Hoa ngày Tết và những điều trăn trở
(HGĐT)- Trên các ngả đường của thị xã Hà Giang bắt đầu từ ngày 20 âm lịch trở đi đã xuất hiện những xe chở hoa từ các nơi đổ về. Nói là các nơi nhưng chủ yếu là của người dân xung quanh thị xã đi lấy ở những vùng lân cận về đem bán ra thị trường.
Chọn cây cảnh chơi xuân. (Ảnh: Minh Tâm) |
Cũng như mọi năm, nhu cầu chơi hoa trong ngày Tết năm nay rất được ưa chuộng với nhiều kiểu dáng hoa, nhiều loại màu sắc thuộc các loại hoa khác nhau như: Hoa ly, dơn, cúc, hồng, phăng, đào các loại… được bày bán ở nhiều địa điểm khác nhau trong thị xã, khiến cho không khí ngày Tết càng trở nên sặc sỡ hơn.
Theo nhận định của nhiều người mua và bán hoa năm nay, thị trường hoa tại Hà Giang “đắt” hơn mọi năm rất nhiều, nguyên nhân chính là do thời tiết năm nay diễn biến thất thường, sương muối, rét đậm kéo dài làm cho một số hoa trồng tại Hà Giang không phát triển được, hay có chăng cũng không được như ý. Theo giá thị trường, mỗi một cành hoa Ly có giá từ 30 – 50 ngàn đồng, bình quân mỗi gốc đào ghép được trồng tại Hà Giang có giá khoảng 400 – 500 ngàn đồng. Vấn đề đi chợ mua hoa trong ngày Tết dường như đang trở thành một sự quan tâm của nhiều người, bởi ai cũng muốn chọn cho mình một loài hoa yêu thích, phù hợp với điều kiện của gia đình. Vì thế nên có nhiều người đi chợ rất lâu mới có thể chọn được một chậu hoa ưng ý. Chơi hoa trong ngày Tết thật sự trở thành một “phong trào” đang thịnh hành từ nhiều năm nay, đặc biệt trong những gia đình có điều kiện ở thị xã. Điều đáng nói là tại tỉnh ta, người dân mới chỉ dừng lại ở góc độ “thưởng thức” còn thực tế chăm sóc hoa thì chưa nhiều.
Tiếc cho một tiềm năng chưa khai thác hết
Là một tỉnh vùng cao, Hà Giang có rất nhiều tiềm năng về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu thuận lợi để cây hoa sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó tập trung chủ yếu ở các điểm như: Đồng Văn, Quản Bạ, thị xã Hà Giang, Vị Xuyên…. Nhưng đến nay, để duy trì được một vùng chuyên trồng hoa với quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao bán ra thị trường trong dịp Tết nguyên đán thì chưa nhiều. Đến nay, hầu như các điểm trồng hoa này không có nhiều hàng đẹp, một số nơi chỉ còn lại lác đác số ít hộ gia đình (đa số là dân dưới xuôi lên) trồng với quy mô nhỏ lẻ, phần lớn vẫn đang còn phụ thuộc vào tự nhiên. Chúng tôi có dịp dạo quanh một vòng ở Hà Giang, đến các điểm trồng hoa như: Quản Bạ, thị xã Hà Giang… cơ cấu hoa ở đây rất “nghèo”, chủ yếu là hoa đào, cúc, lác đác có nơi trồng hoa hồng, dơn… một cách “nhỏ giọt”, trên quy mô cá thể hộ gia đình không có khu tập trung, trong khi đó nguồn lợi do trồng hoa mang lại lớn gấp nhiều lần so với trồng lúa và các cây lương thực khác. Thực tế đã chứng minh từ vài năm trước, khi có dự án đầu tư trồng thí điểm, có những HTX đã “ăn nên làm ra” từ nhiều mô hình trồng hoa và có những gia đình hiện nay vẫn đang làm giàu nhờ trồng hoa. Điển hình như gia đình ông Phạm Vinh Quy ở phường Quang Trung (TXHG), mỗi năm thu nhập trừ chi phí cho lãi khoảng gần 100 triệu đồng từ việc trồng hoa đào. Nhưng đây cũng chỉ là con số rất ít. Nguyên nhân vẫn là do người dân bản địa chưa biết cách trồng hoa, chưa tự giác học hỏi kinh nghiệm, có tính ỷ lại, chủ yếu trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước và còn thiếu vốn, KHKT để đẩy mạnh phát triển nghề trồng hoa. Vì vậy, thị trường hoa ngày Tết ở Hà Giang luôn “đắt” do phụ thuộc nhiều vào nguồn hoa dưới xuôi và thiếu sắc mầu hoa mang tính bản địa.
Làm gì để khai thác những tiềm năng?
Đây là câu hỏi của rất nhiều người dân địa phương và những ai quan tâm đến thế mạnh trồng hoa của vùng. Theo nhiều người dân ở Quản Bạ, tuy đây là vùng đất tốt, có khí hậu thuận lợi, nhưng trên thực tế khả năng giữ ẩm của đất lại rất kém, vì vậy để trồng được hoa và có cơ cấu hoa đa dạng thì cần phải đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư xây dựng hệ thống nhà che sương muối ở Đồng Văn…, để cây hồng có thể duy trì và phát triển được ngay cả trong mua đông lạnh, chống lại những diễn biến bất thường của thời tiết, đưa KHKT vào ứng dụng một cách rộng rãi trong các vườn hoa, phổ biến cho người dân, đặc biệt là người dân bản địa cách thức chăm sóc, trồng cấy hoa, mạnh dạn đầu tư phát triển nhiều loại hoa khác nhau có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Nhưng đây lại là một vấn đề còn quá lớn với nhiều người dân địa phương. Nếu như chúng ta khắc phục những vấn đề đó như nhiều tỉnh thành khác thì chắc hẳn những tiềm năng về trồng hoa và nguồn lợi do cây hoa mang lại sẽ được khai thác triệt để vào phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư này cũng không nên dàn trải, bởi tỉnh ta còn nghèo, nếu làm được điều đó trong một thời gian ngắn thì sẽ rất khó. Nhưng nếu đầu tư khoanh vùng, có trọng tâm, trọng điểm để căn đúng vào dịp Tết Nguyên đán thì chắc chắn sẽ phát huy được vai trò của hoa trong sự nghiệp phát triển kinh tế địa phương, khắc phục được phần nào vấn đề nhập hoa từ dưới xuôi lên.
Ý kiến bạn đọc