Khôi phục vụ Xuân ở vùng trọng điểm lúa
(HGĐT)- Đến hết ngày 26.2, tại 2 huyện trọng điểm lúa là Vị Xuyên, Bắc Quang, đồng bào đã tiếp nhận gần 100 tấn giống các loại. Số giống trên đã đồng loạt được gieo trồng trước ngày 25.2 (đối với lúa). Có nhiều cách làm mới đáng ghi nhận từ thực tiễn mùa vụ...
Gieo thẳng - cách làm hay:
Tôi có mặt chiều 26.2 tại thôn Hùng Tiến, xã Hùng An (Bắc Quang), để được xuống ruộng, được xem cách gieo thẳng mạ xuống ruộng của đại đa số đồng bào địa phương. Phương pháp làm đơn giản, tiết kiệm được cả giống vốn đã khan hiếm (giống ngắn ngày), lẫn thời gian gieo cấy (vì gieo mạ phải mất từ 18 - 20 ngày khi cây mạ có từ 2-3 lá mới cấy được). Đa số đồng bào cho rằng: Gieo mạ thẳng, theo hàng “tựa” như cấy, sẽ tiết kiệm giống khoảng 1-1,5kg giống/sào Bắc bộ 360m2. Mỗi sào gieo thẳng đối với giống DT122, Khang dân 18 chỉ hết 4 kg, tiết kiệm thời gian sau gieo mạ đến khi được cấy là 20 ngày. Quan trọng hơn là gieo thẳng cây lúa lên ngay, không bị “chột” vì nhổ mạ, cấy. Được biết cách làm trên đã được người dân Hùng Tiến thực hiện từ vài vụ trước, khi thời tiết rét hoặc biến đổi bất thường trong vụ xuân và xuân muộn. Với cách làm này, đồng bào Hùng Tiến sẽ hoàn thành cấy xong trong tháng 2.2008, về trước thời gian quy định của lịch gieo cấy. Thời tiết ủng hộ thì chắc chắn Hùng Tiến sẽ được mùa cả về diện tích, năng suất và sản lượng, bởi kinh nghiệm cấy xuân từ nhiều năm cho thấy: Đầu vụ càng rét, thì sau rét là nắng ấm, mưa rào, lúa xuân “cứ phất cờ” mà lên (ca dao cổ).
Để gieo thẳng, đồng bào đã ủ mạ mọc mầm đều từ 0,5 - 1,5 cm. Ruộng bừa kỹ, loạt phẳng, tháo cạn nước. Dùng cào răng hoặc dây kéo chăng luống, định hàng. Dùng mạ lên đều mầm tra từ 3-4 hạt mầm/khóm (tựa như cấy) sau đó theo dõi nước và chú ý chăm sóc, phòng chim ăn hạt sau khi gieo bằng cách làm “áo tơi” cắm xuống ruộng đã gieo để đuổi chim. (Chú ý nhất là đất sau khi bừa kỹ, lấn phẳng phải thêm lân, NPK... lấn đều khắp ruộng trước khi gieo tạo thức ăn trực tiếp cho mạ sau gieo xuống ruộng. Lúa sau gieo 15-20 ngày, thời tiết thuận lợi đã có thể tiến hành làm cỏ, bón phân thúc đợt đầu và “cấy dặm”. Làm tốt, năng suất không thua kém cách gieo mạ rồi cấy.
Làm việc trực tiếp với anh Đinh Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, được biết: Huyện đã trích trên 500 triệu đồng mua 52.123kg giống San ưu 4.490 kg giống DT122, 500 kg giống Khang dân 18 và 5.310 kg giống ngô hỗ trợ kịp thời cho đồng bào gieo trồng lại vụ xuân. Còn lại người dân cũng đã tương trợ nhau giống, sức kéo, vật tư khác để khắc phục thiệt hại rét vừa qua; quyết tâm cấy, trồng hết diện tích theo kế hoạch đề ra. Tại các xã: Hùng An, Việt Vinh, Quang Minh, Đồng Yên, Vĩnh Phúc và các xã nói chung đã thành lập các ban chỉ đạo, huyện tăng cường cán bộ xuống cơ sở để phối hợp cùng nhân dân khắc phục hậu quả do rét gây nên, quyết tâm cùng toàn dân hoàn thành sớm chỉ tiêu gieo cấy vụ xuân đề ra. Một số diện tích khó nước tưới, được chuyển sang trồng ngô, đậu tương, rau màu khác. Theo ghi nhận, đến hết ngày 25.2, Bắc Quang đã gieo mạ xong, có nhiều nơi như Hùng Tiến thì gieo thẳng để rút ngắn thời gian gieo cấy.
Tại huyện Vị Xuyên, tính đến 25.2, có 20.025 kg lúa giống cùng 8.252 kg giống ngô đã được đưa tới tay đồng bào. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đặng Văn Thủy, cho biết: Phòng đã cử 13 cán bộ của phòng, kết hợp với 5 cán bộ khuyến nông huyện, phối kết hợp với các ban, ngành, phụ trách xã xuống “cùng ăn, cùng ở và cùng làm” với dân để khắc phục hậu quả, gieo mạ, chuẩn bị mọi điều kiện vật tư, kỹ thuật cho cấy lại vụ Xuân.
Qua báo cáo nhanh, đến ngày 26.2, đồng bào Vị Xuyên đã cơ bản gieo mạ xong trên nền cứng, sân nhà và nơi có điều kiện chăm sóc. ở xã Việt Lâm, chiều 26.2 nắng lửng, đồng bào đã đổ ra ruộng tạo một không khí lao động khẩn trương. Tại đây, người bảo quản được mạ thì tiếp tục cấy. Người gieo mạ mới xong thì bừa ruộng, dặm ngô, dặm lạc và chung một nỗ lực hoàn thành vụ xuân trong thời gian sớm nhất.
Đôi điều trăn trở:
Qua khảo sát thực tế cho thấy: Rất nhiều nơi, nhiều xã, thôn, của 2 huyện có những cách làm hay, chỉ đạo sát, sao bám dân, bám ruộng. Nhiều địa phương làm tất cả công tác chỉ đạo mới, chuẩn bị trước đó rất tốt về công tác thủy lợi, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất. Nhiều nơi khắc phục rất nhanh nhờ hệ thống tưới tiêu thuận lợi, bờ vùng, bờ thửa vững vàng, người dân chủ động bảo vệ mạ, gia súc tốt nên ít chịu ảnh hưởng của thời tiết.
Bên cạnh đó cũng còn thấy không ít cơ sở thiếu sâu sát, thậm chí còn chậm triển khai khắc phục khi đã có chỉ đạo của tỉnh, huyện. Không ít thôn, bản, xóm, xã còn lơi là, chủ quan, dẫn đến khắc phục hậu quả chậm, kênh mương nội đồng ít chú trọng, thiếu nước, lại chậm chuyển đổi. Còn phổ biến khá nhiều nơi, đồng bào vì lo thời vụ chậm, đã sử dụng trâu, bò cày kéo quá mức sau đợt rét cũng là điều cần điều chỉnh lại cho hợp lý để không làm kiệt sức gia súc gây tổn thất thêm.
Quyết tâm cấy, trồng hết diện tích, kịp thời gian để giành vụ xuân thắng lợi đang là nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và người dân nơi vùng trọng điểm lúa của tỉnh, đó là điều ghi nhận. Tuy nhiên, khi tôi dừng bút cũng là lúc dự báo thời tiết cuối ngày.