Nhập siêu kỷ lục: 12,45 tỉ USD
Trong khi Việt Nam xuất siêu lớn sang Mỹ và nhiều nước có công nghệ nguồn tiên tiến châu Âu thì riêng nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới 7,5 tỉ USD, chủ yếu nhập hàng tiêu dùng và thiết bị chưa phải tiên tiến...
Theo Tổng cục Thống kê, năm nay xuất khẩu đạt 48,38 tỉ USD, tăng 21,5% so với năm ngoái và nhập khẩu lên đến 60,83 tỉ USD, tăng 35,5%. Như vậy là nhập siêu đã tăng vọt lên 12,45 tỉ USD, cao gần gấp đôi năm ngoái và cao nhất từ trước tới nay.
Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu cũng cao gấp đôi năm trước (25,6% so với 12,7%), là tỷ lệ cao nhất tính từ năm 1998 đến nay và vượt xa tỷ lệ bình quân từ 1998 đến 2006 (14,9%).
Nhập siêu đã vượt xa so với mục tiêu kế hoạch (12,45 tỉ USD so với 5,1 tỉ USD). Đó là chưa nói, mục tiêu của thời kỳ 2006-2010 là "kiềm chế được nhập siêu, phấn đấu tới cân bằng hợp lý cán cân xuất - nhập khẩu". Thậm chí chỉ tiêu cụ thể còn đặt ra xuất siêu 0,8 tỉ USD (tài liệu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010). Trong khi đó mới qua hai năm, mức nhập siêu đã lên đến trên 17,5 tỉ USD.
Đáng chú ý là chúng ta đã xuất siêu sang nhiều nước tiên tiến có công nghệ nguồn như Mỹ, Anh, Ý, Đức... Riêng thị trường Mỹ mức xuất siêu là rất lớn, năm 2006 chúng ta xuất siêu 6,85 tỉ USD, năm nay chỉ tính trong 9 tháng đã xuất siêu 6,3 tỉ USD. Trong khi đó chúng ta lại liên tiếp ở vị thế nhập siêu lớn đối với các nước ở gần như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc ở mức rất lớn: năm 2006 gần 4,4 tỉ USD (chiếm hơn 86% tổng mức nhập siêu của cả nước), năm nay vọt lên 7,5 tỉ USD (chiếm 60% tổng mức nhập siêu của cả nước), chủ yếu là nhập hàng tiêu dùng và các thiết bị chưa phải thuộc công nghệ tiên tiến.
Có ý kiến (thường là của các nhà quản lý lĩnh vực xuất, nhập khẩu) cho rằng nhập siêu như trên là cần thiết, vẫn nằm trong tầm kiểm soát, thậm chí vẫn là lành mạnh và vẫn chủ yếu là do nguyên nhân khách quan. Lập luận của họ là: Nhập khẩu tăng cao chủ yếu là để phục vụ sản xuất và đổi mới kỹ thuật - công nghệ ở trong nước. Đã có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt trên 10 tỉ USD, xăng dầu trên 7 tỉ USD, sắt thép gần 5 tỉ USD, vải 4 tỉ USD, điện tử, máy tính và linh kiện gần 3 tỉ USD, chất dẻo trên 2,5 tỉ USD, nguyên phụ liệu dệt, may, da trên 2 tỉ USD, hóa chất gần 1,5 tỉ USD, sản phẩm hóa chất trên 1,3 tỉ USD, ô tô nguyên chiếc và linh kiện trên 1,3 tỉ USD, thức ăn gia súc 1,1 tỉ USD, gỗ và nguyên phụ liệu gỗ trên 1 tỉ USD, phân bón trên 1 tỉ USD. Nhập khẩu tăng còn do giá nhập khẩu tăng, như xăng dầu (tăng 7%), sắt thép (tăng 21,9%), phân bón (tăng 13,4%), chất dẻo (tăng 9,8%), giấy (tăng 7,5%), sợi dệt (tăng 9%), bông (tăng 4,6%), lúa mì (tăng 56,6%),...
Nhưng nhập siêu quá cao như trên là không thể coi thường. Vì mức tuyệt đối và tỷ lệ nhập siêu đã tăng quá nhanh so với các năm trước và vượt xa so với định hướng kế hoạch. Vì chúng ta đã nhập khẩu cả những thứ mà trong nước có thể sản xuất được, nhưng do trong nhiều năm việc phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ trương nội địa hóa chậm. Vì trong số máy móc, nguyên nhiên phụ liệu đã nhập có không ít mặt hàng không những chưa phải là công nghệ nguồn, công nghệ sạch, mà còn có công nghệ cũ, lạc lậu, khiến cho Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải công nghệ.
Do hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất trong nước còn thấp, nên nhiều mặt hàng đã và đang thua ngay trên sân nhà, mặc dù những mặt hàng này có lợi thế giá nhân công rẻ, có nguồn nguyên liệu tại chỗ, ít phải tốn chi phí vận chuyển, điển hình là xi măng, mía đường, thức ăn gia súc... Tính gia công của sản xuất, kể cả sản xuất sản phẩm xuất khẩu còn lớn, giá trị xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng thấp, thực thu ngoại tệ ít. Tâm lý sùng hàng ngoại đang còn phổ biến, phần lớn cũng do chất lượng hàng hóa trong nước chưa cao, mẫu mã kém.
Ý kiến bạn đọc