Nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng trâu, bò chết rét

16:06, 25/02/2008

(HGĐT)- Qua theo dõi những thiệt hại về gia súc, nhất là trâu bò, trong đợt rét hại vừa qua, tôi xin trao đổi về một số nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục.


Nguyên nhân:


1.Thời tiết không thuận lợi: Rét hại kết hợp với thiếu thức ăn và không được sưởi ấm.


2. Thiếu sự chủ động tạo nguồn thức ăn: Miền núi có ưu thế đất ruộng một vụ còn nhiều, nhưng không trồng các loại cây vụ đông; đất đồi và rừng không tận dụng trồng cỏ; phế phụ phẩm nông nghiệp dồi dào nhưng không thu gom. Có thể nói nông dân miền núi chưa quen chủ động tạo nguồn thức ăn cho gia súc.


3. Tập quán thả rông chưa được khắc phục: Thôn nào cũng có quy ước chống thả rông gia súc, nhưng chấp hành không nghiêm; một số hộ cho rằng nhốt thì không có gì cho nó ăn (!) Trâu, bò, lợn thả rông lang thang kiếm ăn; chúng đói, rét không được kiểm soát hàng ngày, có chết cũng không biết. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho sản xuất không phát triển được.


4. Người chăn nuôi chủ quan bỏ mặc: Không quan tâm thu hết rơm ở ruộng về phơi khô cho trâu bò ăn và lót chuồng cho gia súc trong những ngày rét mà lại đốt ngay trên ruộng, không tích trữ trấu; không chú ý quây chuồng che chắn gió mà chỉ đốt kửa sưởi khi nó đã yếu sức; không có thức ăn cho ăn thêm nhất là tinh bột. Việc chăn thả gia súc bỏ mặc cho trẻ con.


5. Công tác dự báo và tìm kiếm giải pháp phòng chống chưa kịp thời và chưa đến từng hộ dân (đây là tình trạng chung của các tỉnh bị thiên tai).


Giải pháp khắc phục:


Một là, phải thực hiện triệt để quy ước cấm thả rông gia súc, gia đình nào vi phạm thì kiểm điểm, gây thiệt hại thì phải phạt về kinh tế, không công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, làng văn hoá.


Hai là, phải tận dụng hết đất không có khả năng trồng lương thực để trồng mía, cỏ, dong giềng, bí đỏ, giềng củ, gừng, chuối, khoai mỡ, sắn… và trồng khoai lang, khoai tây cùng các loại rau, đậu vụ xuân xuống ruộng một vụ.


Ba là, thu hết rơm lúa xuân, lúa mùa về phơi khô và trấu cất trữ; tận dụng hết phế phụ phẩm nông nghiệp như: bắp ngô lép, lá ngô và lá mía còn xanh để ủ chua hoặc phơi khô dự trữ; làm sắn khô.


Bốn là, làm chuồng nền phải cao, khô; khung chuồng chắc chắn, làm sàn gỗ cách mặt đất 50 phân càng tốt; lợp kín mái và có sào gác xung quanh, cao sát mái để kéo bạt ni lông chắn gió.


Năm là, chăm sóc tốt những con già và nghé ngay từ đầu tháng mười một. Khi trời rét đậm phải nhốt và cho ăn trong chuồng đối với con già yếu và con non; khi trời rét hại phải nhốt cả đàn cho ăn trong chuồng, đốt lửa ở giữa cho chúng sưởi. Cho ăn cỏ, rơm khô, lá mía, cây chuối cắt ngắn vẩy nước muối; nấu cháo thập cẩm gồm thân cây chuối, giong giềng giã nhỏ, bột sắn và các loại rau khác như kiểu cám lợn trộn với bột giềng, bột gừng, muối cho chúng ăn; kéo các tấm bạt chắn gió cho kín xung quanh. Khi trời đỡ lạnh cần đưa những con khoẻ đi chăn thả, phải làm áo bằng bạt ni lông hay bao tải, nhưng phải bọc kín phần thân và phần cổ, chỉ để hở phần đuôi cho chúng thải phân và dưới bụng đối với con đực để thoát nước giải.


Sáu là, trong các chương trình, dự án trợ giúp của nhà nước và công tác khuyến nông nên tổ chức cho các gia đình khó khăn, gia đình chưa có kinh nghiệm đi tham quan học tập các mô hình trên thực tế. Ví dụ người Mông ở vùng cao núi đá họ không thả rông; làm chuồng trâu, bò, dê đều có sàn gỗ để hở đủ lọt phân, xung quanh thưng ván, che chắn không cho gà bới phân dưới gầm chuồng; chỉ cào phân ra trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 10, còn lại để lưu cữu tự ủ, quá trình tự phân huỷ đống phân sinh nhiệt làm hơi nóng bốc lên sưởi ấm cho gia súc ở trên sàn…, chăm sóc cho ăn tốt, nên tỷ lệ chết so với tổng đàn của vùng cao ít hơn so với vùng thấp, đây là việc đáng phải học. Mặt khác trong năm tới, nên nghiên cứu xây dựng mô hình chống rét cho gia súc nói chung, từ khâu chủ động thức ăn làm chuồng trại và cách chăm sóc nuôi dưỡng trong những ngày rét đậm, rét hại, để nhân rộng. Nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí từ các chương trình, dự án cho mỗi hộ khó khăn ở vùng cao hàng năm có rét đậm, rét hại, làm chuồng hoặc nhà hầm đạt tiêu chuẩn chống rét.


Đinh Minh Tung

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng giáp Tết Mậu Tý giảm
Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng đầu tiên của năm 2008 và cũng là tháng giáp Tết Nguyên đán là 2,38%, giảm so với mức tăng CPI của tháng 12/2007, tính theo tháng liền trước.
30/01/2008
Hoa ngày Tết và những điều trăn trở
(HGĐT)- Trên các ngả đường của thị xã Hà Giang bắt đầu từ ngày 20 âm lịch trở đi đã xuất hiện những xe chở hoa từ các nơi đổ về. Nói là các nơi nhưng chủ yếu là của người dân xung quanh thị xã đi lấy ở những vùng lân cận về đem bán ra thị trường.
28/01/2008
Phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm ở huyện Yên Minh
(HGĐT)- Những năm gần đây, chăn nuôi ở huyện Yên Minh đã trở thành hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương, nhưng vì khí hậu khắc nghiệt, nhất là vào mùa đông nên việc chăn nuôi không mấy dễ dàng như những vùng khác trong tỉnh, nhất là đối với đàn gia súc, gia cầm cũng thường xuyên được luân chuyển vào huyện qua những con đường khác nhau. Vì vậy để chăm sóc, bảo vệ
25/02/2008
Giá xăng tăng 1500 đồng/lít
Sáng nay 25/2, Liên bộ Tài chính - Công thương cho phép: Từ 11 giờ, giá xăng tăng thêm 1.500 đồng. Giá xăng A92 là 14.500 đồng/lít, xăng A95 là 14.800 đồng/lít.
25/02/2008