Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Miện
(HGĐT)- Vừa qua, tại thôn Phú Tỷ I, xã Na Khê, huyện Yên Minh, Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện sông Miện do UBND huyện Yên Minh phối hợp với Công ty Bát Đại Sơn, Điện lực tỉnh, Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Bộ Xây dựng (LiCoGi) đã được tổ chức.
Quang cảnh buổi khởi công. |
Các đồng chí Hoàng Đình Châm, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Thị Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Điện lực tỉnh, huyện Yên Minh; Quản Bạ; ông Phạm Trung Tuyến, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty LiCoGi; lãnh đạo các sở ngành của tỉnh, cán bộ công nhân viên Điện lực tỉnh, Công ty Cổ phần Bát đại sơn, Công ty LiCoGi 15 và đông đảo bà con nhân dân các dân tộc hai xã biên giới Na Khê (Yên Minh), Bát Đại Sơn (Quản Bạ) đã có mặt tham dự buổi lễ.
Nhà máy thủy điện sông Miện, được đánh giá là công trình thủy điện nhỏ, gồm 2 tổ máy phát điện có tổng công suất 6 MW, sản lượng điện bình quân khoảng 22 triệu kWh/năm và có tổng mức đầu tư gần 118 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Bát Đại Sơn, là doanh nghiệp được sáng lập từ các cổ đông là cán bộ công nhân viên Điện lực tỉnh (chiếm 51% cổ phần) và Chi nhánh Thăng long - Công ty Tài chính dầu khí, Công ty Cổ phần Thương mại - Xây lắp công nghiệp Thăng Long cùng một số cổ đông khác làm chủ đầu tư. Sau một thời gian tích cực phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh và hai huyện Yên Minh, Quản Bạ, Công ty Cổ phần Bát Đại Sơn đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bắt đầu khởi công xây dựng Nhà máy với mục tiêu: Tăng thêm độ an toàn cấp điện trong khu vực; đấu nối vào lưới điện Quốc gia khu vực tỉnh Hà Giang; giảm cắt lũ vùng hạ du nhà máy, đồng thời tăng điều tiết lưu lượng về mùa cạn, điều hòa dòng chảy giữa các mùa, tạo cảnh quan môi trường sinh thái lành mạnh và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương... Dự kiến sau hơn 20 tháng thi công các hạng mục công trình của Nhà máy, gồm đập chính dâng nước có chiều dài 93 m, chiều cao 26 m; đập tràn tự do có cao trình đỉnh 466 m, bề rộng khoang tràn 65 m, khả năng xả lũ thiết kế 1.275 m3/s; Nhà máy thủy điện kiểu hở bằng bê tông cốt thép phía sau thân đậpvà công trình dẫn dòng… với khối lượng 174.000 m3 đất đá đào đắp, 40.000 m3 bê tông, 570.000 tấn sắt thép, 10 m3 cốt phaNhà máy thủy điện sông Miện sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, đồng thời trên địa bàn giáp ranh 2 xã biên giới Na Khê – Bát Đại Sơn sẽ xuất hiện một hồ chứa có dung tích 4.380 m3 nước và có diện tích mặt hồ rộng 0,624 km2.
Cùng với ý kiến phát biểu cam kết của 2 đơn vị chủ đầu tư Công ty Cổ phần Bát Đại Sơn và đại diện nhà thầu thi công Công ty LiCoGi 15, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty LiCoGi nhấn mạnh: Là Tổng Công ty Nhà nước với 30 đơn vị trực thuộc và lực lượng hùng hậu gồm trên 20.000 cán bộ công nhân viên, trong những năm qua Tổng Công ty LiCoGi đã được Nhà nước tin cậy giao thi công nhiều công trình quan trọng của đất nước. Tổng vốn đầu tư bình quân hàng năm của Tổng Công ty đạt con số từ 400 đến 500 triệu USD, giá trị xây lắp hàng năm đạt khoảng 5.000 đến 6.000 tỷ đồng. Tham gia xây dựng Nhà máy thủy điện sông Miện, Tổng Công ty LiCoGi xác định đây là sự khởi đầu, là cơ hội để Tổng Công ty triển khai khai thác đầu tư vào tỉnh, vì thế Tổng Công ty cam kết chỉ đạo đơn vị thành viên thi công đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra. Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Hoàng Đình Châm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh vui mừng thông báo: Nhà máy thủy điện sông Miện là nhà máy thủy điện thứ 10/24 nhà máy nằm trong quy hoạch nhà máy thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Hà Giang giai đoạn I đã được bộ Công thương phê duyệt và được triển khai xây dựng. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhiệt liệt biểu dương tinh thần cố gắng, sự phấn đấu nỗ lực của Công ty Cổ phần Bát đại Sơn và Nhà thầu thi công đã có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh và hai huyện nhanh chóng đưa dự án nhà máy thủy điện Sông Miện vào khởi công xây dựng. Đồng chí chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo đúng quy định của Luật đầu tư xây dựng; làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng và đặc biệt cần phát huy lợi thế về thời gian khô hạn kéo dài, lợi thế về gần đường quốc lộ, gần lưới điện quốc gia để rút ngắn thời gian thi công nhà máy xuống thời gian ngắn nhất, trên tinh thần đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và đặc biệt là đảm bảo an toàn lao động tại công trường thi công.
Ý kiến bạn đọc