“Đột phá” trong chuyển đổi mùa vụ ở Bắc Mê

16:28, 25/01/2008

(HGĐT)- Là mảnh đất trù phú, giàu tiềm năng của tỉnh, huyện Bắc Mê có tổng diện tích tự nhiên gần 84 nghìn ha, trong đó có hơn 55% diện tích đất nông, lâm nghiệp và là huyện có diện tích lúa nước tương đối lớn so với cả tỉnh, cùng với địa hình và thời tiết khí hậu khá thuận lợi, đã và đang tạo cho Bắc Mê có điều kiện để phát triển các loại cây trồng nông, lâm nghiệp.


 
 Bà con nông dân xã Yên Định (Bắc Mê) cấy lúa Xuân sớm, thực hiện chuyển đổi mùa vụ.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, do phương thức, tập quán canh tác của người nông dân nơi đây vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, lạc hậu, tự phát... nên dẫn đến năng suất, hiệu quả không cao, gây ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân và ảnh hưởng đến các loại cây trồng cho vụ mùa tiếp theo.


Xuất phát từ thực trạng đó, vụ sản xuất Đông -Xuân năm nay, Bắc Mê đã quyết tâm đột phá, làm một cuộc cách mạng, nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phá bỏ tập tục canh tác lạc hậu, manh mún.


Tìm hiểu về bước đột phá này, chúng tôi được đồng chí Đặng Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để phát huy được thế mạnh của địa phương và thay đổi nhận thức của người dân, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã với mục tiêu quyết tâm chuyển đổi mùa vụ trong sản xuất vụ xuân năm nay bằng việc cấy lúa xuân sớm đạt từ 50- 60% trên tổng số hơn 600 ha diện tích lúa nước trên toàn huyện trước Tết Nguyên đán và sẽ kết thúc trong tháng 2, đồng thời triển khai trồng ngô, đậu tương, lạc xuống chân ruộng một vụ, nhằm kịp thời gian thu hoạch và bắt tay vào sản xuất vụ mùa và triển khai sản xuất vụ 3 đối với các loại cây công nghiệp ngắn ngày, khắc phục tình trạng gieo cấy muộn từ 1,5 đến 2 tháng so với các huyện, thị có cùng tiểu vùng khí hậu. Điều đáng chú ý là thông qua đợt triển khai này, cùng với sự tham gia phối hợp của MTTQ và các đoàn thể, đặc biệt là tới từng cán bộ, đảng viên cho thấy được người nông dân đều đồng tình và hưởng ứng rất cao. Điều này cũng phản ánh công tác triển khai ở các năm trước còn có nhiều mặt hạn chế, các cấp, các ngành của huyện chưa thật sự quan tâm vào cuộc.


Chứng kiến bà con nhân dân xã Yên Định trong ngày đầu tiên ra quân, đây là xã được huyện chọn làm điểm đầu tiên trong chuyển đổi sản xuất vụ xuân năm 2008, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước tinh thần lao động hăng say, nhiệt tình của bà con nông dân, đã làm quên đi cái rét và dưới trời mưa phùn nhẹ. Như có được niềm vui, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, kiêm chủ tịch HĐND xã chia sẻ: Để có được không khí lao động khẩn trương như ngày hôm nay, thời gian qua, Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề, đồng thời giao cho từng đồng chí đảng viên trong BCH triển khai tới từng chi bộ, thôn bản và toàn thể nhân dân. Đặc biệt ngay sau khi được tuyên truyền Nghị quyết chuyên đề và phân tích của cán bộ lãnh đạo xã, bà con nhân dân đã hiểu về cơ sở khoa học và tính phù hợp từ việc chuyển đổi, từ đó thay đổi nhận thức và cách làm mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Bên 60 tuổi ở thôn Nà Yến dừng tay bừa nói với chúng tôi: Những năm trước do cấy muộn, năng suất lúa đạt rất thấp và không làm được vụ 3, năm nay lúa cấy sớm, chắc chắn năng suất lúa sẽ cao hơn và tránh được bệnh rầy nâu. Chị Ban Thị Tình cũng vui vẻ nói: Mọi năm đều cấy sau tết, năm nay nhờ có mương dẫn nước về tận ruộng, lại được cán bộ xã chỉ bảo, chúng tôi đều cấy trước tết và để đến vụ mùa sẽ gieo trồng được sớm hơn, năm nay bà con ăn tết cũng sẽ vui hơn mọi năm vì công việc ngoài đồng ruộng đã hoàn thành. Anh Ban Văn Liêu, Bí thư chi bộ thôn Nà Yến đang cùng tham gia cấy lúa với bà con cũng cho biết thêm: Toàn thôn có 69 hộ, hiện tại còn 5 hộ nghèo, năm nay do được quan tâm đầu tư của huyện, cải tạo được nguồn nước, chúng tôi sẽ quyết tâm gieo cấy 2 vụ lúa trên tổng diện tích hơn 10 ha và trồng ngô, lạc, đậu tương vụ 3, chắc chắn sẽ cho kết quả tốt và không còn có hộ nghèo trong thôn... Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Long Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã thì vui vẻ nhận định: Thực sự đây là một cuộc cách mạng về chuyển đổi mùa vụ ở Bắc Mê nói chung và xã Yên Định nói riêng, nó đã làm thay đổi được nhận thức và tập tục canh tác của người nông dân từ bao đời nay, tin tưởng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nhân dân.


Có thể khẳng định, với những bước cải cách và đột phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong phát triển kinh tế từ nông nghiệp, Đảng bộ huyện Bắc Mê đã và đang có hướng đi và cách làm đúng đắn, kịp thời và có thể coi là một cuộc “cách mạng xanh” của huyện, với quyết tâm không cam chịu đói nghèo trên mảnh đất giàu tiềm năng, thế mạnh. Chúng ta cùng tin tưởng và hy vọng từ vụ xuân năm nay cũng như các vụ mùa tiếp theo, Đảng bộ và nhân dân trong toàn huyện sẽ gặt hái được nhiều thành công từ những cánh đồng bội thu, nâng cao được đời sống của người nông dân trong huyện.


Hữu Thụy

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sau 3 năm triển khai hoạt động khuyến công trên địa bàn
(HGĐT)- Thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ - CP ngày 9/6/2004 của Chính phủ về “Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn”, ngày 19/10/2004, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 3181 về việc thành lập Trung tâm khuyến công và tư vấn công nghiệp để thực hiện các hoạt động khuyến công và tư vấn khuyến công nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, từng bước thực
25/01/2008
Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp “chia” giá cùng nông dân
(HGĐT)- Đến nay, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp đã cung ứng cho nông dân 80 tấn giống các loại để phục vụ sản xuất Đông- xuân.
23/01/2008
Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp “chia” giá cùng nông dân
(HGĐT)- Đến nay, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp đã cung ứng cho nông dân 80 tấn giống các loại để phục vụ sản xuất Đông- xuân.
23/01/2008
Phát triển đường GTNT ở tỉnh ta
(HGĐT)- Nghị quyết của Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 xác định: Giao thông nông thôn (GTNT) được coi là kết cấu hạ tầng quan trọng, phải được ưu tiên đi trước một bước, tạo tiền đề cho việc xây dựng các lĩnh vực khác, nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hoá, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển KT-XH.
21/01/2008