Mô hình cải tạo giống dê xã Nấm Dẩn
(HGĐT)- Mô hình cải tạo giống dê tại thôn Thống Nhất, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) được triển khai với mục đích cải tạo đàn giống của địa phương, nâng cao chất lượng, trọng lượng đàn dê và bảo tồn nguồn gen tốt, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, cũng như giúp bà con bỏ dần lối canh tác, chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang nuôi dê hàng hoá có quy mô, chất lượng hơn.
Dự kiến trong một năm, tổng đàn dê của thôn sẽ cơ bản được lai tạo với giống tốt của mô hình, sau khi đàn dê sinh sản sẽ cung cấp giống tốt cho các hộ trong thôn.
Sau buổi làm việc tại BQL dự án huyện, chúng tôi được anh Nguyễn Công Đỉnh, cán bộ kiểm soát, đánh giá huyện đưa đi thực tế tại 3 hộ tham gia thực hiện mô hình. Trên đường đi, anh Đỉnh cho biết: Để có 12 con dê giống trị giá hơn 8 triệu đồng cho các hộ nuôi, chúng tôi phải đi khảo sát, tuyển chọn rất kỹ tại các hộ nuôi dê ở các khu vực lân cận và các hộ được nhận nuôi dê giống trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc phải có sổ sách ghi chép, theo dõi cập nhật thường xuyên, kịp thời phát hiện những biểu hiện khác thường, ốm đau của đàn dê để báo cho BQL dự án có biện pháp khắc phục kịp thời... Gia đình bà Ly Thị Nhọt, thôn Thống Nhất là nơi đầu tiên chúng tôi đến thăm. Một ngôi nhà sàn vững chắc nhưng rất trống trải, ngoài chiếc tivi kê giữa nhà thì không còn gì đáng giá hơn. Bà Nhọt cho biết: “Nhà tôi thật may mắn, đầu năm được vay tiền mua trâu của Nhà nước, đến tháng 11.2007 được dự án đầu tư cho 4 con dê giống. Thật chẳng có gì vui hơn nữa và từ bây giờ gia đình tôi quyết tâm dành hết thời gian, đầu tư tiền, sức lao động vào chăm sóc đàn dê để phát triển kinh tế gia đình”. Chia tay bà Nhọt, chúng tôi đến thăm gia đình ông Giàng Văn Nghiêm và ông Vàng Kim Xín, 2 hộ tiếp theo được nhận nuôi dê theo mô hình cải tạo dê giống. Theo quan sát của chúng tôi, những con dê của dự án được người dân nuôi dưỡng đều phát triển khỏe mạnh, không bệnh tật và đều to, lớn hơn những con dê khác của thôn…
Thăm 3 hộ được nhận nuôi dê tại thôn Thống Nhất, chúng tôi nhận thấy hoàn cảnh sống của họ đều rất khó khăn, vẫn còn sự chênh lệch về trình độ nhận thức so với các xã khác trong huyện nhưng với việc được thực hiện mô hình của dự án và qua các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thành hàng hoá; áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi... đã từng bước giúp người dân nâng cao trình độ nhận thức, được trang bị những kiến thức cơ bản trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ, XĐGN cho chính mình với thế mạnh sẵn có của địa phương.
Ý kiến bạn đọc