Hiệu quả của việc dùng than tổ ong không mùi, thay thế chất đốt truyền thống ở Mèo Vạc
(HGĐT)- Dùng than tổ ong không mùi, người dân huyện Mèo Vạc được dùng nhiên liệu không ô nhiễm môi trường, giá thành lại rẻ hơn giá thị trường 300 đến 400 đồng/viên, thời gian cháy lại lâu hơn 1 tiếng. Điều đặc biệt là so với việc dùng củi, than tổ ong không mùi sẽ tiết kiệm được cho các hộ khoảng trên 20.000 đồng/ngày và rừng vì thế hạn chế bị phá hoại.
Là huyện vùng cao núi đá nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, Mèo Vạc có 26.464 ha đất lâm nghiệp, trong đó 15.235 ha đất rừng và tỷ lệ che phủ của rừng chỉ đạt 30%, đặc biệt các khu vực rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ngày càng bị tàn phá do nhiều yếu tố, trong đó có cả vấn đề chặt phá rừng làm chất đốt. Trước tình hình trên, Đảng bộ huyện Mèo Vạc xác định vấn đề trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng là một trong những mục tiêu hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Do những khó khăn đặc thù của huyện về khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mùa khô, tình trạng khan hiếm nước kéo dài 6 đến 7 tháng trong năm; đặc biệt, nhu cầu sử dụng chất đốt cùng với thói quen cố hữu đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con nhân dân trong huyện qua nhiều thế hệ, sử dụng tài nguyên rừng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt một cách tự phát đã tác động mạnh đến môi trường sinh thái nên kết quả thực hiện các chương trình dự án được triển khai trên địa bàn thời gian qua không cao, tình trạng đất trống, đồi núi trọc còn khá nhiều. Theo số liệu điều tra xã hội học, toàn huyện Mèo Vạc có trên 11.000 hộ với gần 64.000 khẩu; nhìn chung đời sống của nhân dân trong huyện còn gặp nhiều khó nhăn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Nhng bình quân mỗi người dân trong huyện tiêu thụ hết khoảng 03 kg củi và toàn huyện sử dụng một ngày ít nhất khoảng 300 tấn chất đốt là củi. Tính theo quy trình phát triển của rừng tái sinh 5 năm tuổi, nếu người nông dân không khai thác theo quy hoạch như tỉa tha cây, tỉa cành mà khai thác bừa bãi thì mỗi ngày diện tích rừng 5 năm tuổi của huyện sẽ mất đi ít nhất 0,3 ha. Chính vì vậy nhu cầu đa nguyên liệu chất đốt khác vào huyện, vận động nông dân sử dụng thay thế củi là vấn đề cấp bách và cần thiết được huyện chú trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện. Cũng theo số liệu điều tra, nhu cầu sử dụng than tổ ong trên địa bàn huyện cho thấy có khoảng 45% hộ nông dân trong huyện có nhu cầu sử dụng và 37% tổng số hộ sẵn sàng sử dụng. Ngoài ra huyện còn có trường PTDTNT, Trung tâm GDTX, 18 trường có lớp bán trú dân nuôi, 02 đồn Biên phòng. Đặc biệt, trong thời gian tới, quá trình thi công xây dựng 04 nhà máy Thủy điện trên địa bàn huyện thu húthàng nghìn công nhân thì nhu cầu tiêu thụ than tổ ong làm chất đốt càng lớn, trong khi đó trên địa bàn huyện chưa có một đơn vị, tổ chức, cá nhân nào thực hiện việc cung cấp than làm chất đốt thay củi.
Thấy các hộ dân trong huyện có nhu cầu sử dụng than tổ ong tương đối cao, lại thấy một số tư thương chở than tổ ong thành phẩm từ thị xã Hà Giang lên tiêu thụ tại thị trường huyện với giá thành cao, chất lượng loại than này lại kém hơn nhiều so với than không mùi vừa đảm bảo môi trường sinh thái, vừa đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng; qua nghiên cứu, học tập và được các trung tâm sản xuất than có uy tín trong nước cung cấp công nghệ, Hợp tác xã Tiểu thủ Công nghiệp Xuân Hạc ở tổ 2, thị trấn Mèo Vạc phối hợp cùng các cơ quan trong huyện xây dựng phương án sản xuất và mạnh dạn đầu tư 88 triệu đồng cùng với 80 triệu đồng đầu tư hỗ trợ của Nhà nước nhanh chóng triển khai thực hiện Mô hình sản xuất than Tổ ong không mùi thay thế chất đốt truyền thống trên địa bàn, với dây chuyền sản xuất có công suất 1.200 viên đến 1.800 viên/giờ, có khả năng cung cấp đủ chất đốt cho 10.000 đến 12.000 gia đình trong huyện. Khác với các sản phẩm than tổ ong hiện đang được bán rộng rãi trên địa bàn tỉnh sử dụng công nghệ trộn đất với than cám để sản xuất, than tổ ong không mùi của HTX Xuân Hạc sử dụng nguồn nguyên liệu chính là than cám Mạo Khê trộn với than bùn Cửa Ông cùng các hoạt chất phụ gia khác để sản xuất, nên lượng khí thải CO2 ở ngưỡng cho phép. Anh Nguyễn Xuân Hạc, Chủ nhiệm HTX, cho biết: Nếu đốt cùng một lúc 2 viên than, một viên than thường và một viên than không mùi do HTX Xuân Hạc sản xuất, bao giờ viên than của HTX cũng có thời gian cháy dài hơn khoảng 1 tiếng; so sánh giá thành thì viên than của HTX Xuân Hạc bán luôn đảm bảo rẻ hơn so với giá thị trường khoảng 300 đồng đến 400 đồng/viên; nếu so sánh với các hộ nông thôn dùng củi thì bình quân 1 hộ bà con dùng hết 2 quẩy tấu củi, giá bán tại chợ là 15.000 đồng/quẩy tấu, vì thế bình quân 1 ngày 1 hộ dân dùng hết khoảng 30.000 nghìn đồng. Với lượng tiêu thụ nhiệt năng nêu trên, chuyển sang dùng than tổ ong không mùi 1 hộ bà con sẽ dùng hết khoảng 7 viên than và tốn hết 7.700 đồng. Vô hình chung nếu chuyển sang dùng than bình quân mỗi ngày 1 hộ bà con trong huyện sẽ tiết kiệm đợc trên 20.000 đồng tiền củi.
Hiện tại HTX tiểu thủ công nghiệp Xuân Hạc đang có hình thức khuyến mại các loại bếp đun than tổ ong khi các tổ chức, cá nhân mua với số lượng tương thích và mức tiêu thụ than tổ ong không mùi của HTX tăng nhanh hàng tuần. Cái lợi lớn nhất của huyện Mèo Vạc là nếu bà con dùng than tổ ong không mùi thay thế việc sử dụng củi làm chất đốt càng nhiều thì các cánh rừng trên địa bàn huyện sẽ càng nhanh được phủ kín, góp phần hữu hiệu cải tạo môi trường sinh thái nơi vùng đất khắc nghiệt về điều kiện thời tiết này. Khách quan nhìn nhận vấn đề, một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhận xét: Năng động sử dụng 30 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học của huyện và 50 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công và tư vấn công nghiệp của tỉnh, để hỗ trợ HTX triển khai thực hiện thành công mô hình sản xuất than không mùi trên địa bàn huyện là một việc làm hết sức thiết thực, đáng ghi nhận.