Yếu tố cần thiết để phát triển nông nghiệp hàng hóa
(HGĐT)- Tỉnh ta có 3 vùng kinh tế với những đặc trưng, thế mạnh khác nhau. Trong đó, vùng kinh tế động lực gồm các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê, Quang Bình và thị xã Hà Giang, vùng này có lợi thế phát triển các loại nông sản như lúa, chè, cam, quýt, chăn nuôi, thủy sản.
Vùng kinh tế phía Tây gồm Hoàng Su Phì, Xín Mần với nhiều ưu điểm phát triển cây chè, đậu tương. Vùng kinh tế phía Bắc gồm 4 huyện vùng cao núi đá, thế mạnh là chăn nuôi trâu, bò, dê. Với đặc thù đó, việc quy hoạch vùng để phát huy lợi thế là rất cần thiết. Thực tế sản xuất nông nghiệp của tỉnh mấy năm gần đây cho thấy, chủ trương phát triển kinh tế vùng đã đem lại hiệu quả. Giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng, người dân vùng cao không những tự túc đủ lương thực mà sản phẩm nông nghiệp bước đầu trở thành hàng hóa, được trao đổi trên thị trường. Sự phát triển nền nông nghiệp có đóng góp rất lớn của hoạt động khuyến nông. Sau nhiều nỗ lực, hệ thống khuyến nông đã phát triển mạnh từ tỉnh đến các thôn, bản với 2.132 người. Trong đó cấp tỉnh có 16 cán bộ khuyến nông; 75 cán bộ hoạt động ở trạm khuyến nông huyện, thị; 195 khuyến nông xã và 1.846 khuyến nông thôn bản.
Nhìn về quãng thời gian trước năm 1994, lúc đó sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn rất khó khăn, lương thực làm ra không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nguyên nhân do trình độ canh tác lạc hậu, giống cây trồng để từ nhiều năm bị thái hóa nên vừa kém về chất lượng, năng suất không cao. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự đột phá ngay từ khâu giống để giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Và chương trình lúa lai được coi là liệu pháp tối ưu. Sau một thời gian thử nghiệm, năm 1995 tại 2 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên 210 ha lúa lai được đưa vào gieo cấy, mở đầu cuộc “cách mạng giống” trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sau 9 năm kiên trì thực hiện, năm 2003 đã có 80% diện tích được gieo cấy bằng giống lúa lai. Qua đó, sản lượng lương thực tăng từ 145 nghìn tấn năm 2001 lên 160 nghìn tấn năm 2007. Cùng với lúa lai, các giống lúa chất lượng cao như HT1, Khẩu Mang, Già Dui cũng được gieo cấy để xây dựng vùng lúa hàng hóa. Vụ sản xuất năm 2007 đã có 10,474 nghìn ha lúa chất lượng cao được gieo cấy, chiếm gần 30% diện tích lúa của tỉnh. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hệ thống khuyến nông đã tích cực xây dựng các mô hình trình diễn như vỗ béo đàn trâu, bò, chăn nuôi gắn trồng cỏ. Các mô hình khuyến nông được trình diễn đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân, góp phần đưa đàn trâu bò của tỉnh không ngừng tăng. Ngoài ra, các chương trình khuyến nông ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp cũng phát huy hiệu quả tích cực. Từ năm 2003 đến nay, hệ thống khuyến nông đã xây dựng hàng chục mô hình với 230 điểm trình diễn tiến bộ kỹ thuật (TBKT), nhiều mô hình thành công được nhân rộng.
Nói về vai trò của hệ thống khuyến nông thời gian qua, ông Nguyễn Văn Bào, Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khuyến nông tỉnh khẳng định: Hoạt động khuyến nông đã bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh; đội ngũ khuyến nông trở thành cầu nối chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và TBKT nông lâm nghiệp đến người dân. Tuy nhiên nó vẫn bộc lộ hạn chế như các chương trình, dự án khuyến nông mới chỉ thực hiện theo kế hoạch hàng năm, chưa có chiến lược lâu dài; việc xã hội hóa khuyến nông chưa có lộ trình, chưa xây dựng được phương pháp tiếp cận phù hợp. Trong khi đó, yêu cầu chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp ngày càng trở lên cấp thiết. Trước yêu cầu đó, đòi hỏi hệ thống khuyến nông phải có sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, có chiến lược phát triển dài hạn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Giải pháp được đưa ra là không ngừng đào tạo, cử cán bộ khuyến nông tham gia các lớp học tập nâng cao trình độ, phấn đấu trong thời gian tới 100% cán bộ kỹ thuật khuyến nông cấp tỉnh, huyện và 70% khuyến nông cơ sở có trình độ đại học, cao đẳng để nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống khuyến nông; thực hiện xã hội hóa công tác khuyến nông; xây dựng chương trình khuyến nông trọng điểm, tổng hợp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; đổi mới phương pháp khuyến nông theo hướng có sự tham gia của người dân. Mỗi năm xây dựng 10-12 mô hình với 80-100 điểm trình diễn TBKT phù hợp nhu cầu sản xuất của từng địa phương; xây dựng 1-2 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh trên thị trường là mục tiêu chúng ta đang hướng tới. Các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao được hình thành thời gian qua chứng tỏ nền nông nghiệp của tỉnh đang phát triển đúng hướng. Điều này cũng khẳng định hiệu quả thiết thực của khuyến nông trong nền nông nghiệp. Với quyết tâm đổi mới, hy vọng hoạt động của hệ thống khuyến nông ngày càng đi vào chiều sâu, có tác động lớn đến sự hình thành, phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc