Cơn “chấn động” đi qua - nỗi đau còn hiện hữu

15:52, 29/02/2008

(HGĐT)- 39 ngày rét đậm, rét hại kéo dài từ trước, trong và sau Tết nguyên đán là cơn “chấn động” lớn đối với nền nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển đàn gia súc của tỉnh. Nó đẩy nhiều người dân đang hân hoan trong niềm vui thoát nghèo và ôm ấp giấc mơ làm giàu từ chăn nuôi gia súc trở lại cái nghèo. Cơn “chấn động” này, ngoài yếu tố khắc nghiệt của thời tiết thì sự chủ quan của người chăn nuôi khiến hậu quả càng khủng khiếp.


Những con số buồn

Chưa bao giờ nền nông nghiệp của tỉnh lại phải gánh chịu những thiệt hại ghê gớm như năm nay. 39 ngày rét đậm, rét hại đã phủ một mầu xám xịt đối với sản xuất, chăn nuôi của các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong số hàng trăm nghìn con trâu, bò bị chết, tỉnh ta thiệt hại nặng nhất. Theo số liệu tạm tính đến 25.2, cơn “chấn động” đã vắt kiệt sức của trên 15,3 nghìn con trâu, bò khiến nó phải gục ngã. Ngoài ra, nó còn gieo “chết chóc” cho trên 5.521 ha lúa cấy trước Tết Nguyên đán; 51.131 kg giống mạ, 845 ha ngô, 195 ha lạc cũng “ra đi” vì không chống lại được cái rét. Đây thực sự là những con số buồn mà chúng tôi không bao giờ muốn nhắc đến. Thế nhưng nó cứ ám ảnh, đè nặng trong tâm trí. Hình ảnh những con trâu chết trên rừng được mang về xả thịt trong nỗi đau giằng xé của người nông dân, rồi cậu bé ngồi khóc bên cạnh con nghé vừa gục gã ven đường mà chúng tôi gặp trên đường vào Hoàng Su Phì luôn nhức nhối. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, là niềm hy vọng đổi đời của người dân khi nó được nuôi theo quy mô hàng hoá tập trung. Thế nhưng trâu chết đã đè bẹp bao giấc mộng làm giàu của người nông dân, đẩy nhiều hộ dân vừa le lói niềm vui thoát nghèo trở về điểm xuất phát và gánh trên vai số nợ ngân hàng. Làm một phép so sánh về sự phát triển đàn gia súc những năm gần đây với số gia súc chết trong cơn “chấn động” ta sẽ thấy mức độ tàn phá của nó quá thảm khốc. Theo số liệu điều tra chăn nuôi (tạm tính đến 1.8.2007) của Cục Thống kê: Toàn tỉnh có 231.314 con trâu, bò, tăng 4,56% so với năm 2006 (tương đương 10.096 con). Như vậy, cả 1 năm tổng đàn trâu, bò của tỉnh mới tăng trên 1 vạn con. Thế nhưng 39 ngày rét đậm, rét hại đã xoá đi thành quả, nỗ lực của mấy trăm ngày (!)


Do điều kiện đặc thù của tỉnh, việc trồng lúa, hoa màu chỉ hy vọng giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ, còn làm giàu phải có sự đầu tư, chuyển hướng hợp lý. Định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô hàng hoá được Đảng bộ tỉnh xác định và ngày càng chứng minh hiệu quả thiết thực. Hiện nay, mục tiêu phát triển đàn gia súc theo quy mô hàng hoá tập trung được coi là hướng ưu tiên số 1 của ngành nông nghiệp. Sở dĩ, mấy năm gần đây đàn gia súc của tỉnh tăng nhanh về số lượng là do có sự hỗ trợ đắc lực của T.Ư, tỉnh thông qua các chương trình, dự án. Bước thực hiện đầu tiên là UBND tỉnh quyết định chuyển 1 vạn ha đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cỏ chăn nuôi ở 6 huyện vùng cao núi đá phía Bắc và phía Tây. Sau đó, các chương trình, dự án liên quan đến phát triển đàn gia súc cũng được ra đời. Cụ thể, năm 2005 UBND tỉnh đề ra chiến lược phát triển đàn trâu, bò giai đoạn 2006-2010 có xét đến 2015. Mục tiêu nhằm phát triển đàn trâu, bò, tạo ra tập đoàn con giống tốt có chất lượng cao, khắc phục tình trạng giao phối cận huyết. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I sẽ chọn lọc và phát triển đàn trâu, bò cái sinh sản, đực giống đạt tiêu chuẩn ghép đôi giao phối tạo ra giống tốt để đến năm 2010, tổng đàn trâu, bò đạt 308.706 con (148.627 con trâu, 160.079 con bò). Giai đoạn II sẽ nhập nội một số giống bò đực ngoại, lai tạo với bò cái địa phương. Gần đây, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi trâu, bò 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc. Mục tiêu, đến năm 2010, mỗi hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn có 1-3 con trâu, bò, 0,3 ha cỏ trở lên… Những chính sách này là đòn bẩy vững chắc trên con đường làm giàu của người dân. Và điều này sẽ trở thành hiện thực nếu như…!


Xin đừng thờ ơ với “đầu cơ nghiệp”

Có được số lượng đàn gia súc như hiện nay, đã có hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư cho người dân để biến ước mơ XĐGN bền vững, tiến tới làm giàu từ chăn nuôi thành hiện thực. Cụ thể: Các hộ chăn nuôi trâu, bò hàng hoá được tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng trong vòng 24 tháng, các hộ nghèo được hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 36 tháng; năm đầu tiên thực hiện dự án trồng cỏ, nhà nước hỗ trợ mua giống 2 triệu đồng/ha, các năm sau 1,5 triệu đồng, tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án gần 27,6 tỷ đồng. Dự án phát triển đàn trâu, bò giai đoạn 2006-2010, xét đến 2015 tổng vốn đầu tư lên tới 4.552.461,16 triệu đồng. Dự án hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi trâu, bò 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc cũng có tổng kinh phí gần 58,4 tỷ đồng, nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng CSXH trên 30,8 tỷ đồng với lãi suất 0%... Ngoài ra còn hàng tỷ đồng hỗ trợ mua vacxin phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng phát triển trâu, bò giống và hàng hoá theo mô hình trang trại tập trung.


Các chính sách hỗ trợ của T.Ư, tỉnh đã thúc đẩy phong trào chăn nuôi gia súc hàng hoá phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi tư duy của một bộ phận không nhỏ người nông dân. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại tập trung với số lượng hàng chục con trâu, bò, nhiều hộ đã giàu lên từ chăn nuôi gia súc. Thế nhưng, cũng mấy năm gần đây ngành chăn nuôi luôn đối mặt với hàng loạt tai ương. Đàn gia súc liên tục bị đe doạ bởi dịch LMLM, Nhiệt thán, Tụ huyết trùng… Tính sơ sơ, mỗi năm có trên dưới nghìn con trâu, bò chết do dịch. Những tai ương đó, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động đối phó, triển khai các biện pháp ngăn chặn để giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại. Thế nhưng người chăn nuôi lại luôn phớt lờ những cảnh báo, khuyến cáo và chỉ đạo của cơ quan chức năng về các biện pháp chăm sóc, tiêm phòng, ngăn chặn dịch, bệnh trên gia súc, họ chăn nuôi gia súc với mong muốn làm giàu nhưng lại quá thờ ơ với “đầu cơ nghiệp” của mình. Những năm trước, dịch LMLM, Tụ huyết trùng gây chết gia súc do người dân không chịu bỏ 2 nghìn đồng để tiêm phòng; gia súc chết vì dịch, bệnh vẫn được thịt, bán công khai như không có chuyện gì xảy ra. Đã có thôn, xã đàn gia súc gần như bị xoá sổ chỉ vì sự chủ quan của người dân. Ngay như đợt rét hại vừa rồi, tập quán thả rông gia súc đã để lại hậu quả quá lớn, đẩy nhiều gia đình vào bước đường cùng. Mặc dù đã được vận động, khuyến cáo nhưng người dân vẫn không để ý, nhiều hộ trâu chết trên rừng vẫn không biết, chỉ đến khi đi tìm thì phát hiện nhiều con đã chết từ lâu. Có hộ chết đến hàng chục con trâu, bò. Hiện nay, cơn “chấn động” đã đi qua nhưng dư chấn của nó vẫn quá nặng nề đối với người dân.

Để giảm bớt thiệt hại cho người dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Quyết định 201/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí mua giống lúa khôi phục sản xuất vụ Đông - Xuân và con giống khôi phục chăn nuôi trâu, bò bị thiệt hại do ảnh hưởng rét đậm, rét hại vừa qua. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% giá giống lúa theo cơ cấu giống và thời vụ sản xuất vụ Đông - Xuân ở từng địa phương. Mỗi con trâu, bò, bê, nghé chết do rét được hỗ trợ bình quân 1 triệu đồng/con. Nguồn dự phòng T.Ư hỗ trợ 30%, địa phương 70%. Hộ nông dân được khoanh nợ vay trong vòng 12 tháng đối với số dư nợ đến ngày 29.2.2008 của các khoản vay mà các hộ nông dân vùng bị thiệt hại do rét đậm, rét hại đã vay các ngân hàng thương mại nhà nước để chăn nuôi trâu, bò. Và tỉnh cũng có nhiều biện pháp cấp bách giúp đỡ người dân. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, chăn nuôi gia súc hàng hoá chỉ thực sự phát triển, đối phó được với các tai ương khi người nông dân thay đổi tập quán và nhận thức.


Vĩnh Phúc

Cùng chuyên mục

Xã việt vinh khắc phục hậu quả do rét đậm cho cây trồng, vật nuôi
(HGĐT)- Thời gian rét đậm kéo dài hơn 1 tháng đầu năm nay, đã gây ra thiệt hại rất lớn cho cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của người dân Xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, với 104,08 ha lúa và 48 con trâu, bò chết rét.
29/02/2008
Ngành Thuế quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách năm 2008
(HGĐT)- Năm 2008 là năm tiếp tục thực hiện đẩy mạnh cải cách toàn diện hệ thống thuế, thực hiện có hiệu quả Luật Quản lý Thuế.Bộ Tài chính giao nhiệm vụ thu nội địa cho tỉnh ta 174,8 tỷ đồng, UBND tỉnh giao cho ngành Thuế tỉnh thu 180 tỷ đồng.
27/02/2008
Hiệu quả trong kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách
(HGĐT)- Thực hiện chủ trương cổ phần hóa theo đường lối đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, Công ty Cổ phần Xe khách Hà Giang là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên của tỉnh chuyển hình thức sở hữu sang công ty cổ phần. Sau gần 8 năm thực hiện, công tác cổ phần hóa đã mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp ở đây.
27/02/2008
Hiệu quả của việc dùng than tổ ong không mùi, thay thế chất đốt truyền thống ở Mèo Vạc
(HGĐT)- Dùng than tổ o­ng không mùi, người dân huyện Mèo Vạc được dùng nhiên liệu không ô nhiễm môi trường, giá thành lại rẻ hơn giá thị trường 300 đến 400 đồng/viên, thời gian cháy lại lâu hơn 1 tiếng. Điều đặc biệt là so với việc dùng củi, than tổ o­ng không mùi sẽ tiết kiệm được cho các hộ khoảng trên 20.000 đồng/ngày và rừng vì thế hạn chế bị phá hoại.
27/02/2008