Phòng, chống rét và khôi phục sản xuất

16:45, 20/02/2008

(HGĐT)- Theo ngành chức năng thuộc Sở NN-PTNT tỉnh, đến ngày 19.2.2008 cho thấy tình hình rét đậm, rét hại đã kéo dài 46 ngày. Trong đó nhiệt độ trong phòng suốt 46 ngày không vượt quá ngưỡng 150C.


Đến nay, tuy nhiệt độ có tăng đôi chút, nhưng việc phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm để bảo vệ chúng là nhiệm vụ cấp bách. Khắc phục tình trạng lúa, mạ chết, tập trung mọi nguồn lực để khôi phục sản xuất vụ xuân. Giúp đỡ các hộ nghèo, những gia đình chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm hiện nay.


Những con số thiệt hại

Sáng 18.2, tôi có mặt tại huyện Quang Bình, nơi được xem bị thiệt hại nhiều sau đợt rét lịch sử 20 năm trở lại đây. Số liệu lúc 14 giờ toàn huyện có tới 1.275 con gia súc bị chết, trong đó có 1.266 con trâu, 9 con bò. Số trâu, bò bị chết tập trung vào trâu già, bê, nghé. Rất nhiều xã có số lượng gia súc bị chết lớn như: Tiên Nguyên 245 con, Tân Nam 184 con, Bản Rịa 167 con, Yên Thành 203 con... Bên cạnh thiệt hại về gia súc, thì diện tích lúa Đông - xuân của huyện cũng bị chết quá nửa diện tích đã cấy là 695 ha/1.370ha. Nhiều xã có diện tích lúa cấy bị thiệt hại lớn là: Tiên Yên 118,23 ha; Bằng Lang 101 ha, Yên Hà - Tân Trịnh đều 75 ha, Xuân Giang 64,59 ha... Về diện tích lúa mạ bị chết còn có lý do chủ quan sau khi cấy thiếu nước để giữ ấm. Cũng theo số liệu của Sở NN-PTNT, đến hết ngày 19.2 toàn tỉnh có 9.879 con trâu, bò bị chết. Số đó có 2.064 con ở Vị Xuyên, 1.238 con ở Bắc Mê, 515 con ở Bắc Quang, 428 con ở Mèo Vạc, 637 con ở Yên Minh, 916 con ở Xín Mần, 1.404 con ở Hoàng Su Phì, ít nhất là Đồng Văn chỉ có 281 con, Quản Bạ 537 con. Và diện tích mạ bị thiệt hại toàn tỉnh là 37.716 kg cùng với 193 ha lạc, 108 ha ngô, 44 ha đậu tương. Như vậy, sau 46 ngày rét liên tục đã làm thiệt hại về sản xuất, chăn nuôi cho đồng bào lên nhiều chục tỷ đồng. Và làm không ít các hộ nghèo, cận nghèo nguy cơ thiếu hụt tư liệu sản xuất, khắc phục đời sống.


Phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm

Điểm qua tình hình thiệt hại trên cho thấy các huyện vùng thấp thiệt hại hơn các huyện vùng cao. Như đã nói, ngoài nguyên nhân về thời tiết bất khả kháng còn có nguyên nhân chủ quan. Trong đó, tập tục thả rông gia súc trên rừng, trên núi, ngoài đồng trong cơn rét đậm dẫn đến hậu quả. Đó là: Rét kéo dài, đi kèm thức ăn thiếu, ổ ướt bẩn đã làm cho gia súc sung kiệt dẫn đến tử vong. Một mặt do chủ quan không dự trữ thức ăn khô sau thu hoạch, thiếu ủ ấm chuồng trại, thiếu vệ sinh chuồng trại. Qua khảo sát thực tế cho thấy, gần như các hộ chăn nuôi không có, không còn cây rơm phơi khô, đánh đống làm thức ăn dự trữ. Phần lớn chuồng trại trống không, phân, nước tiểu làm ẩm ướt chuồng. Đi kèm đó là thức ăn tươi như cỏ, rau, chất tinh bột, cho gia súc ăn trong các ngày rét, ngày Tết, thiếu. Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải bảo vệ bằng được số lượng gia súc, gia cầm hiện có, bởi khôi phục lại tổng đàn gia súc để lấy sức kéo, phân bón đòi hỏi rất nhiều thời gian, tiền của. Ngay trước mắt, thời tiết đã ấm dần, nhưng nguy cơ về biến đổi mùa sau trận rét, sức lực suy kiệt rất dễ xảy ra dịch bệnh, nguy cơ về thời tiết ấm, việc sử dụng sức kéo để sản xuất ngay hoặc quá tải, quá sức, sẽ làm suy sụp hoàn toàn sức dự trữ còn lại của gia súc sau cơn rét vừa qua. Và nguy cơ về thiếu thức ăn xanh ngày một cạn và kèm theo đó là ăn thức ăn non do mùa xuân đem lại sau suy kiệt sức dễ gây ỉa chảy, dịch bệnh lúc giao mùa...


Do vậy, bảo vệ đàn gia súc hiện có bằng cách phòng, chống rét, cung cấp thức ăn, sử dụng gia súc làm sức kéo để sản xuất cần phải tính toán, cân nhắc hợp lý. Để hỗ trợ, bảo vệ đàn gia súc, ngày 18.2.2008, UBND tỉnh đã có Công điện số 03, chỉ đạo cho các huyện, thị dùng kinh phí hỗ trợ thức ăn cho gia súc đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách 100.000đ/con, dùng kinh phí mua thức ăn tinh. Cùng với Nhà nước, các hộ có gia súc cần tính toán hợp lý, hỗ trợ thức ăn thêm, ủ ấm từng con, che đậy chuồng trại, đốt thêm lửa sưởi ấm, tăng chất ăn tinh, chất đạm từ muối ăn cho gia súc là những giải pháp hữu hiệu nhất bởi lẽ nguy cơ gây tổn thất cho gia súc còn kéo dài hết tháng 3.


Khôi phục sản xuất Đông - xuân

Thực tế triển khai ở Quang Bình rất đáng ghi nhận. Tính đến chiều 18.2, huyện đã trích trên 500 triệu đồng, mua và cung ứng ngay đồng bào 20 tấn giống Nhị ưu 838, 5 tấn lúa thuần, giống Khang dân 18 và một số giống ngắn ngày khác. Về cơ bản, Quang Bình đã cấp đủ, kịp thời cho toàn bộ diện tích lúa cấy bị chết trong rét. Đi đôi công tác chỉ đạo, tăng cường cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn đồng bào làm mạ sân, gieo mạ trên nền cứng. Tiến hành ủ ấm bằng ni lông, sử dụng nước ấm tưới cho mạ vào buổi sáng sớm, kết hợp với hướng dẫn đồng bào sử dụng tro bếp, sàng kỹ, giắc cho mạ mới gieo, quyết tâm cấy Xuân xong trước 10.3 và kết thúc cấy chậm nhất trước 15.3, quyết không để thiếu mạ, cấy hết diện tích trên 1.900 ha vụ Xuân đó là ghi nhận ở Quang Bình. Quyết tâm cây hết diện tích và hỗ trợ kịp thời về giá mua giống cho đồng bào trong tỉnh cũng là nội dung trọng tâm của Công điện số 03 ngày 18.2.2008 của UBND tỉnh Hà Giang. Với mức hỗ trợ 50% giá mua giống theo sự chỉ đạo của tỉnh, thì các huyện, xã , phường, thôn bản cũng cần có những biện pháp khác nhằm hỗ trợ toàn dân khôi phục lại sản xuất. Trong đó, giống, phân bón, kỹ thuật, thời vụ và phương pháp chỉ đạo, điều hành, cần những giải pháp đồng bộ, thống nhất và sát sao. Tin tưởng, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn trước mắt, để đẩy mạnh sản xuất, giành vụ Đông - xuân thắng lợi.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng giáp Tết Mậu Tý giảm
Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng đầu tiên của năm 2008 và cũng là tháng giáp Tết Nguyên đán là 2,38%, giảm so với mức tăng CPI của tháng 12/2007, tính theo tháng liền trước.
30/01/2008
Hoa ngày Tết và những điều trăn trở
(HGĐT)- Trên các ngả đường của thị xã Hà Giang bắt đầu từ ngày 20 âm lịch trở đi đã xuất hiện những xe chở hoa từ các nơi đổ về. Nói là các nơi nhưng chủ yếu là của người dân xung quanh thị xã đi lấy ở những vùng lân cận về đem bán ra thị trường.
28/01/2008
Sau 3 năm triển khai hoạt động khuyến công trên địa bàn
(HGĐT)- Thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ - CP ngày 9/6/2004 của Chính phủ về “Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn”, ngày 19/10/2004, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 3181 về việc thành lập Trung tâm khuyến công và tư vấn công nghiệp để thực hiện các hoạt động khuyến công và tư vấn khuyến công nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, từng bước thực
25/01/2008
“Đột phá” trong chuyển đổi mùa vụ ở Bắc Mê
(HGĐT)- Là mảnh đất trù phú, giàu tiềm năng của tỉnh, huyện Bắc Mê có tổng diện tích tự nhiên gần 84 nghìn ha, trong đó có hơn 55% diện tích đất nông, lâm nghiệp và là huyện có diện tích lúa nước tương đối lớn so với cả tỉnh, cùng với địa hình và thời tiết khí hậu khá thuận lợi, đã và đang tạo cho Bắc Mê có điều kiện để phát triển các loại cây trồng nông, lâm nghiệp.
25/01/2008