò nuôi hàng hoá; trâu, bò đã chết lấy gì mà trả, lại khoác nợ vào người... đã nghèo lại có nguy cơ nghèo thêm. Cấp trên cử cán bộ đến với bà con thì chỉ giúp được 1; bà con chưa có phương thức sản xuất và chăn nuôi theo lối mới để trâu, bò, lợn, gà, lúa giống chết...là mất 10. Khi mất tài sản do thiên tai, Nhà nước ta còn nghèo chỉ có thể hỗ trợ được phần nào; người thiệt thòi chính vẫn là bà con nông dân. Do đó bà con nông dân cần có ý thức tự cứu mình, tự mình vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu một cách Khoa học, vai trò hỗ trợ của Nhà nước chỉ là “bà đỡ” ban đầu, tạo đà cho nông dân phát triển. Bà con hãy bằng nhiều hình thức phát triển kinh tế, tự vươn lên nhằm đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Đây cũng là cách tốt nhất để bà con từng bước hoà nhập vào kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay.