Mô hình nuôi thủy sản ở Mèo Vạc
(HGĐT) Từ thực tế cho thấy, việc đầu tư phát triển thuỷ sản trên địa bàn miền núi, vùng cao là một điều hết sức khó khăn do diện tích mặt nước rất ít, phần lớn lại nằm liền kề với khu vực sông suối nên nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống gây thiệt hại trực tiếp đến việc nuôi trồng thuỷ sản là điều không thể tránh khỏi. Nhận thấy, tại một số xã có tiềm năng phát triển thuỷ sản, Ban quản lý Dự án DPPR huyện Mèo Vạc quyết định đầu tư xây dựng mô hình trình diễn nuôi trồng thuỷ sản tại các xã Niêm Sơn, Tát Ngà, Nậm Ban.
Mô hình nuôi thuỷ sản được Ban QLDA DPPR huyện Mèo Vạctriển khai từ năm 2006, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào việc nuôi trồng thuỷ sản đến với người dân nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, cải thiện dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày. Sau hơn một năm thực hiện, đã có 15 mô hình được áp dụng thành công trên 3.000m2 diện tích mặt nước gồm ao nuôi cá thịt, cá ương giống. Gia đình anh Vi Văn Sơn, thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà, thực hiện mô hình ao nuôi cá thịt trên diện tích 220m2, sau khi đã tiến hành xong các quy trình kỹ thuật của mô hình, gia đình anh Sơn thả trên 10 kg cá giống các loại, cá trắm, trôi, chép, rô phi với tổng chi phí 2 triệu đồngvà kết quả thu được gần 6 triệu đồng. Nhận thấy lợi ích thiết thực của mô hình, nhiều hộ dâncó diện tích mặt nước tại các xã được triển khai dự án đang áp dụng mô hình này. Riêng năm 2007,tại xã Tát Ngà có thêm 26 gia đình áp dụng, đưa diện tích thực hiện mô hình của xã lên gần 4 ha.
Các bước thực hiện mô hình được cán bộ có trình độ chuyên môn, và kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản tập huấn, hướng dẫn cho nông dân các nội dung, như: Giới thiệu về nghề nuôi cá và các giống cá phổ biến ở Hà Giang; kỹ thuật thâm canh ao cá nước chảy; kỹ thuật nuôi ương cá giống; quy trình kỹ thuật phòng và trị bệnh cho cá nuôi trong ao hồ… Đồng thời Ban QLDA đã biên soạn tài liệu lên lớp, phù hợp với khả năng nhận thức của người nông dân, trong quá trình triển khai, cán bộ chỉ đạo mô hình thường xuyên trực tiếp đến từng mô hình để hướng dẫn, chỉ đạo các hộ tiến hành ghi chép sổ sách, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.
Sau hơn một năm triển khai, mô hình nuôi thuỷ sản ở Mèo Vạc,về hiệu quả kinh tế, trọng lượng trung bình cũng như năng suất cá thu được cao hơn hẳn so với phương thức nuôi truyền thống. Đặc biệt, mô hình đã trang bị một số kiến thức cơ bản về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản cho các hộ dân các xã Tát Ngà, Nậm Ban, Niêm Sơn... nâng cao năng lực trong việc phát triển thuỷ sản. Từ 15 mô hình nuôi cá thịt và ương cá giống đã kết thúc, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân các xã thực hiện dự án và những xã xung quanh học hỏi kinh nghiệm. Mô hình nuôi thuỷ sản nước chảy ở Mèo Vạc đã trang bị cho người dân kiến thức áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thuỷ sản góp phần tăng thu nhập, cải thiện bữa ăn hàng ngày góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo tại địa phương.
Từ thành công trên, mô hình có thể tiếp tục phát triển nhân rộng ra phạm vi các xã và có diện tích mặt nước nhằm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và xây dựng các mô hình khác như nuôi cá ruộng, hiện đang là một lợi thế của một số xã ở huyện Mèo Vạc. Việc áp dụng thành công mô hình ương cá giống trong tương lai không xa, sẽ là nguồn cung cấp cá giống để người dân phát triển thuỷ sản ở khu vực thuỷ điện sông Nho Quế.
Ý kiến bạn đọc