Ngô lai lên Đồng Văn
(HGĐT)- Bên bếp lửa, bà Sùng Thị Mỷ, 73 tuổi, bản người Mông Séo Lủng lặng lẽ ngồi tẽ từng hạt ngô. Mãi rồi bà cũng bảo: Số hạt ngô từ quả bắp lai này to hơn, nhiều hơn so với số hạt ngô giống bắp địa phương.
Từ phía ngoài, mấy phụ nữ lưng đeo quẩy tấu chất đầy ngô ào vào-Họ là người cùng bản Séo Lủng đến giúp nhà Ly Trống Già thu hái ngô. Ly Trống Già là con trai bà Mỷ, anh đang cùng những người đàn ông khác thu hái ngô ngoài triền sông Nho Quế. Chị Tra Thị Sung, một trong số phụ nữ mới vào, cho biết: Bản người Mông Séo Lủng thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Dưới chân dốc đầu bản là dòng sông Nho Quế, người khoẻ bơi một hơi là sang đất Trung Quốc... Giây lát dừng lời, bà khoe: Nhà đã có 5 con bò, 2 con lợn và nhiều gà thả ngoài đồi.
Nhìn đống ngô mới thu hoạch về chất đống giữa nhà, trước cửa có chuồng bò, sàn lát cây, ai cũng biết nhà Ly Trống Già thuộc diện kinh tế khá giả. Buông bắp ngô trên tay, bà Mỷ bảo: Cán bộ khuyến nông nó về dạy cho dân mình trồng cây bắp lai, nuôi con bò hàng hoá để xoá đói giảm nghèo.
Khi nói chuyện xoá giảm đói nghèo, ông Ly Mí Ná, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, cho biết: Cả xã có 669 hộ, 3.800 khẩu cùng đoàn kết sinh sống tại 9 xóm, bản, người Mông chiếm 88%, số còn lại là người Lô Lô. ở đây, việc sản xuất rất khó khăn, vì trong tổng số đất đai tự nhiên của xã có hơn 3.000 ha, nhưng chỉ có hơn 400 ha đất gieo trồng, cây ngô được coi là cây lương thực chính.
Băn khoăn của ông Ly Mí Ná cũng là sự trăn trở của Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Đồng Văn. Hôm trước, ông Hoàng A Chinh, Bí thư Huyện uỷ, nói với chúng tôi: Đồng Văn chỉ có đá và đá, đất sản xuất thiếu, nguồn sinh thuỷ hiếm, trong tổng số 459,08 km2 đất đai tự nhiên, rừng núi đá chiếm hơn 73%, còn lại chưa đầy 27% đất sản xuất nông nghiệp. Với Đồng Văn, cách duy nhất để giảm được số hộ nghèo là tiếp tục nâng cao nhận thức, mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT sản xuất cho đồng bào, vận động đồng bào đưa cây ngô lai vào gieo trồng thay cây ngô giống địa phương. Đồng thời, với những khu vực đất sản xuất thuận nguồn nước, vận động đồng bào đầu tư cho cây lúa Khẩu Mang đặc sản...
Cuối tháng 9, đang vụ thu ngô, chúng tôi không phải chứng kiến cảnh đồng bào bốc từng nắm đất bỏ vào hốc đá, sau bỏ hạt ngô. Nhưng, nhìn thăm thẳm những rừng đá nối tiếp rừng đá thì thấy thương người, thương cả cây ngô. Ông Cù Duy Man, Phó Chủ tịch UBND huyện, tâm sự: Đồng bào trên cao nguyên đá rất quý cây ngô. Dạo Nhà nước mở đường lớn lên Đồng Văn, 1 cây ngô được bồi thường 10.000 đồng có người còn chưa thích.
Khó khăn nhất là làm thế nào để xoá bỏ được tập quán canh tác lạc hậu trong đồng bào. Ông Mai Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Đồng Văn, khái quát: 19 xã, thị trấn đều có cán bộ khuyến nông; 224 thôn, bản đều có đội ngũ khuyến nông hoạt động. Để nội dung các buổi tập huấn đến được với đồng bào, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở đều biết nói tiếng địa phương.
Để chúng tôi hiểu đầy đủ, Giàng Mí Say, cán bộ khuyến nông huyện bổ sung: Đến dự với các lớp tập huấn chuyển giao KHKT chủ yếu là phụ nữ. Số phụ nữ từ 40 tuổi trở lên phần nhiều không biết nói tiếng phổ thông. Rất nhiều người khác chưa thạo mặt chữ. Do vậy, cách tốt nhất là cầm tay chỉ việc, trực tiếp trao đổi luôn ngoài nương, ruộng.
Giàng Mí Say là người con của Đồng Văn, đã hơn 10 năm trong nghề, anh hiểu cán bộ khuyến nông cần làm việc gì, như thế nào đồng bào mới nghe và làm theo, nhất là ở vùng cực Bắc này-đất và nước đều thiếu, chỉ có đá là thừa. Anh Hoàng Văn Tám, đồng nghiệp của Say, chỉ cho chúng tôi xem vạt ngô bên sườn Mã Pí Lèng: Đó là giống ngô lai CP-888 và CP-999, cả huyện năm nay có hơn 7.000 ha đất trồng ngô, trong đó có khoảng trên 2.000 ha đất trồng cây ngô lai. Như thế, đã là một thắng lợi trong công tác khuyến nông. Đặc biệt ở vụ ngô này, chúng tôi vận đồng đồng bào trồng thử nghiệm thêm 1.000 m2 giống ngô Biosed.
Thực ra, trên cao nguyên đá Đồng Văn, cán bộ nông nghiệp đã mang giống ngô mới về vận động đồng bào gieo trồng từ hơn chục năm nay. Có vụ, trên 1 diện tích gieo trồng thử 2 vụ ngô lai, nhưng thất bại vì khi cây ngô phun dâu, gặp lạnh không ra hạt. Đành là thử nghiệm, nhưng đồng bào nghi hoặc, vậy là tháng Ba, mùa tra hạt, không ai bảo ai, mọi người cứ hạt giống bắp cũ mang ra nương bỏ vào rạch, thậm chí có người còn đăng ký mua vài cân ngô giống mới, mang về... xay ra làm mèn mén chứ không để gieo trồng.
Lỗi là tại... thiên nhiên khắc nghiệt, mùa lạnh dài hơn mùa ấm, nên đất đá nơi đây chỉ thích hợp cho 1 vụ ngô. Rút kinh nghiệm, cán bộ khuyến nông vận động đồng bào xây dựng ô mẫu ngô lai giống mới. Nhưng, việc triển khai rất khó khăn, cán bộ khuyến nông phải làm cam kết với đồng bào: Nếu không có thu hoạch, Nhà nước sẽ bồi thường lại ngang bằng với sản lượng trên mảnh đất làm ô mẫu vụ trước đạt được.
Đương nhiên, hộ tham gia làm ô mẫu được lựa chọn là hộ chịu đổi mới, chịu khó lao động và có kinh nghiệm sản xuất. Có chỗ, cán bộ khuyến nông còn phải thuê lại đất của đồng bào, thuê nhân công địa phương trực tiếp làm, cuối vụ mời đồng bào ra nương, hội thảo, so sánh giữa cây ngô lai giống mới và cây ngô địa phương... Thấy hiệu quả, đồng bào dành đất trồng cây ngô lai, cứ như quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông để gieo hạt, chăm sóc và thu hái. Đó là vào năm 1998 và năm 2000, Đồng Văn được mùa ngô ngoài nương, song lại bị mất mùa ngô ngay trong nhà.
Ông Sùng Dúng Lù thở dài: Nhìn mọt bay mà gan ruột đắng như ăn phải phân con dê. Ngô hỏng, lợn cũng không ăn được, mang nấu rượu lại càng không nên, đành đổ đi... Dạo đó, nhiều hộ hò nhau mang quả ngô đi đổ, nhưng lại không có ngô làm bột mèn mén.
Ông Vừ Mí Mua, cán bộ khuyến nông ở bản Ma Xí B, xã Ma Lé, cầm cho tôi xem cái bắp lai mới thu về hồi sáng, bảo: Đồng bào hoang mang lắm, ai cũng thích bắp ngô to nhưng sợ con mọt nó cắn hết chất bột. Ngay cả tôi cũng sợ, vì trồng được cây ngô ra bắp đã cực, mang được sinh ngô về đến nhà cũng cực, nhưng cực hơn là chính bản thân mình phải mang cái ăn trước miệng đi đổ.
Như mọi người trong bản, Mua đau lắm. Đã thế, vợ lại cằn nhằn: Mày làm khuyến nông, mày đi dạy dân trồng cây ngô có bắp mà không có ăn thì đừng làm... Vợ trách, người cùng bản trách, Mua nín lặng, tiếp tục vận động gia đình trồng cây ngô lai. Vừa làm vừa giải thích: Ngô nó mọt vì mình không biết cách bảo quản, vụ này đi lấy ở nương về là phải phơi cho nó khô, đựng trong thùng kín, con mọt mới không ăn được.
Nhiều cán bộ khuyến nông thôn, bản và cán bộ xã lại tiếp tục tích cực đi đầu trong việc trồng cây ngô lai. Cán bộ Nhà nước mở thêm nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cho đồng bào cách bảo quản ngô sau thu hoạch, như: Dùng nước ozon; thảo dược Trung Quốc. Năm 2004, Nhà nước hỗ trợ cho một số hộ có nhiều ngô lai máy tẽ ngô, máy xấy ngô và thùng tôn đựng ngô. Tại những hộ tuân thủ đầy đủ quy trình bảo quản như hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, ngô cất giữ đảm bảo không bị mọt xâm hại. Kết quả này cho đồng bào yên tâm hơn khi tham gia vào việc chuyển đổi đất sang gieo trồng cây ngô lai. Bà Thào Thị Say, người bản Mông Ma Xí, hăng hái khoe: Trồng cây ngô lai, trong nhà có nhiều hạt bắp làm mèn mén đến vụ sau, nhà mình không phải ăn củ dong giềng thay để đợi vụ.
Trở lại câu chuyện ở bản người Mông Thèn Pả (Lũng Cú), trưởng bản Giàng Trờ Già, tâm đắc: Làm cây ngô lai giống mới, trong nhà có nhiều ngô hơn, cái bụng yên tâm hơn. Ngày giáp vụ, có ngô mang ra chợ bán, cứ là ngô, không phân biệt bắp lai hay bắp địa phương, tiền bán như nhau, từ 3.500 đồng đến 4.000 đồng 1 cân.
Lời Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, ông Ly Mí Ná, thì Giàng Trờ Già là người biết làm ăn trong xã, nên được chọn làm cán bộ khuyến nông của bản Thèn Pả. Hằng ngày, ngoài việc chăm lo cho mảnh nương của mình, Giàng Trờ Già còn tích cực vận động bà con trong bản tham gia như lời cán bộ Nhà nước hướng dẫn. Vậy là vùng đất đai ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú-đỉnh đầu Tổ quốc, trên nương có cây ngô lai thay cây ngô giống cũ, dưới ruộng có cây lúa Khẩu Mang đặc sản. Già bảo: Phải biết làm, biết đầu tư thì cây giống mới cho thu hoạch.
Cũng trên miền cực Bắc đầy mù mây, ngoài cây ngô lai, đồng bào các dân tộc đã mạnh dạn hơn trong sản xuất, ngay cả cây lúa đặc sản Khẩu Mang, cơm gạo dẻo, thơm và cả đồng bào người Mông cũng cấy trồng có hiệu quả. Năm nay, cây lúa Khẩu Mang đã phát triển trên diện tích của các xã Đồng Văn, Lũng Cú, Ma Lé, Lũng Táo, Phố Là, Phố Cáo... Bà Lý Thị Dí cho biết: 1 cân gạo Khẩu Mang bán tại chợ huyện được 12.000 đồng. Ông Sùng Trờ Giàng, cán bộ khuyến nông xã Lũng Cú, cho biết: Chúng mình chuyển giao KHKT cho đồng bào bằng tiếng của đồng bào thôi. Vụ này, 10 ha cây lúa Khẩu Mang của đồng bào xã mình đều tốt hạt.
Đất không tăng, nhưng sản lượng lương thực phải tăng mới đảm bảo được an ninh lương thực. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Đồng Văn đều xác định rất rõ điều đó. Và... những người vào cuộc, không ai khác-đó là đội ngũ cán bộ khuyến nông. Họ thực sự là người lính tiên phong trên mặt trận xoá giảm đói nghèo, giúp đồng bào chuyển đổi được tư duy trong lao động sản xuất, từng bước xoá bỏ tập quán canh tác cũ để tiếp cận với cách làm mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bây giờ, trên cao nguyên đá, đồng bào người Mông, người Dao, người Lô Lô... không chỉ quen với cây ngô, đồng bào đã thuần thục cả việc gieo cấy cây lúa nước, mà sự khởi đầu bao giờ cũng vậy, đó là cách xây dựng ô mẫu. Ông Hà Xuân Huy, cán bộ khuyến nông xã Ma Lé, khẳng định: Mỗi ô mẫu cây trồng thành công được ví như “trang sử mới” trong sản xuất nông nghiệp được mở ra.
Vâng! đói nghèo được đẩy lùi bởi KHKT đã “ngấm” vào cuộc sống của đồng bào. Ngay trên con đường uốn chữ chi về bản, một mé là ta luy dương, mé bên kia là vực đá, Giàng Nhè Páo khoe: Páo ở Hố Hống Phìn, xa huyện lắm, phải mua cái xe máy đi thay con ngựa. Cái xe máy này Páomua bằng tiền bán bắp lai... Đoạn, Páo dừng lời nhìn mông lung lên ngọn núi Tùng Sán... Giây lát, Páo tiếp lời: Nhiều nhà trong bản cùng trồng bắp lai, bán hạt bắp lai mua được vô tuyến xem thời sự...
Chuyện về cây bắp lai dài như dòng sông Nho Quế, ớn như ngọn gió Đông mà ngồn ngộn vui trong câu nói cười của đồng bào trên đường về bản. Nhưng, mấy ai hay, phía sau những hạt bắp lai là cả những cuộc đời nhọc nhằn của người cán bộ khuyến nông trên “mái nhà Tổ quốc”. Nhưng, họ đã vượt lên tất thảy lợi ích riêng để về với đồng bào, trang bị cho đồng bào kiến thức KHKT sản xuất mới, với một lý tưởng giản dị-Cái bụng của đồng bào được no, thì cái tai mới nghe được lời Đảng.
Ý kiến bạn đọc