Xín Mần mở rộng sản xuất lúa nếp Nàng Hương
(HGĐT)- Trong vài năm trở lại đây, người tiêu dùng trong tỉnh bắt đầu biết đến một loại gạo đặc sản của Xín Mần, đó là lúa nếp Nàng Hương...
Hội nghị đầu bờ ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất
lúa nếp Nàng Hương tại xã Tả Nhìu - Xín Mần.
Đây là giống lúa nếp có chất lượng gạo ngon, hạt to, tròn đều, đã được người dân địa phương gieo trồng từ lâu đời, nhất là ở 2 xã Cốc Rế và Tả nhìu. Đặc biệt loại nếp này có mùi thơm rất đặc trưng, bà con nới đây vẫn thường tự hào rằng, một nhà thổi xôi thì cả bản biết. Cũng có lẽ vì thế mà loại gạo này có tên là nếp Nàng Hương chăng? Tuy nhiên, từ trước tới giờ, nếp Nàng Hương chỉ được gieo trồng rất ít. Đến mùa vụ, mỗi hộ gieo cấy vài thửa ruộng, chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu tự cung tự cấp của các hộ gia đình vào những dịp lễ, tết... Chính vì vậy, khi được người tiêu dùng biết đến, được tiêu thụ trên thị trường với giá thành cao thì nếp Nàng Hương của Xín Mần lại không đủ để đáp ứng nhu cầu. Từ thực tế đó, được sự hỗ trợ của nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện Xín Mần đã xây dựng dự án “Mở rộng sản xuất lúa nếp Nàng Hương tại huyện Xín Mần” nhằm giữ gìn và phát triển vùng lúa đặc sản hàng hoá của địa phương, từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân.
Qua khảo sát cho thấy, nếp Nàng Hương là giống lúa có khả năng chống chịu tốt với điều kiện tự nhiên, khả năng chống chịu bệnh tốt, có tiềm năng năng suất khá, nếu được thâm canh đúng mức có thể cho năng suất khá cao. Do đó, mục tiêu của dự án đặt ra, đó là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mở rộng thành công mô hình thâm canh lúa nếp Nàng Hương, đưa năng suất lên 45-50 tạ/ha...
Với diện tích 40 ha tại 2 xã vốn đã nổi tiếng bởi giống lúa này đó là Cốc Rế và Tả Nhìu, dự án “ Mở rộng sản xuất lúa nếp Nàng Hương” đã được triển khai tương đối thuận lợi. Những hộ dân tham gia dự án đều là những hộ nông dân có kinh nghiệm sản xuất, nhân lực, điều kiện chăm sóc, quản lý và tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, có trách nhiệmtrong việc triển khai dự án. Để bà con có cơ sở thực hiện tốt mô hình, công tác tập huấn kỹ thuật thâm canh được Trạm Khuyến nông huyện thực hiện kỹ lưỡng, từ việc hướng dân qui trình sử lý hạt giống, làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hái, chế biến và bảo quản sản phẩm. Nhờ việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh, cộng với kinh nghiệm canh tác truyền thống của bà con, năng suất nếp Nàng Hương đạt cao hơn hẳn trước đây. Qua đánh giá cho thấy: Năng suất thống kê của mô hình mở rộng lúa nếp Nàng Hương gieo trồng tại xã Tả Nhìu đạt trung bình 51,3 tạ/ha; tại xã Cốc Rế đạt trung bình 52,4 tạ/ha. Toàn bộ số lượng nếp Nàng Hương này sẽ được HTX dịch vụ tổng hợp Thèn Phàng đảm nhận thu mua với giá 4.500 đ/kg thóc. Như vậy, sau khi trừ chi phí (khoảng 8 triệu đồng), người nông dân cũng thu được từ 12 triệu đồng /ha trở lên. Cao hơn hẳn so với mức đầu tư gieo trồng lúa tẻ thường. Đấy là chưa kể nếu được thâm canh tốt thì nếp Nàng Hương cón có thể đạt năng suất 60 tạ/ ha.
Dự án mở rộng sản xuất lúa nếp Nàng Hương của Trạm khuyến nông huyện Xín Mần thành công đã tạo cơ sở tuyên truyền cho nhân dân áp dụng qui trình thâm canh vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế của cây trồng, tạo ra vùng lúa đặc sản cho địa phương. Không những thế, việc triển khai thành công dự án đã tác động sâu sắc đến nhận thức của người dân trong việc thay đổi phương thức sản xuất từ tự túc, tực cấp sang sản xuất hàng hoá.
Là một huyện vùng cao núi đất phía Tây của tỉnh với tổng diện tích tự nhiên là 58.099 ha, Xín Mần chỉ có 3.358 ha là có thể gieo trồng lúa nước, còn lại chủ yếu là nương trên đất dốc. Bên cạnh đó, các giống lúa được gieo trồng chủ yếu là lúa tẻ thường như Khang dân 18, Bao thai... có giá trị kinh tế không cao. Vì vậy, huyện Xín Mần đã xác định trong sản xuất nông nghiệp là lựa chọn các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản suất đại trà, tạo ra vùng sản phẩm hàng hoá, tăng thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, đẩy mạnh phát triển các vùng cây trồng đặc sản, có giá trị kinh tế cao đã và đang là hướng đi đúng đắn của Xín Mần mà việc mở rộng sản xuất lúa nếp Nàng Hương là một điển hình sinh động.
Ý kiến bạn đọc