Theo chân những cán bộ tín dụng

16:50, 19/10/2007

(HGĐT)- Trong một buổi đến làm việc với Phòng Tín dụng Ngân hàng No&PTNT tỉnh cho vay hộ sản xuất, kinh doanh, chúng tôi thấy không khí rất khẩn trương, tấp nập của cán bộ phòng và người đến vay vốn. Những người đến vay vốn đều có những kế hoạch sử dụng đồng vốn khác nhau nhưng đều vì mục đích sử dụng số tiền được vay vào đầu tư sản xuất, phát triển kinh hộ gia đình.


Làm việc với chúng tôi là chị Lê Thị Mai, Phó phòng Tín dụng, một người có nhiều năm gắn bó với công tác tín dụng. Sau khi đề cập đến vấn đề tìm hiểu về cách thức cho vay và thu hồi vốn của phòng, chị cho biết: “Những năm gần đây, nhờ thay đổi hình thức làm việc nên người dân đến vay vốn rất thuận lợi, nhanh chóng. Nếu có đầy đủ giấy tờ thì chỉ trong vòng khoảng 30 phút là có thể vay được vốn. Không như thời gian trước, người vay phải qua rất nhiều công đoạn, trong nhiều ngày mới hoàn thành thủ tục vay và hiện nay cũng có rất nhiều hình thức cho vay như: Vay thế chấp qua tài sản, qua lương nên đã thu hút rất đông khách hàng vay vốn sản xuất, chăn nuôi, đầu tư vào tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, buôn bán. Khâu cho vay vốn đã rất thông thoáng nhưng khâu thu hồi vốn còn rất nhiều vấn đề nảy sinh, khó khăn; đối với những hộ gia đình sau khi vay vốn sử dụng, đầu tư có hiệu quả, sinh lợi thì chuyện trả lãi hàng tháng không có gì phải bàn, còn đối với những hộ gia đình gặp rủi ro khi sử dụng đồng vốn thì rất buồn…”.


Chúng tôi đã có chuyến đi thực tế cùng chị Mai và anh Hoàng Thanh Huyền, cán bộ tín dụng phụ trách xã Phương Độ (TXHG) đến một số hộ gia đình vay vốn tín dụng của ngân hàng. Trên đường đi, anh Hoàng tâm sự: “Cán bộ tín dụng chúng tôi, ngoài công việc trên bàn giấy theo đúng giờ Nhà nước quy định thì những lúc đi thu hồi vốn, thu lãi trong dân thì không kể giờ giấc, ngày lễ, ngày nghỉ. Để gặp được người dân phải đi vào buổi trưa, buổi tối và có khi vào cả những trời mưa thì mới gặp được khách hàng”. Gia đình chúng tôi đến đầu tiên là vợ, chồng anh Đàm Văn Hoà, chị Nguyễn Thị Hồng Khuyên, một trong rất nhiều hộ vay vốn, sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Gọi cửa một lúc lâu không thấy ai trả lời, chúng tôi được một người hàng xóm cho biết: “Giờ này muốn gặp vợ chồng nhà ấy thì sang xưởng chè mà tìm”. Chị Mai nói: “Gia đình nhà này chịu khó lắm! Được vay 70 triệu đồng, từ đầu năm 2007 đã đầu tư ngay vào xây dựng xưởng chè có đầy đủ trang thiết bị, nhiều lúc cao điểm thuê đến hàng trăm người lao động tại xưởng”. Thấy chúng tôi đến thăm xưởng, chị Khuyên dừng tay nhặt chè ra đón chúng tôi, trên mặt lấm tấm những giọt mồ hôi nhưng rạng lên một nụ cười hạnh phúc, chị hồ hởi: “Ôi, lâu lắm rồi các bác mới đến chơi nhưng hôm nay “nhà em” lại đi vắng rồi..!”. Đưa đoàn đi tham quan xưởng sản xuất chè, chị tâm sự: “Trước gia đình em mới tách hộ khó khăn lắm, 2 vợ chồng làm quần quật suốt ngày đêm chỉ đủ ăn và trang trải tiền học cho con là hết. Nhưng sau khi được vay vốn của ngân hàng, gia đình em mạnh dạn đầu tư vào mở xưởng chè, cũng may đúng vào lúc giá chè trên thị trường lên cao, sản phẩm của xưởng tại nhà và 2 xưởng trong xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, nhờ vậy gia đình em đã trả lãi đều đặn và có tiền trang trải cuộc sống, xây được một ngôi nhà một tầng khép kín…”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, 3 xưởng chè của gia đình anh Hoà, chị Khuyên hoạt động thường xuyên với 10 người địa phương được thuê lao động liên tục với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng và những lúc cao điểm đã thuê đến hơn 100 người lao động với mức tiền công trung bình 30 nghìn đồng/người/ngày. Mở được xưởng chè không chỉ tạo được một khoản thu nhập khá cho gia đình, tạo việc làm cho người lao động trong những lúc nông nhàn mà còn là nơi bao tiêu sản phẩm chè cho bà con trong vùng.


Chia tay gia đình làm chè, đoàn chúng tôi đến 2 hộ gia đình mà theo lời anh Huyền nói là những hộ thuộc diện “nợ xấu, khó đòi”, đã đến rất nhiều lần nhưng không thu được lãi. Đó là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Mạo, thôn Tân Tiến, xã Phương Độ, một hộ gia đình thuộc diện hộ khá, sau khi vay 15 triệu đồng, đầu năm 2006 với mục đích ban đầu đầu tư kinh doanh hàng hoá tổng hợp, sau đó chuyển sang chăn nuôi trên 20 con lợn và đó chính là nguồn hy vọng phát triển kinh tế của gia đình nhưng vừa qua đàn lợn của gia đình bị dịch bệnh chết mất 20 con. Số tiền vay của ngân hàng chưa kịp sinh lời nay đã mất trắng nên hiện nay gia đình anh Mạo chưa biết tìm ra hướng nào để có thể trả gốc, lãi cho ngân hàng. Gia đình ông Hoàng Văn Duy, được vay 4,5 triệu đồng từ năm 2003 theo chương trình vay vốn mua trâu, bò (Nhà nước hỗ trợ lãi suất 3 năm). Đến năm 2006 hết hạn cho vay, đến nay gia đình chưa trả được tiền gốc, lãi cho ngân hàng. Vào đến nhà ông Duy, một ngôi nhà sàn có thể liệt vào danh mục những ngôi nhà tạm cần xoá, dưới gầm sàn, trên nhà không có đồ vật gì giá trị. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, gia đình ông Duy sau khi vay vốn đã mua được trâu nhưng sau một thời gian do người trong gia đình gặp tai nạn đã phải bán trâu đi để trang trải, không chỉ dừng lại ở đó, ngôi nhà ông đã bị cháy hoàn toàn, còn ông Duy trong một lần đi lao động đã bị tai nạn cụt mất một chân trái, rồi đến lượt người vợ bị mù một bên mắt cũng do tai nạn lao động nên gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. ông Duy nói: “Vẫn biết còn nợ tiền của Nhà nước nhưng trong thời điểm này thì gia đình chịu không thể trả nổi…”.


Có đi mới thấy những khó khăn của người được vay vốn và của người cán bộ tín dụng phụ trách công tác thu hồi vốn, lãi. Đối với những hộ gia đình sau khi vay vốn, sử dụng đồng vốn có hiệu quả, tạo được thu nhập cho gia đình thì việc hoàn trả vốn, lãi cho ngân hàng đúng thời gian quy định, nhưng còn đối với những khách hàng trong việc sử dụng đồng vốn vào lao động, sản xuất, kinh doanh với mong ước từng bước làm thay đổi cuộc sống nhưng do gặp rủi ro trong cuộc sống nên đồng vốn không sinh lời mà còn mất hết; thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng cần có những biện pháp, cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình gặp tai nạn, rủi ro vươn lên trong cuộc sống.


Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hướng đi vững chắc cho phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh
(HGĐT)- Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư ngày càng nhiều vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN).
28/09/2007
Nhận thức rõ thế mạnh để phát triển nền nông nghiệp bền vững
(HGĐT)- Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta vừa qua, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã làm sáng rõ thêm bức tranh toàn cảnh của Hà Giang hiện tại và trong tương lai, đó là biến những khó khăn đặc thù thành thế mạnh để phát triển nền nông nghiệp bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
26/09/2007
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy
(HGĐT)- Khu Kinh tế Cửa khẩu (KTCK) Thanh Thuỷ được quy hoạch xây dựng trên diện tích 360 ha. Trong đó, giai đoạn 1 quy hoạch xây dựng trên diện tích 100 ha, thực hiện đến năm 2010. Giai đoạn 2, quy hoạch xây dựng trên diện tích 260 ha, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020.
24/09/2007
Làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những lĩnh vực nổi bật nhất của Việt Nam sau 8 tháng gia nhập WTO, là đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục mới. Do đó, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã chính thức điều chỉnh dự báo kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2007 từ 12 tỷ USD lên 13 tỷ USD.
24/09/2007