Đá xẻ xuất khẩu - bài “toán khó” đã có lời giải
(HGĐT)- Hà Giang được nhiều người biết đến là quê hương của đá, mảnh đất biên cương với những dãy núi đá chập trùng, hùng vĩ được hình thành từ cách đây hàng triệu triệu năm.
Cồng trục 20 tấn đưa đá vào nhà máy.
Ngoài vẻ đẹp tiềm ẩn mang đậm nét hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng, việc nghiên cứu, tìm ra những mỏ đá quý để khai thác, phục vụ cho các công trình xây dựng cao cấp ở trong nước, đặc biệt là xuất khẩu, vẫn luôn là “bài toán” lâu nay chưa có lời giải. Song đến nay điều đó đã trở thành hiện thực, từ giữa năm 2006, nguồn tài nguyên ấy đã trở thành hàng hóa có mặt trên thị trường châu Âu, thu về nguồn ngoại tệ đáng kể cho doanh nghiệp.
Xuất phát từ những tâm huyết đến việc tìm hiểu thị trường nước ngoài và nhận thức được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, năm 2002, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Việt Long đã xây dựng Dự án khai thác sản xuất đá xẻ xuất khẩu ra nước ngoài, tập trung chủ yếu vào thị trường châu Âu. Đây là một loại đá được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao và hiện có rất nhiều ở Hà Giang, có tên gọi đá Mast Đen (Blusiton). Công ty cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua dây chuyền công nghệ, xây dựng Nhà máy đá xẻ Việt Long ở thị trấn huyện Vị Xuyên. Cùng với sản phẩm đạt chất lượng đã được kiểm nghiệm và được thị trường châu Âu chấp nhận, được nhiều chuyên gia quan tâm chú ý, đã mở ra cơ hội cho công ty hướng phát triển lâu dài, mang tính bền vững cao. Tính đến nay, tuy nhà máy mới chính thức đi vào khai thác được hơn một năm, nhưng hiệu quả về KT-XH, đặc biệt là nguồn ngoại tệ thu về khá ấn tượng. Nói chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Tân, thành viên Hội đồng quản trị công ty, người đầu tiên tìm ra mỏ đá xẻ và có ý tưởng xây dựng nhà máy, cho biết:Đá xẻ không phải là loại vật liệu xây dựng đơn thuần, mà là một loại vật liệu cao cấp bậc nhất, được sử dụng trong nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt là các công trình hiện đại ở những nước phát triển bởi tính trường tồn của nó. ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng, việc sử dụng đá làm ngoại thất trong các công trình xây dựng vẫn còn là một điều xa xỉ không những bởi sự sang trọng, quý giá của nó mà nguồn tài chính của chúng ta chưa thể cho phép. Những ngày đầu thành lập, công ty gặp không ít khó khăn bởi đây là một ngành sản xuất còn rất mới mẻ ở tỉnh ta, hơn nữa nhiều người còn cho rằng đầu tư vào lĩnh vực này khá mạo hiểm, do thị trường trong nước ít sử dụng, nguồn lao động tại địa phương tuy khá dồi dào song chưa qua đào tạo, hoặc vẫn còn quen với cách làm nông nghiệp thuần túy...; vì vậy việc sản xuất trên dây chuyền công nghệ, chủ yếu là dây chuyền thiết bị tự động hóa và làm việc theo tổ chức, kỷ luật lao động của nhà máy công nghiệp hiện đại đã khiến không ít công nhân gặp khó khăn, chán nản. Không lùi bước trước khó khăn, thử thách, lãnh đạo công ty quyết tâm đầu tư cho công nhân đi học các lớp về kỹ thuật sản xuất và trả tiền lương theo đúng hợp đồng thỏa thuận, mặc dù lúc này công ty chưa có thu nhập. “Đá không phụ công người”, rồi hiệu quả từ những tâm huyết được ấp ủ bao lâu nay cũng đã đến. Tháng 5. 2006, cầu dao điện nhà máy được đóng, cả hệ thống dây chuyền thiết bị đều vào guồng quay hoạt động, phiến đá đầu tiên được xẻ trước sự chứng kiến, niềm hạnh phúc của hàng trăm công nhân và ban lãnh đạo công ty. Sau một năm rưỡi hoạt động, hàng ngàn mét khối đá được chế tác thành sản phẩm cuối cùng, đạt tiêu chuẩn châu Âu và 98%, trong số đó được xuất khẩu sang thị trường EU, đặc biệt là các nước Bỉ, Đức, Hà Lan... phục vụ những công trình có kiến trúc hiện đại hoặc các công trình phúc lợi xã hội, chỉ có khoảng 2% sản phẩm được bán trong nước, thu nhập của hàng trăm công nhân cũng từ đó ngày càng được nâng lên. Hiện tại, mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 100m3, thu về nguồn ngoại tệ đáng kể, theo đó mức lương công nhân nhà máy ngày càng được cải thiện tích cực, bình quân mỗi công nhân có thu nhập từ 1,7 đến 2,5 triệu/tháng. Vinh dự hơn, ngày 3.5.2006, cán bộ và công nhân nhà máy được đón đồng chí Chủ tịch nước Trần Đức Lương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm, coi đây là một trong những nhà máy điển hình đi tiên phong trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Được biết, trong thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Dầu khí toàn cầu. Theo anh Tân, nguồn vốn vay tiếp tục đầu tư tuy không lớn, nhưng các ngân hàng Hà Giang vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, xem xét nên chưa đưa ra được quyết định cuối cùng. Dự kiến đến năm 2008, công suất nhà máy sẽ tăng lên gấp 3 lần so với giai đoạn hiện nay. Theo tính toán, khi công suất nhà máy được tăng lên, thu nhập của công ty cũng được tăng theo tỷ lệ thuận, bởi cơ sở hạ tầng của nhà máy đến nay đã được đầu tư cơ bản hoàn thiện và nhà máy sẽ chuyển tên gọi thành Công ty Đá Việt Long. Theo nhận định, Hà Giang có rất nhiều mỏ đá xẻ quý, có giá trị xuất khẩu cao, phù hợp với thị hiếu của nhiều nước trên thế giới, bởi vậy đang rất cần những con người mạnh dạn, nhiệt huyết.
Tính đến nay, sản phẩm đá đã được các khách hàng nước ngoài có đơn đặt hàng mua đến hết năm 2008, với năng lực sản xuất như hiện nay, công ty cố gắng đáp ứng được, song nhu cầu đặt hàng ngày càng lớn, “cung không đủ cầu” vì vậy kế hoạch đầu tư cho dây chuyền, công nghệ, mở rộng sản xuất trong thời gian tới đã được công ty đặc biệt quan tâm. Và đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của nhà máy trong việc đóng góp vào phát triển công nghiệp của địa phương từ nay đến năm 2015.
Giai đoạn khó khăn nhất của nhà máy giờ đã đi qua, hoạt động sản xuất đã ổn định, tương lai đang mở rộng trước mắt và lâu dài cho nhà máy. Hiện tại hàng ngày có hàng trăm lao động người địa phương tham gia lao động liên tục trong 2 ca và ngày càng có nhiều người đến xin làm việc, do nhà máy có những chế độ, chính sách ưu đãi đối với người lao động như: Hỗ trợ, bổ sung tiền ăn ca thêm cho người lao động, hỗ trợ người làm ca đêm, thêm giờ...; đặc biệt số lao động lâu dài tại nhà máy đều được tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
Đá là nguồn tài nguyên cực kỳ phong phú của Hà Giang, nếu được quan tâm, sẽ thu hút được các nhà đầu tư. Hiện tại Công ty Việt Long đang nỗ lực giới thiệu, quảng bá chất lượng đá Hà Giang với nhiều tập đoàn kinh tế, với mong muốn thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến nghiên cứu, khai thác, cùng với Việt Long đưa sản phẩm đá ra bán trực tiếp tại nước ngoài, đáp ứng một phần nhu cầu rất cao trên thị trường đá thế giới hiện nay và đây sẽ là nguồn lợi kinh tế không nhỏ. Đặc biệt, Công ty Việt Long đã trở thành đơn vị đi tiên phong trong việc mở đầu cho một nền công nghiệp mới mẻ của tỉnh và được đánh giá khá thành công, một “bài toán khó” đã có lời giải đáp.
Ý kiến bạn đọc