Mô hình khuyến nông có thu - vì sao không nhân rộng được?
(HGĐT)- Khuyến nông có thu là sự kết hợp giữa người nông dân với cán bộ khuyến nông theo phương thức 2 bên cùng gắn trách nhiệm và được hưởng lợi từ giá trị sản phẩm vượt trội do áp dụng tiến bộ KHKT.
Hình thức này được nhiều địa phương trong cả nước triển khai nhưng đối với nông dân tỉnh ta, hoạt động này hoàn toàn mới. Sau 2 năm thực hiện, mô hình thí điểm khuyến nông có thu đã khẳng định tính ưu việt. Thế nhưng nó chưa thu hút được sự tham gia của nông dân, chưa nhân rộng trên toàn tỉnh.
Gần đây, nông dân tỉnh ta đã dần quen với thuật ngữ mối liên kết “4 nhà”: Nhà nông - nhà khoa học - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp. Mối liên kết này tạo thành chu trình khép kín trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và tính cạnh tranh của sản phẩm. Tuy hình thức này chưa được triển khai rộng nhưng ở một số địa phương đã hình thành dạng “tiểu liên kết” giữa nông dân với cán bộ khoa học hoặc nông dân với doanh nghiệp. Thời gian qua, tại xã Việt Lâm, Phong Quang (Vị Xuyên), nhiều hộ nông dân đã thoả thuận với cán bộ khuyến nông cơ sở để cùng hợp tác đầu tư giống, phân bón và hướng dẫn quy trình kỹ thuật vào sản xuất đối với cây ngô, lạc, lúa. Quá trình thực hiện từ khi gieo trồng đến thu hoạch, 2 bên cùng đánh giá năng suất, nông dân trả lại phần vốn được tạm ứng và một phần sản phẩm tăng lên do áp dụng KHKT cho cán bộ khuyến nông. ở Hoàng Su Phì xuất hiện hình thức liên kết doanh Dấu hiệu này đã khơi nguồn cho cuộc “cách mạng mới” trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, đặc biệt là chiến lược phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Thực tế cho thấy những năm gần đây nền nông nghiệp của tỉnh đã có chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi mới, năng suất, chất lượng cao được đưa vào gieo trồng góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Các biện pháp KHKT được áp dụng mạnh mẽ trên đồng ruộng, trong chăn nuôi đã nâng cao hiệu quả sử dụng, giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác và chu kỳ chăn nuôi.
Để khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, gắn trách nhiệm, gắn thu nhập của cán bộ khuyến nông với nông dân thì việc triển khai hình thức khuyến nông có thu là rất cần thiết. Trước yêu cầu, đòi hỏi của sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai Dự án mô hình thí điểm khuyến nông có thu. Dự án triển khai trên cơ sở xây dựng mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp có sự hướng dẫn, áp dụng KHKT của khuyến nông để tăng vụ, tăng năng suất, giá trị sản phẩm cho nông dân. Cán bộ khuyến nông được hưởng một phần lợi nhuận từ giá trị tăng lên do làm tăng vụ, do áp dụng KHKT trên cơ sở ký kết hợp đồng trách nhiệm và thoả thuận hưởng lợi với nông dân. Hình thức thực hiện Nhà nước đầu tư giống, phân bón, thức ăn, thuốc BVTV, thuốc thú y và tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất. Người nông dân đầu tư công lao động, ruộng đất, chuồng trại, phân chuồng, thức ăn xanh và tuân thủ áp dụng quy trình sản xuất. Cuối vụ, 2 bên cùng đánh giá năng suất cây trồng, vật nuôi đã thực hiện, so sánh với năng suất đại trà cùng thời vụ không áp dụng KHKT để đánh giá phần năng suất vượt trội đồng thời thu hồi phần kinh phí đầu tư để nhân rộng ra hộ khác. Dự án thực hiện tại 4 huyện, thị với các mô hình trồng đậu tương tăng vụ tại Hoàng Su Phì, lúa chất lượng cao ở vị Xuyên, nuôi lợn thịt tại thị xã Hà Giang, bí xanh tăng vụ ở Quản Bạ.
Sau 2 năm thực hiện dự án, tuy kết quả chưa đạt so với yêu cầu, kế hoạch đề ra nhưng so với đại trà cùng thời vụ năng suất đều tăng. Mô hình lúa chất lượng cao, năng suất cao hơn đại trà từ 3-4 tạ/ha; đậu tương từ 0,8-1 tạ/ha; bí xanh cao hơn 50 tạ/ha; lợn tăng trọng vượt so với hợp đồng từ 1-5kg/con/tháng. Cụ thể: Đối với mô hình nuôi lợn thịt tại thị xã Hà Giang, năm 2006 dự án đầu tư trên 28 triệu đồng triển khai với quy mô nuôi 30 con, qua 1 chu kỳ nuôi, tỷ lệ tăng trọng bình quân từ 17,8-21,2 kg/con/tháng. Năm 2007, dự án mở rộng lên 75 con, 6 hộ tham gia, kết thúc chu kỳ nuôi 2,5-3 tháng, tỷ lệ tăng trọng bình quân 22-25 kg/con/tháng và quay vòng được 2 chu kỳ/năm. Qua 3 chu kỳ sản xuất phần hoạt động khuyến nông thu được trên 1,75 triệu đồng. Năm 2006, mô hình đậu tương tăng vụ triển khai tại Hoàng Su Phì với quy mô 20 ha, 87 hộ tham gia, năng suất đạt 13,03 tạ/ha. Nhưng năm 2007, chỉ thực hiện được 7/17,4 ha kế hoạch với 21 hộ tham gia. Sau 2 vụ thực hiện, phần dịch vụ khuyến nông thu được 472 kg đậu tương. Mô hình lúa chất lượng cao, năm 2006 dự án đầu tư trên 53,4 triệu đồng, xây dựng thí điểm 15 ha, 80 hộ tham gia với 2 giống lúa HT1, Syn6. Kết quả thực hiện cho thấy năng suất vượt so với đại trà 2,9-3,3 tạ/ha. Vụ sản xuất năm 2007, quy mô bị giảm xuống còn 11 ha với 47 hộ tham gia, năng suất vượt so với đại trà 4-4,5 tạ/ha. Phần dịch vụ khuyến nông thu được qua 2 vụ sản xuất 1.880 kg thóc. Riêng mô hình bí xanh sau 1 vụ sản xuất với kinh phí đầu tư trên 26,4 triệu đồng để trồng 3 ha, dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, năng suất đạt 280 tạ/ha, tăng so với đại trà 50 tạ/ha thế nhưng năm 2007 lại không nhân rộng được.
Tại buổi tổng kết dự án, ông Nguyễn Văn Mão, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nhận xét: Dự án mô hình thí điểm khuyến nông có thu đã khẳng định hiệu quả thiết thực. Vậy tại sao mô hình lại chưa được người nông dân hưởng ứng, mấu chốt của vấn đề là ở đâu? Tìm hiểu từ góc độ cán bộ khuyến nông cho thấy: Tại 4 đơn vị triển khai dự án, cán bộ khuyến nông đều ký hợp đồng với nhóm hộ nên quá trình giám sát chưa được thường xuyên, có những vướng mắc không được giải quyết kịp thời. Còn phía người nông dân, từ trước đến nay, họ đã quen với tư duy nhà nước đầu tư, hỗ trợ không thu lại nên khi triển khai dự án đã phát sinh nhiều vấn đề. Sau vụ sản xuất, nông dân không muốn trả lại phần vốn đầu tư ban đầu và phần dịch vụ vượt trội do áp dụng KHKT. Cụ thể như tại huyện Quản Bạ, Hoàng Su Phì không triển khai và nhân rộng được mô hình ra vụ sau, nông dân vừa không muốn tiếp cận phần dịch vụ khuyến nông có thu, vừa chậm hoặc không muốn trả lại phần thu hồi đầu tư. Tại Vị Xuyên dự án triển khai ở điểm Việt Lâm, vụ sản xuất năm 2007 đã kết thúc từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được vốn đầu tư… Những căn nguyên này đã khiến dự án không được triển khai trên diện rộng mặc dù kết quả đạt được rất lớn.
Mối liên kết giữa nông dân trực tiếp sản xuất với cán bộ khuyến nông đã khẳng định hiệu quả trong sản xuất nông - lâm nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Thế nhưng, để duy trì được mối liên kết này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên nếu không rất dễ bị phá vỡ. Trong thời buổi hội nhập, việc áp dụng KHKT vào nông nghiệp sẽ nâng cao giá trị cạnh tranh nhưng để có được điều đó thì nông dân phải đổi mới tư duy và tuân thủ những điều cam kết để xây dựng mối quan hệ bền vững.
Ý kiến bạn đọc