Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc

07:46, 16/11/2007

Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo trong đó nhận định, kinh tế Việt Nam năm nay vẫn tăng trưởng vững chắc chủ yếu nhờ xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng cá nhân, với mức GDP dự kiến tăng 8,3% trong chín tháng đầu năm.


Với nhan đề “Liệu Tự cường có giúp vượt qua được Rủi ro?”, Báo cáo cho biết ngành chế tạo và công nghiệp Việt Nam tăng tương ứng 12,5% và 10,2%, nông nghiệp tăng 3%, trong đó thuỷ sản đạt mức tăng kỷ lục 9% đã bù đắp sự sụt giảm trong ngành chăn nuôi do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên 10,2 tỷ USD năm 2006 và 9,6 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2007, tăng 38% so với năm ngoái. Cam kết FDI đã tăng nhanh sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Tỷ lệ giải ngân FDI tăng 20% đến tháng 9-2007, chiếm khoảng 6,8% GDP.

Bản báo cáo cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh (tăng 19,4% năm). Mặc dù xuất khẩu dầu thô giảm 10% do hạn chế về năng lực sản xuất, nhưng xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ sản, may mặc và giày dép lại tăng.  

Xuất khẩu hiện tại chiếm khoảng 72% GDP. Trong số các đối tác thương mại thì Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, chiếm gần 1/5 hàng xuất khẩu của Việt Nam, theo sau là EU, ASEAN và Nhật Bản. Ngành dệt may, một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng xuất khẩu trong những năm gần đây, đã tăng mức doanh số tại thị trường nước ngoài gần 32% trong chín tháng đầu năm. Việt Nam hiện là một trong 10 nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới, trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, chiếm 60%.
Báo cáo phân tích, mặc dù nhập khẩu có mức tăng trưởng nhanh dẫn đến tỷ lệ thâm hụt thương mại cao, dự tính đạt 7% GDP năm 2007. Thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến đạt 3% GDP trong năm nay so với mức 0,3% năm 2006. Tuy nhiên, tình hình cán cân thanh toán vẫn ổn định và sự thâm hụt tài khoản vãng lai được bù đắp chủ yếu bởi nguồn FDI không tạo nợ, viện trợ phát triển chính thức và nguồn thu của khu vực tư nhân.
Ngoài ra, tỷ lệ cam kết cao có nghĩa là nguồn đầu tư có thể tăng lên nếu có nỗ lực giảm những vướng mắc trong triển khai. Nguồn đầu tư gián tiếp cũng tăng nhanh năm 2006 và đầu năm 2007 do thị trường vốn phát triển nhanh chóng, nhất là thị trường chứng khoán phát triển bùng nổ.

Nguồn dự trữ ngoại tệ đã tăng nhanh từ mức 8,6 tỷ USD năm 2005 lên 11,5 tỷ USD năm 2006 và dự kiến đạt trên 20 tỷ USD vào cuối năm 2007. Nợ nước ngoài chiếm 31% GDP theo tỷ lệ danh nghĩa và 22% theo tỷ lệ thực.

Cuối cùng bản báo cáo khẳng định: “Trong tình hình hiện nay, Việt Nam vẫn là một nước có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài”.

Nguồn thu và chi ngân sách vẫn phát triển ổn định trong chín tháng đầu năm 2007. Theo tiêu chuẩn quốc tế, mục tiêu thâm hụt tài chính của chính phủ năm 2007 là 3,2% GDP. Theo xu hướng hiện tại, mục tiêu này có thể đạt được. Một phần tư thâm hụt dự kiến sẽ được bù đắp từ nguồn nước ngoài, còn lại được bù đắp từ nguồn trong nước.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo rằng mặc dù đầu tư của các công ty nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước tăng mạnh, nhưng tỷ lệ giải ngân từ ngân sách nhà nước vẫn còn thấp, cho thấy các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước triển khai chậm.

Về chứng khoán, báo cáo nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển nhanh trong hai năm qua. Vào cuối năm 2005, chỉ có 41 công ty niêm yết, với tỷ lệ vốn trên thị trường chứng khoán chưa đến một tỷ USD, tương đương với 1,2% GDP. Đến cuối tháng 9-2007, số các công ty niêm yết đã tăng lên 206, tổng giá trị vốn hoá thị trường vượt mức 22 tỷ USD, tương đương với 32,4% GDP. Bản báo cáo cho rằng, Luật Chứng khoán năm 2006 là động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế Đông Á
  2005 2006 2007 2008
Đông Á mới nổi 7,7 8,3 8,4 8,2
Đông Á phát triển 9,2 9,8 10,1 9,7
Đông Nam Á 5,1 5,4 5,7 5,8
       Indonesia 5,7 5,5 6,3 6,4
       Malaysia 5,0 5,9 5,7 5,9
       Philippines 4,9 5,4 6,7 6,2
       Thái-lan 4,5 5,0 4,3 4,6
Các nền kinh tế chuyển đổi        
Trung Quốc 10,4 11,1 11,3 10,8
Việt Nam 8,4 8,2 8,3 8,2
Các nền kinh tế nhỏ 7,8 7,2 6,4 6,2
Các nền kinh tế mới công nghiệp hoá 4,9 5,5 5,1 5,1
Hàn Quốc 4,2 5,0 4,8 5,1
Ba nền kinh tế khác mới công nghiệp hoá 5,5 5,9 5,4 5,1
Nhật Bản 1,9 2,2 2,0 1,8
Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Á,
tháng 10- 2007. 

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hướng đi mới cho ngành nông nghiệp thị xã
(HGĐT)- Thị xã Hà Giang có 1/3 dân số sống bằng nghề nông, tập trung chủ yếu ở các xã Ngọc Đường, Phương Độ, Phương Thiện, Phường Quang Trung.
31/10/2007
Giống lúa mới Vân Quang 14 được nông dân huyện Bắc Quang ưa chuộng
(HGĐT)- Với đặc tính có lợi thế vượt trội so với các giống lúa được gieo trồng đại trà trên địa bàn huyện, như thời gian sinh trưởng ngắn, tính kháng chịu sâu bệnh cao, năng suất cao, chất lượng tốt và giá trị hàng hóa cao hơn so với gieo trồng giống lúa lai Shan ưu 63 khoảng trên 10 triệu đồng/ha, nên sau 3 vụ được huyện Bắc Quang triển khai gieo trồng khảo nghiệm thành
29/10/2007
Xã Vĩnh Phúc thu 60 triệu đồng/1 ha cây khoai môn
Năm 2006, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang trồng 20 ha diện tích cây khoai môn. Đây là loại cây trồng không mới đối với nông dân, nhưng cho thu nhập cao; cây có nhiều ưu điểm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của xã. Năm 2007, xã Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu phấn đấu và đã trồng được trên 30 ha cây khoai môn.
27/10/2007
Mô hình nuôi thủy sản ở Mèo Vạc
(HGĐT) Từ thực tế cho thấy, việc đầu tư phát triển thuỷ sản trên địa bàn miền núi, vùng cao là một điều hết sức khó khăn do diện tích mặt nước rất ít, phần lớn lại nằm liền kề với khu vực sông suối nên nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống gây thiệt hại trực tiếp đến việc nuôi trồng thuỷ sản là điều không thể tránh khỏi. Nhận thấy, tại một số xã có tiềm năng phát triển thuỷ sản,
27/10/2007